Thứ Sáu, 20/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 11/11/2009 8:39'(GMT+7)

Giá trị lịch sử toàn cầu và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

Cách mạng Tháng Mười vẫn đang và mãi còn cổ vũ nhân loại tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ảnh tư liệu

Cách mạng Tháng Mười vẫn đang và mãi còn cổ vũ nhân loại tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ảnh tư liệu

Chín mươi hai năm qua, cứ mỗi lần kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười thì ngày kỷ niệm đó không những là ngày hội chung của các dân tộc tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, mà còn là một sự khẳng định mới cho giá trị lịch sử toàn cầu, ý nghĩa vạch thời đại của cuộc Cách mạng đó, là sự nhớ lại "cái vĩ đại" và những khả năng tiềm tàng của nó trong việc cải tạo thế giới vì lợi ích con người, vì sự phát triển và giải phóng con người, vì sự tiến bộ xã hội.

Cách mạng Tháng Mười tròn 92 tuổi, song đó không chỉ là thắng lợi đã thuộc về quá khứ của nhân loại. Cách mạng Tháng Mười vẫn sống, vẫn đang thực hiện và sẽ thực hiện thành công chức năng của nhân tố thúc đẩy lịch sử nhân loại phát triển theo đúng quỹ đạo của nó. Cách mạng Tháng Mười vẫn đang và mãi còn cổ vũ nhân loại tiến lên chủ nghĩa xã hội. Kinh nghiệm thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười cho chúng ta thấy rõ không trở ngại nào, xu hướng đối lập nào có khả năng chặn đứng sự phát triển tiến bộ của nhân loại trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười đến sự phát triển xã hội lớn lao tới mức khó có thể chỉ ra một lĩnh vực nào của đời sống xã hội hiện đại lại không thể hiện, không phản ánh kinh nghiệm thực tiễn của nó. Các tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười, kinh nghiệm của nó trong việc thay thế một chế độ chính trị - xã hội lạc hậu bằng một xã hội công bằng, bình đẳng, xã hội vì con người và sự phát triển con người đã đưa nhân loại tới tiến bộ xã hội, phát triển văn hóa và văn minh, tới chủ nghĩa nhân văn cao cả. Lịch sử nhân loại đang có những sự biến thăng trầm, những bước quanh co, song tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười vẫn tỏa sáng, con đường tiến bộ xã hội, giải phóng nhân loại do nó vạch ra vẫn là con đường phát triển tiếp theo của nhiều dân tộc. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười cho thấy đây là con đường được lựa chọn hợp quy luật, dẫu không có con đường nào là thẳng tắp, tự động dẫn tới tiến bộ xã hội, giải phóng nhân loại.

Thật vậy, Cách mạng Tháng Mười không chỉ đánh dấu sự ra đời của nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới, mà còn đặt nền móng cho một chế độ xã hội phù hợp nhất với các lợi ích cơ bản của con người. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã khẳng định các cơ sở chưa từng có trong lịch sử tồn tại xã hội của con người: chính quyền của người lao động trong chính trị, sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất trong kinh tế, sự bình đẳng trong quan hệ giữa người với người. Hơn nữa, Cách mạng Tháng Mười còn là cuộc cách mạng khai phá con đường đi tới chủ nghĩa xã hội, con đường dẫn tới khả năng sáng tạo to lớn và triệt để nhất nhằm thực hiện lý tưởng giải phóng đông đảo quần chúng lao động bị áp bức, xóa bỏ tình trạng người bóc lột người, đưa "con người từ vương quốc của tất yếu sang vương quốc của tự do". Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã cho thấy sức mạnh sáng tạo của con người, của quần chúng nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh tự giải phóng và mở đầu một sự nghiệp kiến tạo xã hội mới chưa từng có khuôn mẫu trong lịch sử hiện thực.

Với tư cách một cuộc cách mạng triệt để và sâu sắc, Cách mạng Tháng Mười báo hiệu một thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ các dân tộc trên toàn thế giới bước vào cuộc đấu tranh cách mạng sôi động, "cuộc đấu tranh để xóa bỏ chiến tranh, để đoàn kết công nhân tất cả các nước chống lại sự liên minh giữa giai cấp tư sản các nước"(1) giành độc lập, hòa bình, tự do và tiến bộ xã hội. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã đem đến cho giai cấp vô sản và các dân tộc trên toàn thế giới niềm tin vào khả năng tiến hành cách mạng giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc. Và, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người, chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế(2). Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, giai cấp vô sản và các dân tộc đang đấu tranh vì hòa bình, tự do và độc lập trên toàn thế giới đã có được bài học sâu sắc, sinh động về việc vận dụng sáng tạo, linh hoạt khoa học và nghệ thuật lựa chọn tình thế cách mạng, phát động phong trào quần chúng nổi dậy dưới khẩu hiệu "công nông binh liên hiệp lại" để giành lấy chính quyền, xây dựng và giữ vững chính quyền cách mạng. Từ bài học quý báu đó, từ kinh nghiệm thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười, hàng loạt quốc gia, dân tộc ở châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh đang sống dưới chế độ thuộc địa và nửa thuộc địa đã vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc và làm tan rã hoàn toàn hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Sau Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết - thành quả trực tiếp của Cách mạng Tháng Mười, đi theo con đường mà Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra, hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa đã ra đời với tư cách là một hệ thống thế giới. Giờ đây, sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, chủ nghĩa xã hội không còn tồn tại với tư cách một hệ thống, song điều đó không có nghĩa là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã bị chặn đứng. Thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. "Chủ nghĩa xã hội đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang phải trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến bước tới chủ nghĩa xã hội, vì điều đó là quy luật của tiến hóa lịch sử"(3).

Đi lên chủ nghĩa xã hội là quy luật tiến hóa của xã hội loài người và Cách mạng Tháng Mười Nga là mốc son đánh dấu thời đại, là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi đầu tiên đó, như V.I. Lê-nin đã khẳng định, chưa phải là một thắng lợi cuối cùng, nhưng nó đã "mở đầu một thời đại mới" trong lịch sử nhân loại - thời đại giải phóng giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới. Cách mạng Tháng Mười đã bắt đầu sự nghiệp ấy, còn việc "bao giờ và trong thời hạn nào thì những người vô sản nước nào sẽ hoàn thành được sự nghiệp ấy, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng, chính là băng đã tan, đường đã mở, lối đã vạch ra rồi"(4).

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thắng lợi đưa chủ nghĩa xã hội khoa học từ chỗ chỉ là ước mơ cao đẹp của giai cấp vô sản, của quần chúng nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới "trở thành một hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn lôi cuốn hàng nghìn triệu người vào hành động cách mạng, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội"(5). Cách mạng Tháng Mười không chỉ đánh dấu thắng lợi lịch sử của học thuyết Mác - Lê-nin trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa cải lương, mà còn khẳng định sức mạnh cải tạo to lớn của các tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là thắng lợi vĩ đại nhất không chỉ của giai cấp vô sản, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Thắng lợi đó cho thấy tính tất yếu của việc sử dụng bạo lực cách mạng đánh đổ quyền thống trị của giai cấp tư sản, thiết lập chính quyền cách mạng của những người lao động, xây dựng một xã hội hoàn toàn mới - xã hội không còn chế độ người bóc lột người. Thắng lợi đó đem lại cho nhân loại toàn thế giới một chân lý không thể bác bỏ là bất cứ một chế độ xã hội nào đã tỏ ra lỗi thời trong lịch sử, thì tất yếu sẽ bị thay thế bởi một chế độ xã hội tiến bộ hơn, khi quần chúng nhân dân lao động được một đảng cách mạng chân chính lãnh đạo nhất loạt nổi dậy đấu tranh để tự giải phóng. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười là một tất yếu khách quan; nó bác bỏ những quan điểm sai lầm về tính vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản và những quan điểm cải lương chủ nghĩa về sự "chuyển hóa dần dần" từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.

Chỉ ra ý nghĩa lịch sử toàn cầu của Cách mạng Tháng Mười, tại lễ Kỷ niệm lần thứ tư cuộc cách mạng vĩ đại này, V.I. Lê-nin nói: "chúng ta có quyền tự hào và quả thật chúng ta tự hào là đã có cái hân hạnh được bắt đầu việc xây dựng nhà nước Xô-viết và do đó, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của một giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản và ở khắp nơi đều đang tiến tới một cuộc đời mới, tới chỗ chiến thắng giai cấp tư sản, tới chỗ thành lập chuyên chính vô sản, tới chỗ giải phóng nhân loại khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa"(6). Trong bài viết cho báo Pravda nhân Kỷ niệm lần thứ 50 Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định ý nghĩa lịch sử toàn cầu của cuộc cách mạng này. Người viết: "Cách mạng Tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới"(7).

V.I. Lê-nin đã vạch rõ ý nghĩa lịch sử toàn cầu của Cách mạng Tháng Mười ở chỗ, Cách mạng Tháng Mười đã có ảnh hưởng trực tiếp tới toàn bộ tiến trình lịch sử thế giới, tới tiến bộ xã hội. Toàn thể nhân loại bị áp bức, bóc lột đã đứng lên chống lại sự áp bức của giai cấp tư sản. Những tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười được phổ biến trên phạm vi toàn thế giới đã khích lệ các dân tộc đứng lên đấu tranh chống lại những kẻ áp bức dân tộc, giành tự do và độc lập dân tộc. Nó đem lại một xung lực cách mạng mạnh mẽ cho phong trào công nhân quốc tế, tạo ra một cao trào đấu tranh cách mạng rộng khắp của giai cấp công nhân, đưa giai cấp công nhân trở thành giai cấp trung tâm của thời đại. Cùng với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, thời kỳ bão táp cách mạng của quần chúng lao động ở châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh đã bắt đầu.

Nói đến ý nghĩa lịch sử toàn cầu của Cách mạng Tháng Mười không thể không khẳng định các đặc điểm cơ bản của cuộc cách mạng này "có tính tất yếu lịch sử là sẽ tái diễn trong phạm vi quốc tế". Nhấn mạnh điều này, V.I. Lê-nin viết: "Ngày nay, chúng ta đã có trước mắt một kinh nghiệm quốc tế rất phong phú chứng thực hiển nhiên rằng một số đặc điểm cơ bản của cuộc cách mạng của ta không chỉ có ý nghĩa địa phương, ý nghĩa đặc biệt - dân tộc, ý nghĩa riêng cho nước Nga mà có ý nghĩa quốc tế"(8). Ông cho rằng, Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ khẳng định sự đúng đắn của học thuyết Mác, tính khách quan của các quy luật phát triển xã hội, mà còn chỉ rõ sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội không thể thiếu cách mạng xã hội chủ nghĩa do giai cấp vô sản thực hiện, rằng để cho cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi thì cần phải có cả các điều kiện khách quan lẫn nhân tố chủ quan và sự tác động biện chứng của chúng. Nó cũng chỉ ra rằng thiếu chuyên chính vô sản thì không thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Ý nghĩa lịch sử toàn cầu của Cách mạng Tháng Mười còn ở chỗ, nó là cuộc cách mạng đầu tiên trong lịch sử nhân loại đem lại cho các dân tộc không những sự bình đẳng chính trị mà cả điều kiện bảo đảm thực hiện điều đó vào cuộc sống. Chủ nghĩa tư bản đã sản sinh ra một cộng đồng lịch sử mới của con người - dân tộc, song do sự duy trì chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất nên nó cũng tạo ra sự bất bình đẳng và sự đối kháng trong cộng đồng dân tộc, sự thù địch giữa các dân tộc, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa sô-vanh nước lớn, chiến tranh giữa các nước, các dân tộc. Cách mạng Tháng Mười chỉ cho cả thế giới thấy con đường duy nhất đúng đắn để giải quyết vấn đề dân tộc, tạo ra một xã hội có bình đẳng dân tộc, thịnh vượng và đoàn kết dân tộc.

Trong lịch sử nhân loại đã từng có nhiều phong trào đấu tranh anh dũng của quần chúng nhân dân lao động nhằm giải phóng khỏi sự bóc lột và áp bức, song tất cả các phong trào đó đều đã thất bại. ở đây, có nhiều nguyên nhân và một trong những nguyên nhân cơ bản, như V.I Lê-nin viết: "Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ... Cách mạng là sự thức tỉnh của hàng triệu người về cuộc đời mới"(9). Cách mạng Tháng Mười đã thực hiện quy luật đó một cách sáng tạo và để lại cho chúng ta một bài học quý báu trong đấu tranh cách mạng và bảo vệ các thành quả cách mạng. Ông cũng chỉ rõ, "Chúng ta bắt tay vào một sự nghiệp mà trên thế giới chưa hề có ai làm với một tầm rộng lớn đến như vậy... Chúng ta đi từ kinh nghiệm này đến kinh nghiệm khác... Thế nhưng vấn đề lại rõ ràng. Không cầm vũ khí bảo vệ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa, thì chúng ta không thể tồn tại được"(10).

Cách mạng Tháng Mười mở đầu cho việc triển khai trong cuộc sống lý luận cách mạng xã hội chủ nghĩa và giai cấp vô sản Nga là người đã đem lại cho phong trào vô sản thế giới kinh nghiệm thực tiễn lý luận đó, đã chỉ rõ sự cần thiết phải phát động phong trào quần chúng nổi dậy như thế nào trong cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư sản, giành chính quyền và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Kinh nghiệm đó, như V.I Lê-nin khẳng định, sẽ không bị quên đi..., sẽ không thể bị gạt bỏ, dù cho cách mạng Nga và cách mạng xã hội chủ nghĩa quốc tế có trải qua những đột biến gian khổ đến mấy đi nữa. Kinh nghiệm đó đã đi vào lịch sử, với tính cách là một thành quả của chủ nghĩa xã hội và căn cứ vào kinh nghiệm đó mà cách mạng quốc tế tương lai sẽ xây dựng lên lâu đài xã hội chủ nghĩa của mình.

Lịch sử nhân loại 92 năm qua, kể từ thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười, đã diễn ra với bao thăng trầm, những bước quanh co, song xu hướng phát triển không thể đảo ngược của nó vẫn là xu hướng đi lên chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn lịch sử đó đã khẳng định một cách xác đáng rằng thời đại hiện nay vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội mà Cách mạng Tháng Mười Nga là điểm khởi đầu. Thực tiễn lịch sử nhân loại, nhất là thực tiễn diễn ra trong những thập niên cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, cũng cho thấy chủ nghĩa xã hội không thể phát triển và đi đến thắng lợi hoàn toàn nếu không thường xuyên tự đổi mới một cách có nguyên tắc và coi đó là con đường tất yếu khách quan để giữ vững độc lập dân tộc, ổn định đất nước, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thật vậy, với tư cách là một phong trào xã hội hiện thực, vận động và phát triển trên cơ sở khoa học, mở đầu bằng Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa xã hội không thể không tự làm phong phú thêm, sâu sắc hơn bằng những tri thức mới, kinh nghiệm mới, đồng thời thay thế, loại bỏ những kết luận, luận điểm đã trở nên lạc hậu và bị thực tiễn lịch sử vượt qua. V.I Lê-nin từng chỉ rõ: "Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống"(11). Thực tiễn cay đắng của những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga theo "chính sách cộng sản thời chiến" và thắng lợi bước đầu của những năm thực hiện "chính sách kinh tế mới" đã đưa V.I Lê-nin tới chỗ thừa nhận rằng: "Ngày nay, chúng ta có quyền nói... toàn bộ quan điểm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội đã thay đổi về căn bản"(12).

Đổi mới chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan nhằm đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu về phương diện lý luận của chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội 92 năm qua, kể từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, cho thấy chủ nghĩa xã hội không phải là một xã hội đã hoàn chỉnh ngay từ đầu, mà cũng như mọi chế độ xã hội khác trong lịch sử, nó cần phải thường xuyên tự đổi mới theo tiến trình vận động và phát triển hiện thực của lịch sử. Chỉ có trên cơ sở tự đổi mới cả lý luận và thực tiễn, chủ nghĩa xã hội hiện thực mới có khả năng tìm ra động lực phát triển của chính nó và vạch ra con đường cho sự phát triển tiếp theo của nó và nhân loại tiến bộ toàn thế giới.

Song, do không giữ vững định hướng chính trị, cải tạo quan hệ xã hội và do nhiều nguyên nhân khác nữa, sau 70 năm tồn tại mà Cách mạng Tháng Mười là điểm khởi đầu, giờ đây chủ nghĩa xã hội với tư cách một chế độ xã hội đã không còn tồn tại ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Trước hiện thực lịch sử đó, kẻ thù của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, của cách mạng vô sản và chủ nghĩa xã hội đã vội vã lớn tiếng nói về "sự cáo chung" của chủ nghĩa xã hội và từ đó phủ định thắng lợi, ý nghĩa lịch sử toàn cầu của Cách mạng Tháng Mười. Đúng là chủ nghĩa xã hội đang lâm vào khủng khoảng, đang ở giai đoạn thoái trào tạm thời. Song, không thể vì thế mà Cách mạng Tháng Mười không còn mang ý nghĩa lịch sử toàn cầu. Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng vĩ đại bởi nó đã vạch ra một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Thật là bất công, phi lý và hoàn toàn không đúng khi quy sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là "sự phá sản" của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học, là "sự thất bại" của lý tưởng Cách mạng Tháng Mười. Chủ nghĩa xã hội khoa học chỉ có một, Cách mạng Tháng Mười chỉ có một, song con đường đến với chủ nghĩa xã hội khoa học đó, đến với các lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười không phải là một, mô hình thể hiện luận điểm khoa học và lý tưởng đó cũng không phải là một. Sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự sụp đổ của một mô hình trên con đường thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa, lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười. Việc lý tưởng xã hội chủ nghĩa, lý tưởng Cách mạng Tháng Mười "bị đẩy lùi" ở đây không có nghĩa là nó bị xóa bỏ. Những thành công đáng khích lệ, sự ổn định và tiếp tục phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhờ công cuộc đổi mới một cách có nguyên tắc, sáng tạo và năng động trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở Trung Quốc, Việt Nam, và gần đây là phong trào cánh tả ở các nước Mỹ La-tinh cho thấy lý tưởng Cách mạng Tháng Mười vẫn tràn đầy sức sống./.

 

Đặng Hữu Toàn (*)
Theo Tạp chí Cộng sản

-------------------------------------------------------------

(*) PGS, TS, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Triết học

(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2006, t 44, tr 187

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t12, tr 300

(3) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, 1996, tr 8

(4) V.I. Lê-nin: Sđd, t 44, tr 187

(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t 12, tr 303

(6) V.I. Lê-nin: Sđd, t 44, tr 184 - 185

(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t 12, tr 301

(8) V.I. Lê-nin: Sđd, t 44, tr 3

(9) V.I. Lê-nin: Sđd, t 37, tr 145

(10) V.I. Lê-nin: Sđd, t 38, tr 165

(11) V.I. Lê-nin: Sđd, t 4, tr 232

(12) V.I. Lê-nin. Sđd, t 45, tr 428

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất