Rượu bia không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn là một trong những nguyên nhân chính gây ra rất nhiều những vụ tai nạn giao thông đau lòng... Theo báo cáo của Bộ Công an trước kỳ họp Quốc hội vừa qua, có tới 43% vụ tai nạn giao thông có chủ phương tiện uống rượu bia...
Những vụ tai nạn đau lòng
Dù đã gần ba năm trôi qua nhưng vụ tai nạn thảm khốc ở Quốc lộ 2, địa phận thôn 11, xã Tiêu Sơn, Đoan Hùng, Phú Thọ làm 6 người chết và 61 người bị thương vẫn còn là nỗi ám ảnh với thầy trò trường Chu Văn An, xã An Bình, Văn Yên, Yên Bái. Chiều ngày 20/9, chiếc xe khách chở 43 học sinh và 5 thầy cô giáo đi thăm Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) đang trên đường về đã đâm trực diện xe chở khách chạy ngược chiều gây tai nạn. Trước đó, lái xe đã uống rượu lúc ăn trưa, không làm chủ được tay lái dẫn đến hậu quả thảm khốc trên.
Cuối năm ngoái đã xảy ra vụ tai nạn làm chết 3 người trong một gia đình. Lái xe Nguyễn Vũ Thông đã uống rượi bia trước khi điều khiển xe chạy trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, hướng từ quận Bình Thạnh về quận 1. Do có hơi men, không làm chủ được tay lái nên đã lao qua dải phân cách và tông trực diện vào ô tô bốn chỗ do chị Trần Thị Bích Liên (tạm trú quận Bình Thạnh) cầm lái chạy hướng ngược lại. Vừa lúc này xe ô tô do anh Đặng Lê Minh điều khiển chạy phía sau không xử lý kịp nên tông vào xe chị Liên.
Hậu quả, chị Trần Thị Bích Liên, ông Trần Văn Phần (75 tuổi, bố chị Liên), cháu Nguyễn Chí Trung (con chị Liên) đã tử vong. Cháu Nguyễn Chí Hiếu (con chị Liên) bị thương nặng được đưa đi cấp cứu.
Đầu năm nay, ngày 18/2 tại Km 1048 + 486, QL1A, đoạn đi qua xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh - Quảng Ngãi đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Lái xe ô tô tải đã dùng bia rượu, chạy ngược chiều lấn phần đường tông vào hai xe máy làm 2 vợ chồng anh Phan Thanh Hùng và chị Lê Thị Mến, quê ở xã Bình Thanh Đông, huyện Bình Sơn chết tại chỗ và 3 người khác bị thương nặng.
Gần đây nhất, ngày 24/6, tại địa điểm trên đầu cầu Thăng Long – Hà Nội (giáp ranh khu đô thị Ciputra), đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông giữa 3 xe ôtô, khiến 1 bé gái tử vong và 6 người khác bị thương nặng, 2 người bị thương nhẹ.
Nguyên nhân của vụ tai nạn bắt nguồn từ việc xe ôtô hiệu Innova 7 chỗ di chuyển theo hướng đường Phạm Văn Đồng lên cầu Thăng Long với tốc độ rất nhanh, đến đoạn cua đã bất ngờ lấn sang luồng đường của xe ngược chiều. Chiếc Innova đã mất lái và đâm trực diện vào một xe taxi của hãng taxi Mai Linh, đồng thời va mạnh vào chiếc xe taxi của hãng Taxi Nội Bài. Sau khi vụ tai nạn xảy ra toàn bộ số người đi trên 3 xe ô tô đều bị thương nặng, trong đó có 1 bé gái 12 tuổi bị tử vong tại chỗ.
Lái xe điều khiển ô tô Innova 7 chỗ mang gây nên vụ tai nạn đau lòng trên là Nguyễn Bá Việt (Sinh năm 1978, sinh sống tại huyện Đông Anh). Việt được xác định có biểu hiện sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông.
Bệnh viện Việt Đức mỗi năm tiếp nhận 20.000 ca cấp cứu vì tai nạn giao thông, trong đó gần 50% bệnh nhân uống bia rượu |
Xử lý nghiêm lái xe uống rượu bia khi tham gia giao thông
Đây chỉ một trong số hàng trăm ngàn vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến rượu, bia. Điều đáng nói là người lái xe uống rượu bia không chỉ gây tai nạn cho mình mà còn “cướp” đi sinh mạng của rất nhiều người khác, gây tổn thất nặng nề cho gia đình và xã hội. Tình trạng này diễn ra hàng ngày và đang có dấu hiệu gia tăng ở khắp các địa phương trong cả nước, từ thành phố đến nông thôn, miền núi.
Theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức, trong số 20.000 ca cấp cứu mỗi năm vì tai nạn giao thông, có đến gần 50% bệnh nhân uống bia rượu. Cụ thể, xét nghiệm trên 3.239 trường hợp bị tai nạn giao thông gần đây, có 1.375 bệnh nhân (chiếm 42,4%) có nồng độ cồn trong máu.
Nguyên nhân gây tai nạn giao thông vẫn không nằm ngoài hai vấn đề cơ bản là ý thức của người tham gia giao thông và hạ tầng cơ sở giao thông. Trong đó, ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân còn rất yếu, thậm chí coi thường tính mạng của bản thân và gây tổn hại cho người khác. Mỗi người tham gia giao thông phải tự nhận thức rõ được hậu quả của bia rượu, phải biết tự chủ bản thân, kiên quyết không uống rượu nếu phải điều khiển phương tiện giao thông để bảo vệ chính mình.
Mặt khác, chế tài xử phạt hành vi lái xe uống rượu bia còn thấp. Nên chăng cần tăng mức phạt tiền gấp nhiều lần đối với những trường hợp này. Đồng thời áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép lái; tạm giữ phương tiện...
Ngoài ra, cần bổ sung lực lượng, trang thiết bị đo nồng độ cồn, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ðây sẽ là giải pháp quan trọng có tính răn đe cao nhằm tạo thói quen tự giác chấp hành pháp luật, không uống rượu, bia trước khi lái xe.
Theo nghị định 34 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nếu trong một lít khí thở có 0,25-0,4 mg cồn thì người điều khiển ôtô sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng, người lái môtô bị phạt 200.000-300.000 đồng, và cùng bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày.
Nếu nồng độ cồn vượt mức 0,4 mg, người lái ôtô sẽ chịu mức phạt 4-6 triệu đồng, còn người lái môtô bị phạt 500.000-1.000.000 đồng và cùng bị tước giấy phép lái xe 60 ngày. Riêng ở Hà Nội và các thành phố lớn, mức phạt này sẽ bị tăng gấp đôi. |
(Phương Mai - VnMeida)