(TG) - Trong các đợt thiên tai lớn năm 2023, các địa phương đã chủ động triển khai ứng phó từ sớm, từ xa, góp phần giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, một số nơi người dân vẫn còn chủ quan, xem nhẹ ảnh hưởng, mức độ nguy hiểm của thiên tai nên đã xảy ra những thiệt hại đáng tiếc về người và của.
Trả lời phỏng vấn trong chương trình 'Dấu ấn phòng chống thiên tai' năm 2023 diễn ra vào chiều tối ngày 22/12, đồng chí Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết, thiên tai 2023 diễn biến rất phức tạp và nhiều hiện tượng cực đoan ước tính thiệt hại khoảng trên 8.200 tỷ đồng.
Trong năm 2023, nước ta đã xảy ra trên 1.100 trận thiên tai với 21/22 loại hình thiên tai. Trong đó, một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng tập trung vào các loại hình thiên tai như mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất như: Mưa lớn gây sạt lở đất tại nhiều điểm khu vực Tây Nguyên, trong đó sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc làm 3 chiến sỹ và 1 người dân bị vùi lấp; sạt lở tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng làm 2 người chết, 5 người bị thương; ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực Bắc Bộ, trong đó lũ quét tại Sa Pa và Bát Sát, tỉnh Lào Cai làm 9 người chết, mất tích; 3 đợt mưa lớn tại khu vực miền Trung từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 làm 14 người chết, mất tích…
Tổng cộng, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 166 người chết và mất tích, (bằng 95% so năm 2022). Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng (bằng 42% so với năm 2022).
|
Trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho biết, trong các đợt thiên tai lớn năm 2023, các địa phương đã chủ động triển khai ứng phó từ sớm, từ xa, góp phần giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, một số nơi người dân vẫn còn chủ quan, xem nhẹ ảnh hưởng, mức độ nguy hiểm của thiên tai nên đã xảy ra những thiệt hại đáng tiếc về người khi đi qua các ngầm tràn, các con suối ngập sâu, nước chảy xiết và bị cuốn trôi, trẻ em bị đuối nước, bị lật ghe...
Đồng chí Nguyễn Văn Hải đánh giá việc hành động sớm để ứng phó thiên tai là khẩu hiệu xuyên suốt trong năm qua và đã phát huy nhiều hiệu quả. Theo ông Hải, cần hành động sớm để ứng phó thiên tai. Điều này thể hiện ở việc chuẩn bị sẵn sàng với các hoạt động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện và tổ chức diễn tập theo phương án đã phê duyệt; ban hành sớm các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai và thông tin đến các cấp chính quyền cơ sở và người dân để chủ động ứng phó.
“Việc hành động sớm đã giúp chúng ta chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa trong phòng, chống thiên tai để giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt đảm bảo an toàn về người”, đồng chí Nguyễn Văn Hải nhận định.
Đồng chí Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho rằng, thiên tai đang gia tăng về tần suất và cường độ. Do đó công tác dự báo đóng vai trò rất quan trọng trong việc ứng phó và phòng chống thiên tai.
Theo đồng chí Hoàng Phúc Lâm đánh giá, công tác dự báo thiên tai trong năm 2023 thực sự có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống tiên tai rất hiệu quả.
Thời gian gần đây, Ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam đã nỗ lực thay đổi công tác dự báo, phát triển theo hướng hiện đại hóa, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại. Qua đó giúp nâng cao được khả năng chất lượng dự báo, qua đó nâng cao năng lực cảnh báo các hệ quả liên quan gồm ngập lụt, lũ, lũ quét và sạt lở đất. Bản tin dự báo khí tượng thủy văn đa dạng hơn, thông tin dự báo chi tiết hơn, đã đưa cấp độ rủi ro thiên tai vào bản tin. Điều đó nâng cao hiệu quả phục vụ và từng bước tiến tới dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro. Riêng đối với công tác dự báo, cảnh báo thì sự thay đổi đáng kể nhất là dự báo sớm hơn, dài hạn hơn, chi tiết hơn và tin cậy hơn.
Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Lâm khẳng định, cần thiết phải nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; đầu tư và phát triển hệ thống cảnh báo sớm hơn để cung cấp thông tin chính xác và kịp thời về thiên tai; tổ chức tập huấn cho người dân hiểu rõ về thông tin khí tượng thủy văn cần truyền tải trong các bản tin; xây dựng hạ tầng chống chịu; thiết kế và xây dựng hạ tầng đô thị và nông thôn chống chịu với điều kiện thiên tai cực đoan...
Thời gian qua, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã rất quyết liệt trong việc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, đánh giá tình hình thiên tai, các tác động đến mọi mặt của dân sinh, kinh tế xã hội, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó và cứu hộ cứu nạn... một cách bài bản, toàn diện. Xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai vừa là mục tiêu, vừa là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để góp phần phát triển kinh tế bền vững của đất nước, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Tuấn Anh