Thứ Ba, 24/9/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 28/4/2016 10:5'(GMT+7)

Gắn du lịch với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

Giữ gìn, tôn vinh các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mông

Ngay từ sáng sớm 27/4, khi sương còn chưa kịp tan trên mỗi hàng cây, ngọn cỏ, những con đường nhỏ dẫn đến Nhà văn hóa xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã rộn ràng tiếng cười nói, tiếng khèn của đồng bào dân tộc Mông gọi nhau đến với Ngày hội văn hóa của dân tộc mình. Đây là năm thứ ba huyện Đồng Hỷ tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao dân tộc Mông. 

Khoảng 8h ngày 27/4, khi ánh nắng mặt trời bắt đầu xen qua những tán cây là thời điểm ngày hội giao lưu văn hóa dân tộc Mông bắt đầu diễn ra. Ngày hội được mở đầu với những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông do chính đồng bào dân tộc Mông từ các xã trong huyện trình bày. Tiếng khèn Mông, sáo Mông vang lên khiến cho không khí của núi rừng Việt Bắc dường như bừng lên rộn rã. Sau phần giao lưu văn nghệ là phần thi tài ở những trò chơi dân gian đặc sắc, mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông như: trình diễn trang phục dân tộc truyền thống, thi múa khèn, thi đánh cù, kéo co, đẩy gậy, chọi chim họa mi… Đặc biệt, tại Ngày hội, các xóm bản người Mông còn có dịp trổ tài trong phần thi văn hóa ẩm thực dân tộc với những món ăn độc đáo như: nấu thắng cố, làm mèn mén, đây là hai món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông. Chị Lý Thị Mai ở xóm Lân Quan, xã Quang Sơn vui vẻ cho biết: Đây là năm thứ 3 mình tham gia thi văn nghệ, hai lần trước đều có giải thưởng mang về, lần này mình cũng sẽ cố gắng hết sức để có được giải thưởng cao, mang niềm vui về cho dân bản mình. 

Ngày hội văn hóa thể thao dân tộc Mông là sự kiện văn hóa lớn của địa phương nhằm phát huy tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc, khơi dậy niềm tự hào về bản sắc văn hóa, đồng thời tạo không khí vui mừng, phấn khởi, cổ vũ động viên đồng bào tích cực tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 để ngày bầu cử thực sự trở thành Ngày hội lớn của dân tộc. Em Lý Thị Đăng (19 tuổi) ở xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn cho biết: Đến với Ngày hội này, em được nghe và hiểu hơn về ý nghĩa của việc đi bầu cử, đây cũng là quyền lợi và trách nhiệm của em. Em sẽ tích cực vận động bạn bè, người thân cùng bà con trong xóm đi bầu cử vào ngày 22/5 tới để bầu ra những người tài giúp cho dân, cho nước. 

Ông Đàm Thế Nhàn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Hỷ cho biết: Trên địa bàn huyện có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm 2% dân số, tập trung ở 9 xóm, bản thuộc 3 xã Tân Long, Văn Lăng, Quang Sơn. Trong đó có xóm 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống như Lân Đăm, Bản Tèn, Mỏ Nước… Đồng bào Mông ở Đồng Hỷ có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Tuy nhiên, một số nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán hiện đang bị mai một dần như: Lễ hội Gầu tào, mừng lúa mới... Hiện người Mông trên địa bàn chỉ còn lưu giữ được trong đời sống hàng ngày tiếng nói của dân tộc; cách nấu món mèn mén, thắng cố; nuôi chim họa mi. Do vậy, việc tổ chức Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Mông trên địa bàn huyện Đồng Hỷ nhằm góp phần giữ gìn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa của dân tộc Mông.

Tuần du lịch - văn hóa Lai Châu và Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2016  
 
* Tối 27/4, tại Quảng trường Nhân dân tỉnh, UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức khai mạc Tuần du lịch - văn hóa Lai Châu năm 2016, với chủ đề “Lai Châu - Bản tình ca của những sắc màu”. Chương trình khai mạc "Tuần du lịch - văn hóa Lai Châu năm 2016" diễn ra với ba phần “Lai Châu - tình đất tình người”, “Lai Châu - Gió núi mây ngàn” và “Lai Châu - Bản tình ca của những sắc màu”.   Khoảng 1.000 diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên được chọn lọc từ các đoàn nghệ thuật tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, các trường trung học phổ thông và chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia biểu diễn.  
 
Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức "Tuần du lịch - văn hóa Lai Châu năm 2016" hy vọng để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách trong và ngoài nước về một Lai Châu mến khách, đoàn kết, đậm đà bản sắc văn hóa với thiên nhiên hùng vĩ, lịch sử hào hùng.  
 
Trước đó vào lúc 14 giờ cùng ngày, Ban tổ chức Tuần du lịch  - văn hóa Lai Châu năm 2016 đã khai mạc Lễ hội âm nhạc - Không gian nghệ thuật trong lòng hang động Pusamcap - một trong những hoạt động đặc sắc, mới lạ dịp này. 

* Ngày 27/4 (tức ngày 21/3 âm lịch), tỉnh Khánh Hòa tổ chức khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2016. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm nhằm tưởng nhớ Thiên Y Thánh mẫu Ana, người được dân gian tôn vinh là Mẹ xứ sở của vùng đất Nam Trung bộ. Hàng vạn người dân tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, thành phố Đà Nẵng... hành hương về tham dự lễ hội.   
   
Tháp Bà Ponagar tọa lạc trên đồi Cù Lao nằm cạnh dòng sông Cái, thuộc địa bàn phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, được xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo của người Chăm và đã tồn tại hơn 1.200 năm. Khu tháp này được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1979 và Lễ hội Tháp Bà Ponagar được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản phi vật thể cấp quốc gia vào cuối năm 2012.  
   
Trong ngày khai mạc lễ hội, hàng trăm đoàn hành hương đã lần lượt vào ngôi tháp chính để dâng lễ vật cúng Thiên Y Thánh Mẫu Ana. Theo truyền thuyết, bà là người dạy dân trồng lúa, nuôi tằm, dệt vải và chở che cho người dân trước thiên tai, địch họa. Lễ hội kéo dài đến hết ngày 29/4 với nhiều nghi thức như: lễ thay y, lễ cầu siêu và thả hoa đăng, lễ cầu "Quốc thái, dân an", lễ tế cổ truyền, lễ dâng hương tạ Mẫu, lễ hoàn kinh...    Bên cạnh các nghi thức tín ngưỡng, tại lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa như, diễn tuồng, múa Chăm, biểu diễn làm gốm, dệt vải… nhằm tôn vinh những giá trị trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Chăm nói riêng và đồng bào các dân tộc vùng Nam Trung bộ nói chung; đồng thời tưởng nhớ, tri ân công đức của Mẹ xứ sở Thiên Y Thánh Mẫu Ana.  /.  
                                                                       

Lễ hội chùa Hương 2016 thu hút 1,5 triệu lượt khách

Theo Ban quản lý khu du tích và thắng cảnh Hương Sơn, mùa lễ hội năm 2016, chùa Hương đón 1,5 triệu lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước;  cơ bản đạt được yêu cầu đề ra. Lễ hội dần đi vào nề nếp, văn minh và an toàn, không có tai nạn rủi ro xảy ra, tình trạng tiêu cực cơ bản đã được hạn chế. Năm nay, Ban tổ chức lễ hội phối hợp với lực lượng công an tạm giữ 51 phương tiện xe máy của các đối tượng cò mồi, chèo kéo khách đi đò, sử dụng dịch vụ. Hiện tượng đổi tiền lẻ, treo thịt tươi sống gây phản cảm như các mùa lễ hội trước không còn diễn ra; tình trạng bói toán, bày bán văn hóa phẩm có nội dung không được phép lưu hành cũng không còn. Ban tổ chức công khai giá vé thắng cảnh, giá xuồng đò, số điện thoại đường dây nóng và hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự trên hệ thống bảng biển, lắp đặt từ bến Yến vào đến động Hương Tích. Ban tổ chức thường xuyên phát thanh hướng dẫn, nhắc nhở khách hành hương không lễ chín, không dâng cúng đồ mã, đốt vàng mã đúng nơi quy định.

Tuy nhiên, dịch vụ hàng quán tại chùa Hương còn bày bán lộn xộn, một số hàng quán trước động Hương Tích vẫn lấn chiếm lối đi. Đầu mùa lễ hội, các chủ hộ kinh doanh còn nghiêm túc thực hiện các quy định của Ban tổ chức nhưng giữa mùa lễ hội trở ra, việc thực hiện có phần lỏng lẻo. Hiện tượng du khách đặt, giắt tiền lẻ không đúng nơi quy định đã chuyển biến nhưng chưa triệt để. Mặt khác, tình trạng đò chở quá tải vẫn còn, do đó trong mùa lễ hội tới, Ban tổ chức sẽ có quy định chặt chẽ với các chủ đò trong việc đảm bảo an toàn giao thông khi chở khách, không chở quá tải và phải trang bị phương tiện cứu sinh.

TG tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất