Thứ Năm, 19/9/2024
Tuyên truyền
Chủ Nhật, 3/5/2015 15:1'(GMT+7)

Gặp những cựu chiến binh quân tình nguyện Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia

Khu lưu niệm Quân tình nguyện Việt Nam ở Nam Trung Bộ làm nhiệm vụ quốc tế tại hạ Lào và Đông Bắc Campuchia đặt tại thôn Đề An, xã Hành Phước (Nghĩa Hành).

Khu lưu niệm Quân tình nguyện Việt Nam ở Nam Trung Bộ làm nhiệm vụ quốc tế tại hạ Lào và Đông Bắc Campuchia đặt tại thôn Đề An, xã Hành Phước (Nghĩa Hành).

Ngay sau đó, căn cứ cách mạng nối liền các tỉnh Đông Bắc Campuchia với Hạ Lào và Tây Nguyên (Việt Nam) tạo thành một hành lang an toàn. Từ đây, quân dân Nam Trung Bộ đã tích cực phối hợp với chiến trường các nước bạn, đẩy mạnh cuộc kháng chiến, giải phóng nhiều vùng đất trên khu vực Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, góp phần giành thắng lợi quyết định, buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Geneva về Đông Dương, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, công nhận độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trên 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Di tích tình nguyện Việt - Lào (ở thôn Đề An, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) là nơi đầu tiên đã diễn ra lễ xuất quân của quân tình nguyện Việt Nam đi chiến trường Hạ Lào cách đây gần 67 năm. Ông Trịnh Lương Cừ, trú tại thành phố Quảng Ngãi, nguyên là lính của Đội vũ trang tuyên truyền, Quân khu V, hiện trú tại thành phố Quảng Ngãi nay có dịp cùng đồng đội về thăm lại nơi ông cùng đồng đội đã làm lễ xuất quân.

Còn ông Huỳnh Tấn Tâm, hiện ở thành phố Quảng Ngãi lại nhớ như in những ngày làm nhiệm vụ phụ trách quân y, thuộc Đại đội 17 và được phân công đến vùng Đông Bắc Campuchia. Nhiệm vụ của ông là tuyên truyền, vận động nhân dân theo cách mạng, đánh đuổi giặc Pháp. Với tinh thần “giúp bạn là giúp mình”, tình thương yêu của người lính quân y Việt Nam đối với người dân Campuchia và sự thương yêu đùm bọc của người dân Campuchia, ông và đồng đội đã vận động nhân dân vùng Đông Bắc Campuchia một lòng theo cách mạng. Ông Tâm cho biết: Trước khi tuyên truyền, mình phải tìm hiểu xem họ là người có tình cảm với cách mạng không, nếu là người nghiêng về cách mạng thì mình sẽ thuận lợi trong việc vận động họ theo mình. Còn những người không có ý theo thì mình vẫn tuyên truyền nhưng phải thật khéo léo, nếu không là bị lộ, bị bắt ngay.

Còn ông Trần Tấn Long (hiện trú tại thành phố Quảng Ngãi), nguyên đội trưởng đội tuyên truyền-quân khu V đã cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh tiêu hao sinh lực địch trên vùng Hạ Lào. Trong số các trận đánh càn phá các đồn bốt của giặc Pháp, ông Long nhớ nhất là trận đánh giải phóng thị xã Mường Mày, tiến tới giải phóng toàn tỉnh Atapeu (Lào). Khi tỉnh Atapeu được giải phóng, Quân tình nguyện Việt - Lào nối được đường dây với cơ sở ở Kon Tum, Việt Nam để chi viện qua Lào, phục vụ cho các trận đánh tiếp theo trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, từ đó giải phóng nhiều vùng rộng lớn ở Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia, góp phần thuận lợi cho ta đàm phán thắng lợi ở Hội nghị Geneva.

“Ấn tượng nhất với tôi là trận đánh giải phóng Mường Mày và cả Trung đoàn tập trung giải phóng tỉnh Atapeu. Vì ban đầu từ chỗ chỉ có du kích lẻ tẻ sau đó tập trung lên thành binh đoàn mạnh mà đánh một tỉnh lớn của Hạ Lào. Trận đó, từ đầu chiến dịch đến khi kết thúc là một tháng, nhưng thực ra chỉ đánh mạnh trong 15 ngày và đã đánh tan bộ máy ngụy quyền ở Atapeu”- ông Long cho biết.

Chỉ tính riêng trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, liên quân tình nguyện Việt-Lào đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.000 tên địch trên chiến trường Lào, giải phóng một vùng đất rộng lớn, chia lửa với quân và dân Việt Nam đánh thắng giặc Pháp trận cuối cùng tại Điện Biên phủ năm 1954, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva vào ngày 21/7/1954 về Đông Dương, công nhận độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất