Thứ Ba, 1/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Hai, 29/6/2009 7:33'(GMT+7)

Ghi nhận từ Bệnh viện y học cổ truyền Kiên Giang


Coi người bệnh như người thân

Dù còn những khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực nhưng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Kiên Giang luôn là địa chỉ tin cậy của nhiều người bệnh trong tỉnh. Ðối tượng chính của bệnh viện là những người mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, khớp; người bệnh có bảo hiểm y tế, người già, trẻ em vùng khó khăn. Hằng năm, bệnh viện khám và điều trị cho hàng trăm nghìn lượt người, phần đông người bệnh còn được phục vụ cơm miễn phí hai buổi/ngày. Ðặc biệt thời gian qua, bệnh viện đã vận dụng, lồng ghép tốt những nội dung của Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" vào việc thực hiện các nhiệm vụ mang lại những hiệu quả, chuyển biến thiết thực được xã hội ghi nhận.

Bác sĩ Thái Văn Tính, Phó Bí thư Chi ủy, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Do bệnh viện được xây dựng khá lâu nên nhiều hạng mục đang xuống cấp nặng, trong đó nhiều phòng dột nát, tường thấm nước. Mặt khác, bệnh viện chỉ tiêu có 150 giường bệnh nhưng vì nhu cầu bệnh viện kê đến 170 giường, nhưng những lúc cao điểm vẫn không đáp ứng đủ, phải kê thêm giường tại các hành lang. Ðiều này một mặt ảnh hưởng công tác chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng, mặt khác ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe của người bệnh khi phải nằm điều trị dài ngày.

Khó khăn là vậy, nhưng ở đây không có những biểu hiện suy giảm tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng, công nhân viên. Ðể phát huy tốt nhất truyền thống phục vụ người bệnh, bệnh viện thường xuyên tổ chức học tập 12 điều y đức, các văn bản của ngành, đề ra quy định, quy chế nội bộ và trong thực hiện có thưởng phạt nghiêm minh. Bệnh viện thành lập một số tổ chức năng do các thành viên trong Ban giám đốc trực tiếp điều hành nhằm kiểm tra, giám sát giờ giấc, trang phục, thái độ phục vụ, quy trình nhận, chuyển người bệnh, công tác chuyên môn... Bệnh viện còn bố trí các hộp thư góp ý nhằm nắm thông tin qua lại giữa bệnh viện với người bệnh và căn cứ vào đó bình xét thi đua, đi kèm việc chi lương tăng thêm.

Chúng tôi có mặt tại Khoa Nhi-ngoại-phụ lúc hơn 10 giờ 30 phút, trong lúc BS Nguyễn Thị Xuyến, Trưởng Khoa đi kiểm tra tình hình sức khỏe người bệnh. Qua những lời thăm hỏi, trò chuyện giữa BS Xuyến với những người bệnh, chúng tôi mới thấm câu "Lương y như từ mẫu" quan trọng đến thế nào và khẳng định thêm những lời đồn đại tốt đẹp về bệnh viện quả không quá! "Bà còn đau không (!?)". "Cô thấy sức khỏe có đỡ hơn không (!?)". "Cô ráng chịu khó châm cứu một thời gian nữa!"... Ðó là những câu có cánh, kèm theo những cử chỉ ân cần giữa bác sĩ với người bệnh mà chúng tôi nghe, mắt thấy. Bà Nguyễn Thị Liễu đang được điều trị tại Khoa Nhi-ngoại-phụ nói: "Các bác sĩ ở đây tốt lắm! Chăm sóc, hỏi han, an ủi chúng tôi như người trong nhà! Trị bệnh tại đây, chúng tôi và gia đình yên tâm lắm!".

Tiết kiệm từ việc nhỏ

Một chuyển biến khác tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Kiên Giang là công tác cải cách hành chính, nâng  chất lượng các cuộc họp. Nếu như trước đây các khâu từ tiếp nhận người bệnh, lập hồ sơ bệnh án, quy trình thu viện phí, kê toa, phát thuốc rất rườm rà, tốn thời gian, công sức; nhiều công đoạn người bệnh và thân nhân phải chạy lòng vòng, chờ đợi, chen lấn thì hiện nay tất cả các quy trình đều được cải cách theo hướng nhanh, gọn, khỏe, không tốn thời gian. Hầu hết các công việc đều do nhân viên phục vụ, điều dưỡng của bệnh viện thực hiện. Người bệnh chỉ nằm tại giường cũng có thể theo dõi được tình hình sức khỏe, cách điều trị, thời gian nào làm gì, ở đâu. Bên cạnh đó, Chi ủy, Ban Giám đốc bệnh viện chỉ đạo bỏ một số cuộc họp không cần thiết để dành nhiều thời gian hơn cho công tác chuyên môn. Những cuộc họp còn lại phải được chuẩn bị chu đáo từ khâu nội dung, chương trình, văn bản đến việc tham gia ý kiến, giao trách nhiệm người phụ trách. Những cuộc họp có văn bản đều được gửi trước cho từng người đọc, nghiên cứu trước, khi họp không đọc lại văn bản.

Ðối với vấn đề thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí, BS Thái Văn Tính cho rằng: "Việc tìm cách để cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng, công nhân viên thực hiện tốt những quy chế, quy định được xây dựng chặt chẽ là biện pháp tối ưu. Muốn vậy, quy chế, quy định của cơ quan phải chặt chẽ, sát thực tiễn, phân công, phân việc, quy trách nhiệm rõ ràng và tập trung chủ yếu vào tiết kiệm: Thời gian, công sức, tiền bạc, năng lượng, vật dụng...".

Bệnh viện đã chuyển từ việc nấu (sắc) thuốc bằng than, bằng lò ga sang lò điện, vừa giảm chi phí gần 15 triệu đồng/tháng vừa tránh nguy cơ cháy nổ. Ở một số bộ phận, công việc cũng chuyển từ việc dùng nước máy sang nước giếng bơm đã qua lọc lắng, tiết kiệm mỗi tháng gần 20 triệu đồng. Bên cạnh đó thực hiện việc khoán chi tiêu văn phòng phẩm trực tiếp cho các khoa, phòng trên phần công việc được giao... Nếu như trước đây việc mua, dùng văn phòng phẩm một cách tùy tiện, thì nay từng bộ phận, từng cán bộ đã có trách nhiệm tiết kiệm tối đa. Từ nguồn tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm, bệnh viện đã đầu tư sửa sang lại cơ sở vật chất, mua thêm trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn. Ðiều mà từ giám đốc - người hưởng lương cao nhất, đến lao công - người hưởng lương thấp nhất tại bệnh viện luôn cảm thấy hài lòng là từ việc tiết kiệm của từng cá nhân, của tập thể mà mỗi người hằng tháng được chi lương tăng thêm từ vài trăm nghìn đồng, đến hàng triệu đồng./.

(Theo: Việt Tiến/Nhân dân)


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất