Thứ Ba, 24/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Sáu, 12/4/2013 21:53'(GMT+7)

Gia Lai: Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới

Tuyên truyền miệng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: AH

Tuyên truyền miệng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: AH

Tỉnh ủy Gia Lai vừa tổ chức sơ kết 5 năm (2007-2012) thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW ngày 15 tháng 10 năm 2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”. Trong 5 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị trong toàn Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, thành lập đội ngũ báo cáo viên Tỉnh ủy, báo cáo viên các huyện, thị, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc; ban hành quy chế hoạt động, quy chế cung cấp thông tin, tăng cường công tác quản lý, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và cấp thẻ cho đội ngũ báo cáo viên nên hoạt động của đội ngũ báo cáo viên trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định.

Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của tỉnh không ngừng được kiện toàn, củng cố, đảm bảo về số lượng và chất lượng; phẩm chất đạo đức, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có khả năng truyền đạt, có uy tín trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 05 đồng chí là báo cáo viên Trung ương; 43 đồng chí báo cáo viên Tỉnh uỷ. Các đảng bộ trực thuộc đã thành lập đội ngũ báo cáo viên với 514 đồng chí, trong đó 57,3% có trình độ chuyên môn trung cấp, 32,8% có trình độ đại học trở lên; đa số đều có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; ban tuyên giáo các cấp thường xuyên quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp thông tin, phân công nhiệm vụ cho báo cáo viên.

Các cấp ủy cơ sở đã quan tâm xây dựng đội ngũ báo cáo viên là các đồng chí có kinh nghiệm thực tiễn, am hiểu phong tục tập quán địa phương trực tiếp phụ trách công tác tuyên giáo xã, phường, thị trấn. Thành lập và phát triển 466 báo cáo viên cơ sở, trên 2.000 tuyên truyền viên, trong đó có đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế, già làng, người có uy tín trong cộng đồng trực tiếp làm công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đội ngũ báo cáo viên của các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, còn phát huy lực lượng tuyên truyền của các tổ, đội công tác tăng cường cơ sở; hoạt động của các đội thông tin lưu động, thanh niên tình nguyện, các hoạt động kết nghĩa… đã góp phần làm phong phú nội dung, phương thức và đạt được những kết quả tích cực của các lực lượng làm công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh.   

Các đảng bộ trực thuộc xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai và gắn kết quả thực hiện vào đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng. Chú trọng nâng cao chất lượng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên các cấp; không ngừng đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác. Đối với các xã, phường, thị trấn đều bố trí cán bộ phụ trách công tác tuyên giáo trực tiếp làm báo cáo viên. Trên cơ sở đó đã góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, của tỉnh.

Trong quá trình hoạt động, đội ngũ báo cáo viên các cấp đã tổ chức tuyên truyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao với trên 4.000 buổi nói chuyện thời sự, báo cáo chuyên đề, báo cáo nghị quyết cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nội dung, hình thức tuyên truyền đã bám sát thực tiễn, chuyển tải kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; kịp thời thông tin định hướng dư luận xã hội trước các vấn đề, sự kiện nổi bật, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; cổ vũ và nhân rộng các phong trào thi đua, biểu dương gương người tốt, việt tốt, các mô hình tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân...

Công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; cung cấp thông tin và tổ chức hội nghị báo cáo viên cũng được quan tâm. Trong 5 năm qua đã tổ chức 30 hội nghị báo cáo viên toàn tỉnh cho trên 4.500 lượt báo cáo viên các cấp; tổ chức nhiều hội nghị thông tin chuyên đề về Biển Đông, về tình hình kinh tế Việt Nam, các lĩnh vực về văn hóa, y tế, giáo dục, tình hình an ninh chính trị và các chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… do các chuyên gia đầu ngành của Trung ương về báo cáo cho hơn 9.000 lượt cán bộ chủ chốt toàn tỉnh. Các huyện, thị, thành uỷ và đảng ủy trực thuộc tổ chức thường xuyên và định kỳ hội nghị báo cáo viên hàng quý. Một số đơn vị tổ chức 2 tháng/lần, có đơn vị duy trì 01 tháng/lần như Thị ủy Ayun Pa, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Trong 5 năm 2007 - 2012 đã tổ chức trên 720 hội nghị báo cáo viên cấp huyện và tương đương; một số huyện đã duy trì tốt hoạt động của đội ngũ báo cáo viên ở cơ sở.

Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo (trong đó có các chuyên đề về nghiệp vụ báo cáo viên, tuyên truyền miệng; tổ chức nắm bắt dư luận xã hội) cho trên 90% cán bộ tuyên giáo cấp huyện và cơ sở. Phối hợp với các huyện, thị, thành ủy mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên truyền miệng cho đội ngũ báo cáo viên cấp huyện, thị, thành phố.

Các huyện, thị, thành uỷ, đảng ủy trực thuộc đã lồng ghép mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho trên 2.000 báo cáo viên, tuyên truyền viên, chủ yếu là ở cơ sở. Một số đơn vị như: Đảng ủy Công an tỉnh, Thành ủy Pleiku, Huyện ủy Đak Đoa, Huyện ủy Kbang… đã tổ chức riêng các lớp bồi dưỡng chuyên đề về nghiệp vụ công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng và công tác nắm bắt dư luận xã hội… Các ngành, mặt trận và đoàn thể tỉnh tổ chức nhiều hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên, bí thư chi bộ, chính trị viên, hòa giải viên giỏi, dân vận khéo... tạo diễn đàn cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn trong công tác tuyên truyền miệng.

Việc cung cấp thông tin cho đội ngũ báo cáo viên các cấp được triển khai chặt chẽ, thường xuyên và kịp thời; các thông tin được biên tập, cập nhật tình hình của đất nước, địa phương phù hợp với đối tượng tuyên truyền. Tài liệu phục vụ báo cáo viên được chuyển tải thông qua hội nghị báo cáo viên toàn tỉnh 2 tháng/lần, qua mạng nội bộ tailieutggl.vn, cung cấp hàng nghìn đĩa phim, file ghi âm bài giảng, nói chuyện thời sự, thông tin chuyên đề, slide bài giảng bằng phương pháp trình chiếu PowerPoint; cung cấp và cập nhật thông tin tình hình thế giới, trong nước, trong tỉnh và những sự kiện nổi bật qua trang tin điện tử thongtintuyengiaogialai.vn, hàng năm xuất bản 54.000 bản tin sinh hoạt chi bộ và đặc san tư tưởng - văn hóa Gia Lai; 4.500 chuyên san an toàn giao thông; cung cấp tài liệu học tập nghị quyết, sổ tay báo cáo viên, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Tuyên giáo, Tạp chí Xây dựng đảng, Tạp chí Báo cáo viên… cho lực lượng làm công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng. Ban Tuyên giáo Thành ủy Pleiku, Huyện ủy Đak Đoa, Krông Pa, Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh… đã chủ động biên soạn tài liệu thông tin nội bộ, tài liệu tuyên truyền phát động quần chúng… phục vụ cho báo cáo viên và các tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn, các đội công tác tăng cường cơ sở đã góp phần chuyển tải được các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; cung cấp có hệ thống, có chiều sâu các thông tin thời sự, thông tin chuyên đề về những vấn đề nổi bật của tình hình thế giới, khu vực, trong nước và trên địa bàn tỉnh, huyện, góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nội dung thông tin ngày càng đa dạng và phong phú; kịp thời cung cấp nhiều thông tin có chất lượng, mang tính hệ thống, tính định hướng cho đội ngũ báo cáo viên về những vấn đề thời sự quan trọng trong tỉnh, trong nước và thế giới, nhất là các thông tin chuyên đề về xây dựng Đảng, về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tình hình Biển Đông; quan hệ Việt Nam với các nước; công tác đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội… Nhiều báo cáo viên có kinh nghiệm, nghiên cứu sâu và có liên hệ với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị, kết hợp với đổi mới phương pháp tuyên truyền đã góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền trong tình hình mới. Tại các kỳ hội nghị báo cáo viên ở tỉnh và một số huyện đã gắn với giao ban công tác tư tưởng để nắm bắt thông tin hai chiều.

Công tác tuyên truyền miệng trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp, từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phù hợp với tình hình thực tiễn, nhu cầu của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được công tác tuyên truyền miệng của Đảng bộ tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là ở cơ sở. Một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm đến công tác này, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho báo cáo viên, tuyên truyền viên hoạt động, có nơi còn khoán trắng cho Ban Tuyên giáo. Chất lượng báo cáo viên chưa đồng đều, đội ngũ tuy đông nhưng chưa mạnh; một số báo cáo viên, tuyên truyền viên còn thiếu kinh nghiệm, còn thiếu sắc bén. Phương thức hoạt động chưa có sự đổi mới rõ nét, tính chiến đấu còn hạn chế, phương pháp chưa linh hoạt. Chế độ, chính sách điều kiện cơ sở vật chất cho hoạt động báo cáo viên còn nghèo nàn, nhất là ở cấp cơ sở.

Bên cạnh phát huy những kết quả đạt được, khắc phục được những hạn chế, bất cập nêu trên thì công tác tuyên truyền miệng của tỉnh cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả về nội dung và phương pháp, thể hiện vai trò đi trước, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần đưa thông tin định hướng của Đảng đến với các tầng lớp nhân dân, giữ vững niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng, vào sự lãnh đạo của Đảng, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới./.

Ánh Hồng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất