Thứ Bảy, 21/12/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Chủ Nhật, 24/12/2023 8:0'(GMT+7)

Gia Lai: Nâng cao nhận thức, vai trò công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Lực lượng chức năng huyện Phú Thiện hỗ trợ dựng lại nhà cho người dân xã Ia Yeng. (Ảnh: Thiên Di)

Lực lượng chức năng huyện Phú Thiện hỗ trợ dựng lại nhà cho người dân xã Ia Yeng. (Ảnh: Thiên Di)

Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức triển khai thực hiện nghiêm việc quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nội dung Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Chương trình số 107-CTr/TU, ngày 9 tháng 7 năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW; Kế hoạch số 1722/KH-UBND, ngày 20 tháng 8 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, khắc phục tình trạng chủ quan, lơ là, tạo sự thống nhất trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và toàn xã hội cả về nhận thức và hành động trước tình hình, tác động tiêu cực ngày càng phức tạp của thiên tai. Phát huy cao tinh thần, trách nhiệm, chủ động, linh hoạt sáng tạo trong việc xây dựng phương án, kế hoạch.

Tập trung tuyên truyền cho người dân các kỹ năng ứng phó trước các tình huống của thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, chủ động phối hợp với chính quyền về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Thông tin việc triển khai các giải pháp thực hiện phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ở các địa phương, như: Đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập, khắc phục sạt lở bờ sông, khu vực trọng yếu, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét… Việc huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Ứng dụng khoa học, công nghệ trong quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng chuẩn hóa, hiện đại. Kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, cơ quan chuyên môn nước ngoài trong việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Các biện pháp phòng tránh, ứng phó với bão số 6, bão số 9, bão số 12.

Các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo đài truyền thanh xã tuyên truyên, phổ biến công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đến từng cộng đồng dân cư để chủ động trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn. Đặc biệt, tăng cường thông báo về diễn biến thiên tai bằng tiếng Bahnar, Jrai cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được biết (những nơi không có hệ thống phát thanh, truyền thanh, truyền hình thì sử dụng các phương tiện, dụng cụ, hiệu lệnh truyền thống theo quy ước của địa phương để thông báo tới các hộ gia đình thuộc diện bị ảnh hưởng bởi thiên tai).

Công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai triển khai đồng bộ

Sau 3 năm thực hiện Chương trình hành động số 107-CTr/TU, ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Gia Lai đã đạt được những kết quả nhất định.

Công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của tỉnh đã được triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các mặt; Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp được kiện toàn và đi vào hoạt động; năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai được nâng cao; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; phát huy tốt vai trò tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; qua đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Thể hiện rõ nét qua các mặt sau:

Một là, việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh; đồng thời, ban hành các quyết định, kế hoạch và phương án trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Hai là, nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước, hằng năm, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp tiến hành rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy theo hướng đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong tình hình mới trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy, phân công cụ thể trách nhiệm của từng thành viên để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo địa bàn được phân công phụ trách. Các sở, ban, ngành và ủy ban nhân dân các cấp đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất bảo đảm nguồn lực và các điều kiện hoạt động cho cơ quan và lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cùng cấp, đặc biệt là lực lượng xung kích ở cơ sở.

Ba là, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai, đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây nguyên được quan tâm đầu tư về trang thiết bị, triển khai xây dựng mạng lưới trạm khí tượng, thủy văn. Áp dụng công nghệ mới nhằm nâng cao khả năng cảnh báo, dự báo sớm các thiên tai, hiện tượng khí tượng thủy văn, đặc biệt là các thiên tai xuất hiện nhanh, quy mô vừa và nhỏ, ứng dụng hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á (SEAFFGS).

Bốn là, ứng dụng khoa học và công nghệ, tỉnh đã triển khai 08 nhiệm vụ liên quan đến công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu với tổng kinh phí thực hiện là 14.173 triệu đồng. Các nhiệm vụ được triển khai chủ yếu nhằm nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm ứng phó với thiên tai, một số nhiệm vụ được triển khai nhằm cảnh báo, đánh giá, đưa ra các đề xuất giải pháp nhằm giảm thiểu tác động xấu của thiên tai đến kinh tế - xã hội của địa phương.

Năm là, lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch thủy lợi; Quy hoạch xây dựng; Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch, các khu vực khai thác khoáng sản; Quy hoạch kinh tế - xã hội cấp huyện… Ngoài ra, tất cả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đều tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định hướng dẫn; trong quá trình xem xét đầu tư, thẩm định các dự án kiên quyết không bố trí ở các vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai. Phương án phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu và thủy lợi tỉnh Gia Lai, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng được lồng ghép trong Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được bổ sung, hoàn thiện trình để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sáu là, huy động nguồn lực và sử dụng cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã đã bố trí hơn 3.377 tỷ đồng cho 33 dự án, công trình phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã bố trí 2.139 tỷ đồng cho 13 dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương và địa phương để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Ngoài ra, tỉnh đã đề xuất Trung ương hỗ trợ 24 dự án kè chống sạt lở tại các khu vực đặc biệt nguy hiểm cần xử lý cấp bách giai đoạn 2021 - 2030 với tổng kinh phí khoảng 3.144 tỷ đồng. Tổng nguồn lực phục vụ công tác khắc phục hậu quả thiên tai từ năm 2016 đến nay là hơn 328 tỷ đồng và 3.623,79 tấn gạo cứu đói cho người dân.

Bảy là, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục cập nhật kiến thức, kỹ năng, nâng cao nhận thức, năng lực, tính chủ động cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng kế hoạch, phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong tổ chức mình; tổ chức huy động và phân bổ nguồn lực hỗ trợ, cứu trợ kịp thời; đồng thời, giới thiệu, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, gương điển hình trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai./.

Trọng Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất