Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Bảy, 7/11/2015 20:2'(GMT+7)

Giá trị lịch sử của cách mạng Tháng Mười Nga và việc đấu tranh giành và giữ vững nền độc lập dân tộc ở Việt Nam

Ảnh TL, chỉ có tính minh họa

Ảnh TL, chỉ có tính minh họa

                                        

Với ý nghĩa đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người”([2]).

Nhà lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười Nga V.I. Lênin từng nhận định: Cách mạng Tháng Mười đã mở đầu “một sự nghiệp mới mẻ”, “sự nghiệp sáng tạo ra một chế độ nhà nước xưa nay chưa từng có”. Cách mạng Tháng Mười Nga đã biến nước Nga Sa Hoàng lạc hậu thành một siêu cường đứng đầu hệ thống xã hội chủ nghĩa, một thời kỳ dài trong lịch sử là chỗ dựa cho hàng trăm dân tộc bị áp bức, đứng lên chống ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc, bảo vệ hòa bình thế giới. Có thể nói, nếu không có Cách mạng Tháng Mười, nhân loại không thể sống trong kỷ nguyên độc lập, tự do. Ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản hiện đại, những quyền dân sinh, dân chủ, quyền con người... mà nhân dân lao động có được là nhờ ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước - kỷ nguyên độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã đánh thắng các đế quốc sừng sỏ trong thế kỷ XX, nêu gương sáng cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, với sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo, có phương pháp và chiến lược, chiến thuật cách mạng thích hợp, linh hoạt. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhìn rõ hơn tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo Cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dẫn tới việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với dân tộc ta và quốc tế sâu sắc, Cách mạng Tháng Tám là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất-một điểm sáng của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại những bài học vô giá, những giá trị lịch sử trường tồn và nguồn động lực tinh thần lớn lao trong đấu tranh giành và giữ vững chính quyền cách mạng. Đó là:

1. Giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam nay là Đảng Cộng sản Việt Nam trong tiến trình cách mạng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng ta mới 15 tuổi. Giai đoạn 1930-1945, trong hoàn cảnh lịch sử ngặt nghèo, bị kẻ thù tìm trăm phương ngàn kế tiêu diệt, Đảng phải vừa củng cố, xây dựng và trưởng thành qua thực tiễn lãnh đạo cách mạng. Đường lối cách mạng được xây dựng, kiện toàn dần dần, đặc biệt có những điều chỉnh rất đúng đắn trong chủ trương chuyển hướng chiến lược kể từ sau Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11-1939). Đội ngũ đảng viên phát triển có chất lượng, giàu bản lĩnh chính trị, nhiệt tình cách mạng, trung kiên, đạo đức, lăn lộn với thực tiễn, nên dù không đồng lòng nhưng vẫn quy tụ được nhân dân trong mục tiêu giành chính quyền về tay nhân dân. Đội ngũ cán bộ chủ chốt, đặc biệt là Ban lãnh đạo tối cao của Đảng luôn được kiện toàn trước những tổn thất, đào thải của tiến trình cách mạng. Một đặc điểm rất nổi bật trong tổ chức cán bộ của Đảng thời kỳ này là có không ít trường hợp người cán bộ cách mạng vì đại cuộc mà chủ động, tự nguyện để vị trí công tác cho người xứng đáng hơn, phù hợp hơn thay thế. Và đặc biệt, tuy có sự đấu tranh để hoàn thiện đường lối chiến lược cách mạng, nhưng không vì thế mà xảy ra hiện tượng mất đoàn kết.

2. Nắm bắt thời cơ kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đúng đắn. Trên cơ sở đường lối đúng đắn, luôn theo dõi, bám sát những biến đổi của tình hình thế giới, trong nước, chủ động, kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, chuẩn bị đón thời cơ, lãnh đạo và chỉ đạo quần chúng nhân dân tận dụng thời cơ thuận lợi của tình hình trong nước và quốc tế để giành thắng lợi là bài học độc đáo nhất về sự lãnh đạo của Đảng ta trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong các tình huống của mỗi giai đoạn của cách mạng, Đảng không những phải phát huy những kinh nghiệm và bài học quý báu đó, mà còn phải phải luôn xây dựng và chỉnh đốn Đảng để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đổi mới và sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, để xứng đáng với vai trò tiền phong - lãnh đạo - quyết định - không thể thay thế của Đảng trong sự phát triển đi lên của dân tộc.

3. Đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh vĩ đại của quần chúng nhân dân để thực hiện cuộc cách mạng giải phóng và phát triển. Sức mạnh Cách mạng Tháng Tám là sức mạnh của toàn dân Việt Nam có tổ chức, có lãnh đạo bởi Đảng Cộng sản, trong mọi nhận thức và hành động luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân”, lấy dân làm gốc, đem sức dân, lực dân, tài dân vì mục tiêu cao nhất là giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn dân. Đó là sự kết tinh các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, biến thành sức mạnh vật chất khổng lồ của hàng triệu quần chúng nhân dân. Trong mọi hoàn cảnh, kiên định mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc, trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, nắm vững thời và thế, phát huy sức mạnh tổng lực của dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại đã được Đảng vận dụng linh hoạt để đưa đất nước tiến lên, đổi mới và hội nhập quốc tế.

Ngày nay, trong điều kiện quốc tế mới, các thế lực thù địch hiếu chiến liên tục tiến công, bao vây các nước xã hội chủ nghĩa từ nhiều phía. Chiến tranh thông tin bùng nổ, địch lợi dụng các phương tiện thông tin, lợi dụng “dân chủ, nhân quyền” tự do tôn giáo,… để chống phá cách mạng Việt Nam. Điều đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta phải nhận thức rõ mọi thách thức để có chiến l­ược, sách lược đúng đắn. Trong xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ, việc thực hiện chính sách đa dạng hoá, đa phương hoá các quan hệ quốc tế phải bảo đảm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, cùng có lợi, bảo đảm an ninh quốc gia, từng bước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có được những thắng lợi hết sức lớn lao trong tiến trình cách mạng của nước ta, trước hết là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng luôn luôn lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng của dân tộc. Đảng đã sáng suốt lựa chọn con đường phát triển của cách mạng Việt Nam trong quỹ đạo của cách mạng vô sản, trong lôgic tiến tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản - xu thế tất yếu cho thời đại mới đã được mở ra từ Cách mạng Tháng Mười.

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thách thức mới. Đảng phải không ngừng đổi mới phương pháp lãnh đạo, bồi dưỡng lực lượng, rèn luyện bản lĩnh, kiên định giữ vững vai trò lãnh đạo, năng động, sáng tạo, phân tích thấu đáo thực tiễn để kịp thời đề ra đường lối đúng đắn, đưa cách mạng tiếp tục tiến bước trên con đường phát triển mới. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, có những giai đoạn lịch sử, khi có sai lầm, khuyết điểm, Đảng ta thẳng thắn thừa nhận và kiên quyết sửa chữa, vì lợi ích của nhân dân. Chính điều đó giúp cho Đảng nhanh chóng lấy lại niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân.

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những bài học đổi mới do các Đại hội của Đảng nêu lên đến nay vẫn còn có nguyên giá trị, trong đó có bài học “đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo... Đổi mới là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Để công cuộc đổi mới thành công phải động viên được mọi tầng lớp nhân dân và các thành phần kinh tế tham gia”.

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám 1945 và Quốc khánh 2-9 vừa qua, trong bối cảnh cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI; Nghị quyết 28 NQ/TW về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, thời kỳ Công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; chúng ta càng hiểu rõ giá trị lịch sử, thực tiễn sâu sắc mà Cách mạng tháng Mười Nga đã mang lại; nhận thức đầy đủ trách nhiệm của các thế hệ hôm nay và mai sau trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá, những tư tưởng mang tầm thời đại của Cách mạng tháng Mười Nga và Cách mạng Tháng Tám 1945 vào công cuộc đổi mới đất nước, phấn đấu xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh về kinh tế, văn hóa-xã hội; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng-an ninh, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới./.

Đại tá, TS Phạm Anh Tuấn

Cục Nhà trường BTTM-Cơ quan Bộ Quốc phòng





[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội. 2002, tr. 300.  

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội. 2002, tr. 303, 305.  

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất