Thứ Ba, 1/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Bảy, 13/6/2009 17:58'(GMT+7)

Như được sống bên Bác mỗi ngày

Cụ Huỳnh Ngọc Tráng bên chân dung lãnh tụ kính yêu do cụ tự làm lấy.

Cụ Huỳnh Ngọc Tráng bên chân dung lãnh tụ kính yêu do cụ tự làm lấy.


Lòng tin yêu bền bỉ

Nhiều người bạn cựu chiến binh, bạn cùng tổ hưu, hay bà con thôn xóm đều bảo ông Huỳnh Ngọc Tráng (84 tuổi, thôn Long Xuyên 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) là người yêu mến Bác Hồ với tất cả tấm lòng tôn kính tuyệt vời. Trong những buổi sinh hoạt hay nói chuyện nào, ông cụ cũng đều tìm được một câu chuyện về Bác phù hợp nhất, thú vị nhất để làm “quà” với mọi người. Từ câu chuyện về Bác với lời dẫn dắt, bình phẩm chí lý, chí tình của cụ, sau đó ai cũng thấy ít nhiều rút ra những bài học cho bản thân mình, để rồi trăn trở và âm thầm sửa đổi… Kho tàng chuyện kể về Bác Hồ của cụ Huỳnh Ngọc Tráng rất nhiều mà chính ông cũng không nhớ nổi, bởi gần 25 năm qua, ngoài công việc, ngày nào ông cụ cũng để tâm tìm kiếm, sưu tầm tài liệu, sách, báo, chuyện kể về Bác.

Về Cuộc vận động “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cụ Huỳnh Ngọc Tráng nói: “Dân tộc ta, trong mỗi người, từ già đến trẻ, từ người dân thường cho đến cán bộ, đảng viên… ai cũng lưu giữ tình cảm tốt đẹp, kính yêu Bác. Học tập, làm theo gương đạo đức Cụ Hồ không phải là điều gì quá cao xa mà từ những việc thật nhỏ, thật gần, kiên nhẫn cả một đời người”.

Ông cụ có hai “thư viện” về Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Thư viện” mà mọi người nhìn thấy được - ở ngay trong gian phòng nhỏ - là hàng trăm cuốn sách viết về Bác được ông sưu tầm từ nhiều nơi, tiết kiệm từ tiền lương hưu mua về nghiền ngẫm. Trong đó, cụ quý nhất có lẽ là cuốn sổ tay dày hơn 400 trang ghi chép hằng ngày những lời dạy của Người mà ông đọc được đâu đó trong sách báo, hoặc những lời tốt đẹp của bạn bè chiến đấu, lãnh tụ năm châu dành cho vị Chủ tịch kính yêu. “Thư viện” thứ hai nằm ở… trong đầu của cụ Tráng, cả ở trong tim, với hàng trăm câu chuyện về Bác, hàng nghìn câu nói, lời dạy mà cụ đã thuộc nằm lòng và nghiền ngẫm đến cái lẽ sâu xa ẩn chứa. Cả hai “thư viện” này, lúc nào cụ Huỳnh Ngọc Tráng cũng sẵn lòng chia sẻ với mọi người bằng nhiều cách…

Từ cách làm kiên trì của cụ Tráng mà nhiều năm nay tổ đảng của cụ mỗi buổi sinh hoạt đều được nghe một câu chuyện về Bác, có khi do chính cụ kể, có khi thì các cụ khác kể. Để có đủ tài liệu cho cán bạn hưu đọc, ông cụ dồn lương hưu ra Thành phố Đà Nẵng tìm mua sách “Những câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về cung cấp cho mọi người. Các tổ đảng, đoàn thể ở khối Long Xuyên và các khối, đoàn thể, trường học… lân cận cũng học tập được cách làm này. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở Duy Xuyên nhờ đó mà đi sâu, thấm nhuần một cách tự nhiên, đơn giản như thế.

Dù tuổi cao nhưng ngày nào cụ Tráng cũng đọc sách báo, ghi chép tài liệu.

Ai đến nhà cụ Huỳnh Ngọc Tráng, thế nào cũng tò mò với nhiều cuốn lịch treo tường có chân dung Bác rất lạ, do chính tay cụ tỉ mỉ làm nên. Chân dung Bác được cụ Tráng cắt lại trong báo cũ, lịch cũ, tài liệu cũ, lồng trang trọng cạnh những hậu cảnh thật đẹp mắt, trang nghiêm mà vẫn giản dị, tươi sáng. Nhiều người bảo, chiêm ngưỡng chân dung Bác qua những bức lịch độc đáo này thấy Bác vô cùng gần gũi, sinh động như vừa ngồi, nói chuyện đâu đó quanh đây… Cụ Tráng nói: “Trong tập lịch tự làm của tôi, có thể thấy hình ảnh Bác lúc nào cũng thật sinh động, mới mẻ và tươi vui. Cả cuộc đời Bác không một phút ngơi nghỉ để lo cho dân cho nước, nay tôi muốn Người được nghỉ ngơi, để con cháu thấy Người thật gần, thật giản dị mà kính yêu, mà học tập gương Người”. Nhưng cái độc đáo của những cuốn lịch thủ công của cụ Tráng là ở mỗi trang đều có kèm theo những lời dạy quý báu của Bác được cụ nhờ đánh máy, in trang trọng trên giấy nhiều màu, chữ to rõ ràng, dễ đọc. Mỗi sáng thức dậy, giở cuốn lịch sẽ thấy chân dung Bác tươi cười, sẽ đọc được ngay lời Bác…

Bao nhiêu năm nay, ông cụ có được niềm vui riêng tư khó ai có thể có được. Thấy cuốn lịch đẹp, ý nghĩa, nhiều cụ hưu đến đề nghị cụ Tráng tặng lại, rồi đến các trường học, Hội cựu chiến binh huyện, Đoàn Thanh niên tỉnh, ông cụ sẵn lòng tặng và lại tỉ mỉ làm lại từ đầu. Thời gian để làm một cuốn lịch có khi làm mất của cụ hàng tháng trời, vì đi tìm, tận dụng hình ảnh, chân dung Bác không dễ.

Vững vàng người lính Cụ Hồ

Ngồi trong căn nhà xây khang trang của cụ Tráng ở khối Long Xuyên, ai cũng nghĩ vợ chồng cựu chiến binh ấy giờ đây đang an hưởng tuổi già. Ít ai ngờ rằng cuộc đời cụ Tráng từng trải qua khá nhiều thăng trầm, đến năm 70 tuổi vẫn còn lọ mọ đi xin, đi gom của đồng đội từng viên gạch, tấm ngói để lo dựng căn nhà đầu tiên của đời mình.

Một tờ lịch rất đẹp được cụ Tráng tự tay làm, bên dưới là những lời dạy của Người.

Sinh trưởng tại Hội An trong một gia đình có đến 10 người con, tuổi thơ của cụ Tráng và những người anh em của mình là chuỗi ngày dài những đói khổ, cơ cực. Dù vậy, cụ Tráng vẫn được cha ưu tiên cho đi học, nhưng cố gắng mấy cũng chỉ đến lớp 3 thì ông cụ phải nghỉ, ở nhà đi mót lúa giúp mẹ. Năm 16 tuổi, cụ Tráng theo vợ chồng anh rể vào Quảng Ngãi kiếm sống bằng nghề làm guốc mộc. Nhiệt tình tham gia các hoạt động như tham gia đội cứu tế, dạy bình dân học vụ... tại Quảng Ngãi đến tháng 10-1945, cụ Huỳnh Ngọc Tráng chính thức gia nhập quân ngũ tại Chi đội Phan Đình Phùng, thuộc Đại đội Tăng Bạt Hổ đóng chân tại Bình Định. Sau đó tham gia chiến đấu nhiều năm ở chiến trường Khánh Hòa… Năm 1954, cụ được đơn vị cử ra Bắc, học trường Sĩ quan lục quân tại Trung Quốc rồi về xây dựng đơn vị quân đội chính qui ở Gia Lâm (Hà Nội). Tại đây, đơn vị được hai lần được Bác đến thăm. Hình ảnh của Người từ đó in mãi trong tim người chiến sĩ Huỳnh Ngọc Tráng.

Năm 1960, cụ Huỳnh Ngọc Tráng vào Nam, biên chế về Đại đội 34 làm nhiệm vụ bảo vệ Quân khu V, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Đà, từng làm Phó hiệu trưởng trường Hậu cần quân khu, tổ chức thành lập trường Văn hóa khu An Sơn (tỉnh Bình Định)… Năm 1983, cụ Tráng ra quân về tham gia công tác ở HTX cơ khí Nam Phước.

Cuộc trở về của người lính Cụ Hồ Huỳnh Ngọc Tráng vô cùng khó khăn: không thể quay về Hội An quê cũ, cụ Tráng dắt díu vợ con đi khắp nơi tìm đất dựng nhà, và cụ chọn đất Long Xuyên. Từng có tài sản lớn trong tay tích cóp được từ tiền lương những năm ở quân đội, nhưng cụ Tráng trắng tay vì quá tin vào một người cộng sự. Cuộc sống khốn khó đến nỗi một thời gian dài cụ phải gởi vợ - thương binh 2/4 và hai con gái về bên ngoại (Đại Lộc) để làm ruộng, đi buôn để kiếm sống. Bức bách vì sinh kế đến nỗi cụ Tráng phải chạy vạy ra quân khu, xin đơn vị từng tấm tôn, khung sắt để làm nhà ở tạm. Hàng chục năm trời, vợ chồng cụ và hai cô con gái đã lao động cật lực trên mảnh vườn nhà, làm thuê làm mướn đủ nghề để đến năm 2003 mới cất nổi ngôi nhà khang trang như bây giờ… Giờ đây, ở tuổi 84, cùng với người vợ và cô con gái đầu bị câm bẩm sinh, họ vẫn còn làm việc cật lực, chưa từng có một ngày thanh thản. “Không dễ mà vợ chồng tôi đầu hàng, bao nhiêu năm gian khổ, đến giờ đã đỡ cơ cực nhiều rồi, không việc gì phải bi quan. Đời tôi có Bác soi đường, sống với Bác ngày nào, tôi thấy tinh thần tươi vui, sảng khoái ngày đó…” - cụ tâm sự.

Con người đặc biệt ấy lại đang sở hữu niềm hạnh phúc lớn lao: đã mấy chục năm nay, ngày nào cũng như được sống bên Bác…/.

(Theo: Báo Quảng Nam)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất