Ngày 18-10-2015, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (LHPN) tổ chức Lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập và trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2015. Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2015 trao cho 9 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong mọi lĩnh vực của đời sống, đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội.
* Về sự ra đời của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam
Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nên luôn có nhu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng. Ngay từ những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược, phụ nữ đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du... Nhiều phụ nữ nổi tiếng đã tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai...
Từ năm 1927 đến 1930, một số tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ như: Công hội đỏ, Nông hội đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ như: Phụ nữ phản đế, Đồng minh phụ nữ hiệp hội, Hội phụ nữ giải phóng... và hình thành nên nhiều nhóm phụ nữ...
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: "Nam nữ bình quyền". Đảng sớm nhận rõ phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (Công hội, Nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng. Chính vì vậy ngày 20-10-1930, Hội phụ nữ chính thức được thành lập. Sự kiện lịch sử này thể hiện quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ, đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Trải qua 85 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội LHPN ngày càng xứng đáng là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam. Hội LHPN Việt Nam đã giữ vai trò nòng cốt trong phong trào phụ nữ, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm phát huy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ, đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
* Khẳng định vai trò quan trọng trong các giai đoạn cách mạng
Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng có các tổ chức phụ nữ: Hội phụ nữ giải phóng (1930-1931), Hội phụ nữ dân chủ (1936-1939), Hội phụ nữ phản đế (1939-1941), Đoàn phụ nữ cứu quốc (16-6-1941), Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20-10-1946)... Dù tên gọi có nhiều thay đổi cho phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, nhưng trước sau vẫn là tổ chức kiên trung của Hội LHPN Việt Nam.
Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Đoàn phụ nữ cứu quốc và Hội LHPN Việt Nam đã vận động các tầng lớp phụ nữ thưc hiện tăng gia sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng hóa, vũ khí quân trang... đảm bảo cho bộ đội "ăn no, đánh thắng"; thực hiện phong trào "Đời sống mới"... Hoạt động của phụ nữ góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng Lao động Việt Nam về nhiệm vụ đường lối của Đảng trong giai đoạn mới (năm 1960) đã khẳng định: "... Phụ nữ nước ta là lực lượng quan trọng trong cách mạng. Đảng có nhiệm vụ lớn đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ và phát huy năng lực dồi dào của phụ nữ..." và chỉ đạo "Hội LHPNVN phải đoàn kết hơn nữa tất cả các tầng lớp phụ nữ, giáo dục và cổ vũ phụ nữ ra sức phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng"…
Ở miền Bắc, từ sau khi hòa bình lập lại (năm 1954), Hội LHPNVN đã chỉ đạo, vận động các tầng lớp phụ nữ Việt Nam tham gia khôi phục kinh tế, học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật; xây dựng gia đình nuôi dạy con tốt. Năm 1965, Hội phát động phong trào "Ba đảm đang", cho thấy sự nhạy bén nắm bắt tình hình của Hội LHPNVN trước yêu cầu của đất nước.
Ở miền Nam Việt Nam, ngày 8-3-1961, Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập và Hội đã phát động phong trào "Năm tốt" với nội dung: Đoàn kết đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận tốt; Lao động, sản xuất, tiết kiệm tốt; Chăm sóc nuôi dưỡng thương binh tốt; Học tập văn hóa, chính trị, chuyên môn tốt; Rèn luyện tư cách đạo đức tốt.
Ngày 8-3-1965, tại Đại hội phụ nữ toàn miền Nam, Đảng nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam trao tặng phụ nữ miền Nam bức trướng với 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Ngày 20-10-1966, Đảng và Bác Hồ tặng bức trướng cho phụ nữ cả nước: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ cứu nước”.
Sau ngày đất nước thống nhất, vấn đề được Hội phụ nữ đặc biệt quan tâm là việc chăm lo đời sống nhân dân và ưu tiên hàng đầu là công việc cứu đói. Phong trào "Hũ gạo tình thương", "Lá lành đùm lá rách" ở các tỉnh thành từ Huế trở vào khu 5 và đồng bằng Nam Bộ đã dành được hàng nghìn tấn gạo, hàng triệu đồng để cứu trợ cho những người thiếu thốn. Ngày 8-3-1978, Hội LHPNVN phát động phong trào "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Cuộc vận động đã chọn được 1.386.969 phụ nữ đạt danh hiệu "Người phụ nữ mới" 10 năm liên tục và 2.678.683 phụ nữ đạt danh hiệu "Người phụ nữ mới" 5 năm liên tục...
Trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, Hội LHPNVN phát động nhiều phong trào như “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Giúp hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ”... được đông đảo các tầng lớp phụ nữ hưởng ứng, đem lại hiệu quả thiết thực. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng tiêu biểu cho phẩm chất “Tự tin-Tự trọng-Trung hậu-Đảm đang” của phụ nữ Việt Nam trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong 5 năm đã có gần 600 phụ nữ được phong hàm giáo sư, phó giáo sư; trên 2 triệu lượt phụ nữ tham gia học để ứng dụng khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi chuyển giao khoa học kỹ thuật; phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc tích cực học tập xóa mù chữ. Cũng trong 5 năm qua, thông qua đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015”, hơn hai trăm nghìn chị em đã có việc làm sau đào tạo. Qua các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, hằng năm, gần 100 nghìn hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo. 2,8 triệu hội viên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ ủy thác 51,6 nghìn tỷ đồng. Điểm sáng trong những năm qua là cán bộ, hội viên, phụ nữ đã mạnh dạn thành lập các mô hình kinh tế tập thể phù hợp với nhu cầu của phụ nữ và thị trường. Đến nay, đã có 1.224 mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết với gần 18 nghìn lao động nữ tham gia, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế, góp phần đưa Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới sớm về đích.
Với bề dày lịch sử 85 năm, đến nay Hội LHPN Việt Nam đã có hơn 15 triệu hội viên, rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở. Cùng với sự phát triển của đất nước, trình độ, năng lực, vị trí, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng lên. Đến năm 2014, không còn có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ biết đọc, biết viết và tỷ lệ nhập học ở tất cả các cấp học giữa nam và nữ. Phụ nữ cũng chứng tỏ vai trò ngày càng tăng trong giáo dục. Tỷ lệ giảng viên nam và giảng viên nữ tại các trường đại học và cao đẳng hiện nay tương đương nhau, trong khi vào đầu những năm 2000 giảng viên nam vẫn còn chiếm đại đa số. Về việc làm, sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động phi nông nghiệp đã tăng mạnh, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Tỷ số chênh lệch về tiền lương giữa lao động nam và nữ trong khu vực phi nông nghiệp đã giảm xuống còn 106,7% vào năm 2014. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội khóa XIII (2011-2016) đạt 24,4%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới.
Có thể nói, trải qua 85 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội LHPN Việt Nam ngày càng xứng đáng là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam. Hội LHPN Việt Nam đã giữ vai trò nòng cốt trong phong trào phụ nữ, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm phát huy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ, đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế./.
Giao Tuyến