Ra đời trong những ngày đầu của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nhân dân hết lòng đùm bọc, giúp đỡ, lực lượng Công an nhân dân luôn thể hiện sự trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng; đoàn kết, tận tụy trong công tác; dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đánh thắng mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm; góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Thực tiễn sôi động 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân đã khẳng định truyền thống tốt đẹp, bản chất cách mạng, sức chiến đấu kiên cường của lực lượng Công an nhân dân - một lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thấm nhuần tư tưởng của Lenin "Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự bảo vệ" [1] , trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang gồm quân đội, công an để bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng. Ngay sau khi thành lập, Đảng ta đã lập ra các đội Tự vệ đỏ, Tự vệ công nông...
Hoạt động của các tổ chức này đã góp phần quan trọng thúc đẩy các cao trào cách mạng, tiến tới tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Đây cũng là những tổ chức tạo tiền đề cho sự ra đời của Công an nhân dân Việt Nam trong những ngày Cách mạng Tháng Tám. Ngày 19-8-1945 đã trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân.
Trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền nhân dân non trẻ đã phải đối phó với muôn vàn khó khăn, thách thức, thù trong giặc ngoài, tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, sắc lệnh nhằm kiện toàn tổ chức, nâng cao khả năng chiến đấu của Công an.
Ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 23/SL hợp nhất các lực lượng Công an trong toàn quốc thành Việt Nam Công an vụ. Đảng đã cử những cán bộ trung kiên, tin cậy sang lãnh đạo lực lượng Công an. Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Nha Công an tiếp tục được kiện toàn thành Thứ Bộ Công an rồi sau đó là Bộ Công an.
Ngày 05/5/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 10-CT/TW về Đảng lãnh đạo Công an, nêu rõ: "Chấn chỉnh cách lãnh đạo Công an, mỗi cấp ủy phải phân công cho một ủy viên phụ trách lãnh đạo Công an. Chọn các đồng chí có năng lực vào Công an để nắm vững đường lối, chính sách của Đảng…". Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 23-11-1952 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh: "Từ nay, ở các cấp bộ đảng, trực tiếp làm công tác Công an phải là một cấp ủy viên... phải hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác Công an và giáo dục, bồi dưỡng cán bộ Công an".
Ngày 30/10/1956, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 13-NQ/TW thành lập Đảng đoàn Bộ Công an. Đây là một dấu mốc quan trọng thể hiện sự quan tâm toàn diện và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Công an.
Lực lượng Công an nhân dân đã tiến hành đấu tranh trấn áp kịp thời bọn phản cách mạng; phòng ngừa, đối phó với hoạt động do thám, gián điệp của thực dân Pháp, lập nhiều chiến công, góp phần quan trọng đập tan âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực phản động, thực dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân, đóng góp tích cực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong giai đoạn cả nước tiến hành hai chiến lược cách mạng là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam , tổ chức bộ máy của Công an tiếp tục được kiện toàn nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Công an cũng từng bước được bổ sung, hoàn thiện.
Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về tăng cường lãnh đạo công tác Công an, xác định rõ: "Lực lượng Công an là một trong những công cụ chuyên chính dân chủ nhân dân quan trọng, là một vũ khí sắc bén của Đảng và của Nhà nước... Toàn Đảng cần phải nắm chắc lực lượng Công an và coi việc tăng cường lực lượng Công an là một nhiệm vụ chính trị quan trọng... Lực lượng Công an các cấp phải đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của cấp ủy đảng ở các cấp" [2] .
Ở miền Bắc, Đảng đã lãnh đạo Công an nhân dân tổ chức tốt công tác nắm và dự báo tình hình, xác định đúng đối tượng, đề ra phương châm và tổ chức tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại gián điệp, phản cách mạng; đã chỉ đạo và tổ chức tốt phong trào quần chúng bảo vệ trật tự, trị an xã hội và "bảo mật phòng gian" trong các cơ quan, xí nghiệp, tạo nên phong trào quần chúng sâu rộng, khơi dậy tinh thần yêu nước và cảnh giác cách mạng của các tầng lớp nhân dân.
Ở miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục, lực lượng an ninh đã bám sát địa bàn, bám sát cơ sở, bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ nhân dân. Các lực lượng điệp báo, an ninh, trinh sát vũ trang, biệt động nội thành được hình thành và lập nhiều chiến công xuất sắc.
Xứ ủy Nam bộ và sau là Trung ương Cục đã thành lập Ban Bảo vệ an ninh, Ban An ninh Trung ương Cục và các ban an ninh cấp khu với nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ các cuộc đấu tranh của nhân dân. Nhiều đồng chí là cấp ủy viên đã được phân công sang chỉ đạo công tác an ninh nhằm bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Đảng.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam , thống nhất đất nước, trong tình hình mới, Đảng đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng chỉ đạo Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.
Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 45-QĐ/TW, ngày 14-11-1979 quy định về tổ chức đảng ở Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Đảng bộ Bộ Nội vụ được thành lập và trở thành đầu mối trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tổ chức đảng ở Công an địa phương trực thuộc cấp ủy đảng cùng cấp. Với quyết định này, sự lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân đã được cụ thể hóa và tăng cường một bước quan trọng.
Ngày 30/1/1987, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TW về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, trong đó tiếp tục khẳng định nguyên tắc: "Đảng lãnh đạo toàn diện, trực tiếp công tác bảo vệ an ninh quốc gia; xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh."
Việc thực hiện các nghị quyết, quyết định đó đã tăng cường toàn diện sự lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân. Lực lượng Công an trong toàn quốc đã tập trung đấu tranh làm thất bại hoạt động chống phá; trấn áp, bóc gỡ nhiều tổ chức phản động; tấn công, truy quét tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn do chính sách bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch.
Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, tình hình thế giới có nhiều biến động sâu sắc, ảnh hưởng trực tiếp đến cách mạng Việt Nam, đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Hệ thống xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.
Trong lúc đất nước gặp nhiều khó khăn, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đẩy mạnh các hoạt động phá hoại tư tưởng, đòi "phi chính trị hóa" lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng Công an nhân dân; kích động "đa nguyên", "đa đảng", âm mưu bạo loạn, lật đổ hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Đảng đã lãnh đạo Quân đội nhân dân và Công an nhân dân chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 110-QĐ/TW, ngày 30-8-1990 thành lập Đảng ủy Công an Trung ương, nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Công an nhân dân càng được xác định đầy đủ và toàn diện.
Từ năm 1990 đến nay, Đảng đều phân công các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham gia Đảng ủy Công an Trung ương. Đối với Công an địa phương, các tỉnh ủy, thành ủy, quận ủy, huyện ủy, thị ủy đều chỉ định (hoặc phân công) đồng chí phó bí thư thường trực, chủ tịch ủy ban nhân dân tham gia hoặc phụ trách đảng ủy công an cùng cấp.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn. Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự đã nêu rõ phương hướng, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, xác định mục tiêu, nhiệm vụ; chỉ rõ đối tượng đấu tranh; nguyên tắc, phương châm xử lý trên lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Đây là những quan điểm, chủ trương quan trọng để Công an nhân dân quán triệt, tổ chức thực hiện.
Sự nghiệp đổi mới mà Đảng và nhân dân ta tiến hành đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Với thành tựu quan trọng đó, đất nước ta có nhiều thay đổi sâu sắc, nền kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, quốc phòng được tăng cường, an ninh được giữ vững, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một nâng cao.
Quán triệt quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, lực lượng Công an nhân dân đã chủ động, tích cực đổi mới cả tư duy, phong cách lãnh đạo và phương pháp công tác. Bất luận trong thời điểm nào, kể cả khi khó khăn, thử thách, lực lượng Công an luôn thể hiện sự tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; kiên định, vững vàng, làm tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và địa phương, nhất là phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Quân đội nhân dân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước.
Trong bối cảnh hiện nay, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình an ninh, chính trị, kinh tế thế giới và khu vực bên cạnh mặt thuận lợi, tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường. Thế giới phải đối mặt với những vấn đề mang tính toàn cầu như khủng bố quốc tế, xung đột sắc tộc, dân tộc, tôn giáo, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ; những vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, thiên tai, dịch bệnh,… đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Các thế lực thù địch không từ bỏ mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa, triệt để khai thác những khó khăn của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế để tiếp tục gia tăng các hoạt động gây bất ổn về an ninh chính trị.
Trong bối cảnh đó, việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để lực lượng Công an nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực sự là lực lượng vũ trang trọng yếu tuyệt đối tin cậy của Đảng. Để tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, cần coi trọng mấy vấn đề sau đây:
Một là, cần thống nhất nhận thức, bất luận trong hoàn cảnh, điều kiện nào cũng phải luôn kiên định nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Công an nhân dân. Đây là yêu cầu khách quan, tất yếu của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân là toàn diện, bao quát trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức; trên mọi nhiệm vụ công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng. Ở đâu có tổ chức và hoạt động của Công an thì ở đó có sự lãnh đạo của Đảng.
Đảng đề ra đường lối bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, và nội dung có tầm quan trọng đặc biệt là xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Đảng lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật để cán bộ, chiến sỹ Công an và toàn dân quán triệt, thực hiện.
Đảng ủy Công an Trung ương và các cấp ủy đảng trong Công an phải luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng về an ninh, trật tự, bảo vệ Tổ quốc; thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh, trật tự; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, đối ngoại; tuân thủ, thực hiện đầy đủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trên tất cả các mặt công tác.
Lực lượng Công an nhân dân phải chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện đúng các quy định của pháp luật và sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Quy định số 92-QĐ/TW, ngày 15/5/2012 của Bộ Chính trị về tổ chức đảng trong Công an nhân dân; các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh, trật tự, nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc; Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.
Vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện trước hết ở việc xác định đường lối, chủ trương, chính sách; ở năng lực tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối đã đề ra. Do đó, Đảng phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đường lối, cơ chế lãnh đạo đối với Công an nhân dân và sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Phát huy vai trò lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy đảng các địa phương đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an. Xác định trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc chăm lo xây dựng lực lượng Công an cấp cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Hai là, lực lượng Công an phải luôn luôn nêu cao cảnh giác, chủ động, nhạy bén, sẵn sàng có các phương án đối phó với các tình huống. Tiếp tục đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, bố trí lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, cần có tư duy mới về xác định đối tượng, đối tác; chủ động, nhạy bén trong nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình; làm tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, tăng cường chính sách đối ngoại, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuyệt đối không được chủ quan, mơ hồ, mất cảnh giác; không được để bị động bất ngờ trước mọi tình huống. Tiếp tục tổng kết và đổi mới các biện pháp công tác, trong đó coi trọng các biện pháp nghiệp vụ, pháp luật, kỹ thuật, quần chúng và kinh tế, ngoại giao. Mọi sự đổi mới đều được bắt đầu từ thực tiễn, từ cơ sở, do vậy mọi hoạt động Công an phải hướng về cơ sở, phục vụ nhân dân.
Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân phải tích cực, chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại, tham gia vào các tổ chức hợp tác an ninh quốc tế và khu vực. Đồng thời qua các hoạt động hợp tác quốc tế để triển khai các biện pháp bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự từ xa, từ ngoài biên giới, lãnh thổ, góp phần thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Ba là, tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, tôn trọng pháp luật. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, các chủ trương, quan điểm của Đảng về các nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự phải được thể chế hóa thành các văn bản pháp luật và được thực hiện bằng các cơ chế quản lý nhà nước. Nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Chủ động đề xuất xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực an ninh, trật tự, làm cơ sở để phòng ngừa, đấu tranh và xử lý các hành vi xâm phạm an ninh, trật tự.
Bốn là, nhân dân có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và đối với việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Bất cứ khi nào, ở đâu, các lực lượng Công an (An ninh, Tình báo, Cảnh sát...) cũng đều phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Công an phải tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, chú trọng xây dựng và phát triển phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; huy động và phát huy cho được khả năng to lớn của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.
Cán bộ, chiến sỹ Công an phải lắng nghe ý kiến của dân, có cơ chế để kiểm tra, giám sát, đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, trước hết ở các bộ phận thường xuyên quan hệ, tiếp xúc và giải quyết công việc liên quan trực tiếp đến người dân. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối làm việc để thực sự gần dân, làm cho nhân dân ngày càng tin yêu, giúp đỡ lực lượng Công an.
Trong công tác, chiến đấu, cán bộ, chiến sỹ công an phải luôn nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, kiên quyết chống các biểu hiện thiếu trách nhiệm, vô cảm trước yêu cầu chính đáng của người dân; rèn luyện tác phong, ứng xử có văn hóa với nhân dân. Chủ động, tích cực khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót làm tổn hại đến mối quan hệ giữa nhân dân với Công an. Đổi mới và tăng cường công tác dân vận, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Công an với nhân dân, củng cố "thế trận lòng dân, an ninh nhân dân", tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an. Bác Hồ đã dạy: "Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thành công hoàn toàn".
Tăng cường quan hệ gắn bó giữa Công an với các ngành, các cấp, các tổ chức, đoàn thể trong thực thi nhiệm vụ; kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm an ninh, trật tự với phát triển kinh tế, xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại. Không ngừng củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Công an nhân dân với Quân đội nhân dân cùng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân với xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.
Tăng cường phối hợp, hiệp đồng với các ngành, đoàn thể trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, kết hợp với việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Năm là, chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng các cấp ủy đảng, bảo đảm thật sự là hạt nhân lãnh đạo, tiêu biểu cho trí tuệ, phẩm chất, năng lực của tổ chức đảng.
Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, trách nhiệm người đứng đầu; coi trọng việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai quy chế làm việc; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trong Công an nhân dân.
Đặc biệt coi trọng xây dựng Đảng bộ Công an Trung ương trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện 6 Điều Bác Hồ dạy Công an bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả.
Đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn hoạt động "diễn biến hòa bình", "phi chính trị hóa" lực lượng Công an nhân dân. Công an cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận và sử dụng các kết quả nghiên cứu để đấu tranh phản bác các luận điệu phản động, sai trái.
Đồng thời nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức cảnh giác cho cán bộ, chiến sỹ Công an trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; phát hiện kịp thời, đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện dao động, giảm sút niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Càng tự hào với truyền thống vẻ vang 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Công an nhân dân Việt Nam anh hùng, chúng ta càng thấy hết vinh dự và trách nhiệm lớn lao của Công an nhân dân trong thời kỳ mới. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tin tưởng và mong rằng, lực lượng Công an sẽ tiếp tục phát huy phẩm chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp, ra sức phấn đấu, rèn luyện, xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng
(Nguồn: TTX)