Chủ Nhật, 22/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Tư, 13/8/2008 21:5'(GMT+7)

Gặp tác giả một ca khúc lịch sử

Nhạc sĩ Xuân Oanh

Nhạc sĩ Xuân Oanh

Khi những giọt mưa cuối hạ rơi nghiêng báo hiệu mùa thu sắp về, trên con phố nhỏ của Thủ đô Hà Nội, tôi tìm gặp tác giả của ca khúc Mười chín tháng Tám - Nhạc sĩ Xuân Oanh.

Tiếp tôi trong căn phòng nhỏ vô cùng ngăn nắp, giữa những giá sách là cây đàn piano đặt trang trọng trong không khí có phần hoài cổ. Chẳng cần rào đón, ông nói ngay:

- Đến tận hôm nay mà nhà báo vẫn muốn tìm hiểu về ca khúc Mười chín tháng Tám thì thật là vinh hạnh.

Thấy tôi ngạc nhiên, ông giải thích:

- Bây giờ phương tiện thông tin đại chúng, loại hình giải trí và tác phẩm âm nhạc xuất hiện ngày càng nhiều, càng đa dạng làm cuộc sống cứ hối hả tiến về phía trước, nhiều khi không còn thời gian nhìn lại phía sau.

Tôi đã hiểu vì sao người nhạc sĩ già lại sống một mình trong căn nhà nhỏ, nguyên là một hầm rượu cũ đã 50 năm. Có vẻ như ông đang chiêm nghiệm những thời khắc mà mình đã trải qua.

Xuất thân từ một gia đình lao động nghèo vùng mỏ, ông đã phải bắt đầu cuộc sống tự lập rất sớm. Vừa đi làm, vừa đi học, đêm lại đi hát trong các quán rượu. Năm 1944, ông về Hà Nội tham gia mặt trận Việt Minh, làm công tác tuyên truyền. Người đầu tiên dìu dắt ông theo con đường cách mạng là nhà văn Nguyễn Đình Thi. Hoài bão của tuổi trẻ hoà cùng lý tưởng của thời đại. Ngay trong ngày Tổng khởi nghĩa, ông có ca khúc Mười chín tháng Tám.

Không khí xuống đường cướp chính quyền của nhân dân Thủ đô đã thúc đẩy ông, những câu đầu tiên của bài hát bật ra một cách tự nhiên, mô phỏng thực tại:

Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày

Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai

Có thể nói, đến lúc ấy sức chịu đựng của dân tộc ta đã đến giới hạn cuối cùng, gần một trăm năm dưới ách đô hộ của Thực dân Pháp, lại thêm nạn đói cướp đi 2 triệu sinh linh như giọt nước làm tràn ly căm thù:

Mười chín tháng Tám, khi khối dân căm thù kêu thét

Đứng lên cùng hô: mau diệt tan hết quân thù chung !

Thời cơ cách mạng chín muồi, Đảng kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Khí thế sôi sục cả Bắc- Trung- Nam:

Mười chín tháng Tám, ánh sao tự do đem tới

Cờ bay nơi nơi, muôn ánh sao vàng

Máu pha tươi hồng trên lá cờ, đi khắp chốn giang sơn

Một bức tranh sống động bằng âm nhạc, vẽ lên không khí tự hào, phấn khởi được làm con dân của một quốc gia độc lập:

Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề:

Mười chín tháng Tám, chớ quên là ngày khởi nghĩa

Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam

Điệp khúc Mười chín tháng Tám được nhắc đi nhắc lại ở mỗi đầu câu thể hiện niềm sung sướng ngất ngây, không kìm chế. Mười chín tháng Tám bao hàm cả nghĩa tự do, độc lập, là người cày có ruộng, là áo cơm, hạnh phúc và hoà bình.

Bài hát ở thể một đoạn đơn, được viết bằng nét nhạc giản dị, mộc mạc chuyển tải lời lẽ tự nhiên của những người dân bình thường, mang âm hưởng của ngày vui, ngày chiến thắng. Những khát khao bị kìm nén đã lâu nay vỡ oà trong niềm hạnh phúc lớn lao. Sự thành công của ca khúc là từ cảm nghĩ của cá nhân đã giãi bày được tâm tư nguyện vọng của toàn dân tộc. Chính vì vậy bài hát đi vào lòng người nghe ngay từ những ngày đầu. Xuất hiện cách nay đã 60 năm có lẻ, nhưng mỗi dịp nghe lại, hẳn mọi người vẫn có cảm giác bồi hồi, rạo rực thậm chí còn hát theo một cách tự hào.

Nhạc sĩ Xuân Oanh nay đã ngoài 80, những người thuộc thế hệ ông không còn nhiều, ông vẫn nhớ như in những ngày tháng ấy: “Cùng nhân dân xuống đường sáng ngày 19-8, tôi vào trung tâm từ hướng chợ Hôm, vừa đi vừa hô khẩu hiệu, giữa một rừng người hừng hực khí thế. Lời bài hát cùng những nốt nhạc cứ tự dưng bật ra theo nhịp bước chân. Có lẽ chưa nhạc sĩ nào sáng tác trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy, được câu nào là tôi cùng quần chúng hát và thuộc ngay câu ấy. Có lẽ đây là một kỷ lục thời gian về việc đưa một tác phẩm âm nhạc đến với công chúng. Từ sáng sớm đến già trưa đã thành một ca khúc hoàn chỉnh. Cũng chính từ không khí cách mạng sôi sục của thời điểm lịch sử ấy, tôi đặt luôn tên bài hát là “Mười chín Tháng Tám”. Chiều về nhà, tôi mới chép lại mà bên tai vẫn văng vẳng bài hát từ ngoài phố vọng vào. Sau đó tôi đưa cho một người bạn làm ở nhà sách chợ Hôm in và phát hành. Chỉ một thời gian ngắn, ca khúc đã được Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng và phát trên sóng phát thanh của nước Việt Nam độc lập”.

Điều đặc biệt của bài hát “Mười chín Tháng Tám” là, nó được sáng tác ngay trên đường tuần hành cách mạng và được quần chúng nhiệt tình hát vang cùng cuộc mít tinh tuần hành, giành chính quyền của Thủ đô Hà Nội vào sáng hôm đó – 19/8.

Những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Xuân Oanh không nhiều, ông chỉ sáng tác khi con tim thôi thúc, tâm hồn muốn bày tỏ. Cùng với Mười chín Tháng Tám, Hồ Chí Minh- Người là muôn ánh sao,Quê hương anh bộ đội, Người Hà Nội ở Lâm Đồng,… ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007./.

Hoàng Quân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất