Thứ Sáu, 20/9/2024
Tuyên truyền
Chủ Nhật, 8/11/2009 18:35'(GMT+7)

Giải pháp xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ tuyên giáo quận, huyện ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay

Bến cảng Nhà Rồng, Thành phố Hồ Chí Minh

Bến cảng Nhà Rồng, Thành phố Hồ Chí Minh

Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá X (01/2009) ban hành Kết luận số 37-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020. Kết luận đã xác định: Mục tiêu cần đạt được là xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất và năng lực tốt, có cơ cấu phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Trước đó, Đại hội X (4/2006) về công tác cán bộ đã xác định mục tiêu chung là xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí, có tư duy đổi mới, sáng tạo, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Và Nghị quyết về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được ban hành tại Hội nghị Trung ương lần thứ ba - khoá VIII (07/1997) đã xác định: Mục tiêu Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp từ trung ương đến cơ sở, đặc biệt là cán bộ đứng đầu, có phẩm chất và năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân, giữ vững độc lập tự chủ, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Như vậy, trong quá trình đổi mới và hội nhập, Đảng ta luôn ý thức được tầm quan trọng của việc đạt được mục tiêu xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ. Trên thực tế, vấn đề này đã được Lênin lưu ý đối với những người cách mạng từ những năm 20 của thế kỷ trước. Xuất phát từ ý nghĩa hiện thực và vai trò của người cán bộ đối với thực tiễn phong trào cách mạng, Lênin khẳng định: “Trong lịch sử, chưa hề có giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiền phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào” [1] và “…chính trị là một khoa học và một nghệ thuật không phải từ trên trời rơi xuống, mà đòi hỏi một sự cố gắng, rằng giai cấp vô sản muốn thắng giai cấp tư sản thì phải đào tạo lấy “những nhà chính trị giai cấp” thực sự của mình, những nhà chính trị vô sản và không thua kém các nhà chính trị của giai cấp tư sản” [2]. Khi có chính quyền, lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Lênin tiến hành đánh giá, sắp xếp lại cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo yêu cầu và đòi hỏi của nhiệm vụ mới. Năm 1922, qua thực tiễn, Người đã khẳng định: “Nghiên cứu con người, tìm những cán bộ có bản lĩnh. Hiện nay đó là then chốt; nếu không thế thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy lộn” [3].

Ở góc độ Tâm lý học, bản lĩnh được hiểu là một tổng hợp những phẩm chất của nhân cách mà thành phần cốt lõi là ý chí con người được thể hiện ra trong hoạt động thực tiễn, bao gồm các phẩm chất cơ bản như: tính mục đích, tính kiên định - vững vàng, tính kiên trì - bền bỉ, tính độc lập - tự chủ. Bản lĩnh là sự thể hiện và khẳng định những mặt mạnh trong nhân cách cá nhân, từ những phẩm chất đạo đức, tài năng cho đến những lối ứng xử, giao tiếp gây được ấn tượng, tác động mạnh về các giá trị của cá nhân đó đối với người khác.

Người có bản lĩnh là người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, là người dám thể hiện mình và có lập trường đúng đắn, kiên định, không bị sự chi phối bởi những hoàn cảnh khó khăn tác động đến hay bởi ý kiến của những người khác. Người có bản lĩnh là người không dễ bị khuất phục bởi bất cứ điều gì, mà luôn nỗ lực và cố gắng vượt qua tất cả. Dám xung phong vào những nơi mà người khác chưa dám làm với những thái độ quyết đoán, không do dự; nhưng cũng không phải làm một cách mù quáng, không phải làm liều, làm cho xong mà những việc làm đó xuất phát từ sự nhận thức, niềm tin và lý tưởng sống; làm trên cơ sở những phân tích, tổng hợp các vấn đề có liên quan một cách nghiêm túc, khoa học và khi thực hiện chắc chắn đạt hiệu quả cao nhất.

Trên những cơ sở đó chúng tôi quan niệm, bản lĩnh chính trị của cán bộ tuyên giáo là tổng hợp những phẩm chất chính trị của mỗi người được hình thành qua giáo dục và rèn luyện trong thực tiễn công tác, giúp cho họ giữ vững lập trường chính trị, kiên định lý tưởng cách mạng, có năng lực làm chủ trong mọi hoàn cảnh, vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ trong lĩnh vực công tác tuyên giáo của Đảng.

Qua khảo sát, đội ngũ cán bộ tuyên giáo quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) có một số đặc điểm nổi bật như sau :

Về số lượng, cán bộ tuyên giáo của 24 quận, huyện ở TPHCM tại thời điểm đầu năm 2009 với khoảng 120 cán bộ. Bình quân, mỗi ban tuyên giáo có 5 cán bộ, gồm 1 trưởng ban, từ 1 - 2 phó ban và từ 2 - 3 cán bộ, chuyên viên. Số lượng cán bộ tuyên giáo của các quận, huyện ở TPHCM về cơ bản đủ với số lượng qui định theo hướng dẫn số 75 của liên Ban Tổ chức Trung ương - Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương ngày 13/2/1993 [4]. Tỷ lệ cán bộ nam chiếm 56,2%, nữ chiếm 43,8%. Cán bộ tuyên giáo quận chiếm 79,5%, cán bộ huyện chiếm 20,5%.

Tuổi đời và thâm niên công tác của cán bộ tuyên giáo có cơ cấu như sau: từ 25-30 tuổi chiếm 24,7%, từ 31-40 tuổi chiếm 26%, từ 41-50 tuổi chiếm 27,4%, trên 50 tuổi chiếm 21,9%; với 64,4% cán bộ tuyên giáo có thâm niên công tác từ 1-5 năm, 20,5% có thời gian công tác từ 6-10 năm và 15,1% có thâm niên công tác tuyên giáo từ 11 năm trở lên.

Về trình độ học vấn, có 87,6% cán bộ tuyên giáo đạt trình độ đại học và trên đại học với nhiều chuyên ngành đào tạo khác nhau. Trình độ lý luận chính trị, có 50,7% đạt trình độ cử nhân hoặc cao cấp chính trị, và 42,5% mới đạt trình độ chính trị trung cấp.

Về nguồn hình thành, 16,4% cán bộ tuyên giáo là sinh viên mới ra trường, 12,3% được điều động từ các ban Đảng của cấp uỷ và 17,8% từ các đoàn thể, có 27,4% trưởng thành từ công tác cơ sở (phường, xã) và 26% được tuyển chọn từ một số ngành khoa học xã hội nhân văn: giáo dục, văn hoá , xã hội học…

Giải pháp xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ tuyên giáo quận, huyện ở TPHCM hiện nay

Đội ngũ cán bộ tuyên giáo quận, huyện ở TPHCM những năm gần đây được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kết hợp với ý thức tự học, tự rèn luyện vươn lên và trưởng thành qua hoạt động thực tiễn, đã có bước tiến đáng kể về chuyên môn, nghiệp vụ. Cán bộ tuyên giáo đã góp phần quan trọng bảo vệ, phát triển và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào đời sống chính trị trên địa bàn quận, huyện, đưa đường lối đổi mới vào cuộc sống. Tuy nhiên, Đội ngũ cán bộ tuyên giáo quận, huyện còn nhiều hẫng hụt, độ nhanh nhạy còn hạn chế. Nhiều trường hợp còn bị động trước những tình huống nảy sinh trong thực tiễn, chưa đủ sức lý giải một cách thuyết phục những vấn đề phức tạp nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày. Đấu tranh chưa đủ mạnh, chưa đủ sức thuyết phục với những luồng tư tưởng trái chiều, với các tư tưởng, việc làm sai trái và những luận điệu xuyên tạc, vu khống của những thế lực thù địch…

Từ thực tiễn, chúng tôi nhận thấy để nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo quận, huyện của TPHCM hiện nay các cấp uỷ Đảng, Ngành và đội ngũ cán bộ tuyên giáo cần nhanh chóng tiến hành các giải pháp như sau :

Một là, phải thật sự có bước đổi mới mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cấp uỷ Đảng các quận, huyện ở Thành phố Hồ Chí Minh về công tác tuyên giáo và xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo

Trong đội ngũ tham mưu của Đảng, những người làm công tác tư tưởng nói chung, tuyên giáo có vai trò đặc trưng riêng trong việc nắm bắt tư tưởng, tuyên truyền định hướng chính trị. Tiến hành công tác tư tưởng là trách nhiệm của toàn Đảng, nghĩa là mọi cán bộ, đảng viên của Đảng đều có trách nhiệm tiến hành công tác tư tưởng. Song, trách nhiệm đó, thường xuyên và trực tiếp thuộc về cấp uỷ Đảng các cấp và các lực lượng chuyên trách làm công tác tư tưởng. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ hoạt động chuyên nghiệp trong các tổ chức bộ máy tiến hành công tác tư tưởng của Đảng là cơ sở để nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ tuyên giáo.

Muốn giành thắng lợi trên mặt trận tư tưởng, giữ vững trận địa tư tưởng, tất yếu Đảng phải lãnh đạo chặt chẽ đội ngũ làm công tác tư tưởng; thường xuyên chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, tri thức và năng lực công tác tư tưởng cho đội ngũ này, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng hiện nay.

Trước yêu cầu mới, đòi hỏi mỗi cấp uỷ Đảng cần nhận thức rõ hơn, sâu hơn về bối cảnh và những đặc điểm mới tác động đến công tác tuyên giáo trong giai đoạn hiện nay. Chủ động đầu tư cho công tác tuyên giáo, nỗ lực đi trước để dự báo, đề xuất và tham gia tích cực, giải quyết những vấn đề mới của thực tiễn, nhất là các vấn đề về toàn cầu hoá, quốc tế hoá, hội nhập kinh tế quốc tế... Cần thật sự trọng thị và đề cao vai trò, vị trí và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức công tác trong Ngành. Cần hiểu cho đúng công tác tuyên giáo, tư tưởng là công tác đối với con người, một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải nắm vững quy luật riêng của tư tưởng, có thái độ, phương pháp khoa học, kết hợp chặt chẽ giữa lý trí và tình cảm, giữa lời nói và việc làm. Từ đó, đề cao hơn nữa trách nhiệm của toàn Đảng đối với công tác tuyên giáo. Cần nhất quán quan điểm, công tác tuyên giáo là nhiệm vụ của toàn Đảng, của tất cả đảng viên, trước hết là cấp uỷ và đồng chí bí thư cấp uỷ, của cả hệ thống chính trị.

Hai là, qui hoạch đội ngũ cán bộ tuyên giáo chuyên trách phải tiến hành đồng thời với tăng cường bồi dưỡng, củng cố đội ngũ cán bộ tuyên giáo quận, huyện đương nhiệm; có cơ chế, chính sách để khắc phục sự chắp vá trong việc sử dụng cán bộ tuyên giáo

Ngoài những yêu cầu chung của cán bộ, trong thời kỳ mới, quá trình xây dựng đội ngũ làm công tác tuyên giáo, cần chú trọng những phẩm chất mang tính đặc thù trong lĩnh vực tư tưởng như: khả năng nói và viết, khả năng nghiên cứu, phân tích, tổng hợp để khái quát thành quan điểm tư tưởng. Phải đặc biệt chú trọng lòng yêu nghề và năng khiếu nghề nghiệp. Trung thành với Tổ quốc, gắn bó với nhân dân đồng thời phải yêu nghề, say mê với nghề. Trong những yêu cầu về phẩm chất, năng lực của người cán bộ tuyên giáo nói chung, thì năng khiếu, sở trường và lòng yêu nghề là những điều kiện có tính chất quyết định chất lượng đội ngũ này.

Nhân tố cơ bản, quyết định để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng cũng như bản lĩnh chính trị cho cán bộ tuyên giáo đó là đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tuyên giáo chuyên trách các quận, huyện ở TPHCM. Hiện nay, đội ngũ này so với yêu cầu vẫn còn những hạn chế và bất cập. Số lượng có nơi vừa thiếu vừa thừa, thiếu nghiêm trọng là những cán bộ tuyên giáo có năng lực tổng kết, nói tốt, viết tốt; năng lực truyền đạt, năng lực cổ vũ, động viên; vốn kiến thức văn hoá trong bối cảnh hội nhập quốc tế của thành phố vẫn còn nhiều hạn chế và phần lớn chưa được đào tạo chuyên ngành về công tác tuyên giáo. Để có một đội ngũ cán bộ tuyên giáo chuyên trách vừa có tâm vừa có tài và tương đối ổn định, thì về lĩnh vực chuyên môn này phải có những chính sách sử dụng hợp lý hơn, phải tiến hành qui hoạch và sử dụng cán bộ tuyên giáo một cách bài bản hơn, khắc phục cách sử dụng cán bộ tuyên giáo còn chắp vá như hiện nay.

Hệ thống chế độ, chính sách phản ánh đúng vai trò, trách nhiệm xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và trình độ nghề nghiệp của cán bộ tuyên giáo. Hệ thống chế độ, chính sách một mặt, phải thể hiện được ích lợi vật chất và tinh thần cuộc sống với cống hiến cho xã hội, mặt khác phải là cơ sở để đánh giá đúng cán bộ, tạo điều kiện để cán bộ phát triển tài năng, cống hiến ngày càng nhiều cho đất nước. Chỉ có như vậy mới động viên, tạo điều kiện cho cán bộ tuyên giáo yên tâm công tác, phát huy năng lực, sở trường, củng cố tình cảm nghề nghiệp và khuyến khích người giỏi chuyển sang công tác lâu dài trong ngành tuyên giáo. Cơ chế chính sách có thể mở đường, là động lực thúc đẩy tính tích cực, tài năng, sáng tạo, nhiệt tình, trách nhiệm của mỗi người, nhưng cũng có thể kìm hãm hoạt động của con người, làm thui chột tài năng, sáng tạo của con người. Vì vậy, việc nâng cao bản lĩnh chính trị của cán bộ tuyên giáo phải gắn liền với đổi mới hệ thống cơ chế, chính sách. Có thể nói, trong tình hình hiện nay, việc đổi mới cơ chế sử dụng và chính sách đối với cán bộ là khâu có tính đột phá. Chế độ, chính sách đúng đắn, hợp lý là điều kiện, là động lực cho việc xây dựng bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo hiện nay.

Ba là, tổ chức cập nhật những tri thức mới cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo nhằm nâng cao hàm lượng trí tuệ trong bản lĩnh chính trị của họ, đảm bảo tương xứng với vị trí, vai trò đi đầu trên nhiều mặt của thành phố Hồ Chí Minh

TPHCM là đô thị lớn, có tốc độ phát triển nhanh nhất nước, giữ vai trò, vị trí là trung tâm nhiều mặt của cả miền, cả nước và khu vực, là một trong những trung tâm chính trị quan trọng của đất nước. Cũng là nơi dễ phát sinh tiêu cực, điểm nóng trên các lĩnh vực, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sắc bén, đồng bộ trước những vấn đề mới nảy sinh trong công tác tuyên giáo như: thông tin xuyên tạc trên mạng Internet; công tác tuyên giáo trong các cơ sở sản xuất, liên doanh với nước ngoài, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Giữa năm 2008 Thành ủy TPHCM đã có kế hoạch tổ chức quán triệt và thực hiện Kết luận số 15-KL/TW, ngày 18/10/2007 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị Quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khoá IX), trong đó có nội dung triển khai thí điểm mô hình Chính quyền đô thị theo Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) ở TPHCM. Cán bộ tuyên giáo chuyên trách của Chính quyền đô thị cần những kiến thức tổng quát về quản lý đô thị, quản lý kinh tế đô thị, quy hoạch độ thị, quản lý xã hội đô thị, quản lý và bảo vệ môi trường đô thị. Đặc biệt, đội ngũ này phải có kiến thức về phương thức, lối sống đô thị, văn hóa đô thị…

Từ các đặc điểm nói trên của TPHCM, việc nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo phải thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, cập nhật những tri thức mới, nhằm nâng cao hàm lượng trí tuệ trong bản lĩnh chính trị của họ cho tương xứng với vai trò, vị trí của thành phố Hồ Chí Minh. Đúng như điều Lênin từng căn dặn những người cách mạng: “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng trí thức mà nhân loại đã tạo ra.” [5]

Về thực chất, bản lĩnh chính trị là sự thể hiện tổng hợp về nhận thức, tình cảm và hành vi chính trị đã phát triển đạt tới trình độ tự giác, tạo nên năng lực làm chủ về chính trị của con người, thể hiện tập trung ở sự vững vàng kiên định, đồng thời nhạy cảm trước những biến động chính trị - xã hội; ở tính tích cực trong tham gia vào các quá trình chính trị - xã hội; ở sự giải quyết chính xác và mau lẹ những vấn đề chính trị thực tiễn, đúng với qui luật khách quan và phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể. Với ý nghĩa đó, sự hình thành bản lĩnh chính trị cho cán bộ tuyên giáo trước hết phải gia tăng hàm lượng trí tuệ trong các yếu tố hợp thành bản lĩnh chính trị của họ.

Sinh thời, Bác Hồ đã nhắc: “Thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó khăn hơn nhiều.”[6]. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, trách nhiệm của Đảng càng nặng nề, phức tạp hơn. Do đó, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ tuyên giáo nói riêng vững vàng về chính trị, trong sạch và có năng lực, nhất là năng lực lãnh đạo kinh tế, vì làm kinh tế không thể chỉ có nhiệt tình và ý chí mà cần phải có trình độ học vấn, hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng. Đúng như những lời Hồ Chủ tịch căn dặn, “Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội… đòi hỏi Đảng ta phải nắm vững khoa học và kỹ thuật, do đó mỗi đảng viên đều phải cố gắng học tập văn hoá, học tập khoa học và kỹ thuật.” [7], “Cán bộ chính trị phải trú trọng học tập kinh tế, kỹ thuật để lãnh đạo sản xuất được tốt. Cán bộ chính trị phải biết kỹ thuật, không biết, chỉ chính trị suông, không lãnh đạo được.” [8]

Với nhận thức như vậy, chúng ta cần tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ tuyên giáo đương nhiệm. Đây là đội ngũ cán bộ đặc biệt quan trọng đối với công tác tuyên giáo ở các quận, huyện; đội ngũ đầu tiên cần được chú trọng bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn. Chỉ có thể bắt đầu từ đội ngũ này mới có thể có một đội ngũ cán bộ tuyên giáo có chất lượng và bản lĩnh chính trị cao. Bởi vì, công tác tư tưởng không thể một sớm một chiều có thể đào tạo gấp, trang bị gấp kiến thức hiện đại là có thể làm được. Có trình độ chuyên môn cao, có kiến thức sâu rộng mới chỉ là điều kiện cần cho người làm công tác tư tưởng mà thôi. Người cán bộ tuyên giáo còn cần có bản lĩnh chính trị, những trải nghiệm trong cuộc sống và công tác, thấu hiểu tâm tư tình cảm của người khác, trung thực với chính mình, biết đau với nỗi đau của người đời, vui cùng niềm vui của nhân dân… Tất cả những cái đó không trường lớp nào đào tạo được, chỉ có trường đời, chỉ có cuộc sống thực tiễn và sự rèn luyện của bản thân do tích luỹ mà có.

Bốn là, tăng cường rèn luyện cán bộ tuyên giáo quận, huyện thông qua hoạt động thực tiễn chính trị - xã hội và công tác luân chuyển cán bộ tuyên giáo về phường, xã

Cán bộ tuyên giáo là người trực tiếp giáo dục, hướng dẫn, vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, là tấm gương đối với mọi người. Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và bản lĩnh chính trị của cán bộ tuyên giáo, trước hết, mỗi cán bộ phải tự nâng cao chất lượng của chính mình, phải tự giáo dục bản thân mình, tự giác học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tự giác khép mình vào tổ chức. Nếu mỗi cán bộ tuyên giáo không thực sự cầu thị, thiếu ý chí phấn đấu, không tự kiểm tra, tự phê bình, và không kiên quyết, tự giác sửa chữa những khuyết điểm của chính mình thì những tác động của công tác tuyên giáo sẽ ít có tác dụng. Vì đúng như điều trong Luận cương về Phoi-ơ-bắc mà trước đây C.Mác đã từng viết : “bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục.” [9]

Rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị cán bộ tuyên giáo hiện nay, phải được thể nghiệm trong thực tiễn cách mạng sinh động, gắn ý thức với hành vi chính trị đúng đắn. Bản lĩnh chính trị của cán bộ tuyên giáo là sản phẩm của sự kết hợp chặt chẽ giữa ý thức chính trị và thể nghiệm qua hệ thống các hành vi chính trị thực tiễn sinh động. Mỗi cán bộ tuyên giáo phải tự tu dưỡng và rèn luyện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn của mình. Đây là yếu tố quyết định để giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ này. Bởi vì sự nỗ lực chủ quan bao giờ cũng là nhân tố quyết định sự trưởng thành và lớn lên của mỗi cán bộ.

Bên cạnh đó, việc luân chuyển cán bộ tuyên giáo, nhất là số cán bộ trẻ, về cơ sở phải được coi là một nội dung trong quy trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo. Tuy nhiên, không phải đưa cán bộ về cơ sở, “bố trí cho đủ số lượng, đủ cơ cấu trẻ” là song, mà phải phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách, liên tục theo sát, giúp đỡ uốn nắn số cán bộ được đưa về cơ sở; không thể buông lỏng cho họ tự “bơi” rồi sau đó lại đánh giá là “không đủ trình độ, năng lực, tư cách”… Cái chính là phải có chương trình cho cán bộ tuyên giáo rèn luyện, tiếp xúc, đối thoại, vận động giải quyết những bức xúc ở cơ sở, tạo điều kiện cho họ tiếp xúc với nhân dân, cọ xát thực tế đời sống và chia sẻ những khó khăn, bất hạnh của người lao động, từ đó rèn luyện bản lĩnh điều hành, đối thoại và ứng xử trước mọi tình huống. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo trẻ được quan tâm giáo dục truyền thống cách mạng và rèn luyện phẩm chất đạo đức; Định kỳ hằng năm được tham quan các di tích lịch sử, căn cứ địa cách mạng, như Nhà tù Côn Đảo, Trung ương Cục miền Nam, địa đạo Củ Chi, căn cứ Rừng Sát - Cần Giờ, v.v... Các chuyến về nguồn đọng lại những hình ảnh hào hùng của Đảng, dân tộc trong tư tưởng, tình cảm mỗi cán bộ tuyên giáo trẻ, nuôi dưỡng và tiếp thêm ý chí, nghị lực để họ phấn đấu, rèn luyện để có thể trở thành người cán bộ tuyên giáo trưởng thành từ thực tiễn cơ sở sau này.

Năm là, giáo dục, học tập bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh và phát huy vai trò nêu gương toàn diện của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là nhân tố xúc tác quan trọng tác động đến việc xây dựng bản lĩnh chính trị của cán bộ tuyên giáo quận, huyện

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương tuyệt vời về bản lĩnh chính trị, bản lĩnh ấy đã được hun đúc từ truyền thống yêu nước, khí phách anh hùng, bất khuất của dân tộc, từ ý chí quật cường, đạo đức cách mạng, trí tuệ uyên bác và niềm tin son sắt của người Cộng sản. Giải pháp nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo hiện nay nhất thiết phải gắn với việc học tập, noi gương và làm theo bản lĩnh chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bản lĩnh đó của Người, qua tìm hiểu, có thể thấy ngay được ở các biểu hiện chính như sau :

Thứ nhất, bản lĩnh chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện ngay từ khi Người quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, ở sự lựa chọn dứt khoát con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. “Quyết định của Nguyễn Tất Thành sang phương Tây tìm đường cứu nước cho chúng ta một bài học lớn: sự sống còn của một sự nghiệp, một dân tộc được định ở quyết tâm vượt qua, vượt lên chính mình.[10] Cũng từ đây, bản lĩnh, chí khí của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã trở thành bản lĩnh chính trị của người Cộng sản chân chính. Bản lĩnh ấy đã đưa Người vượt hẳn lên phía trước so với những người yêu nước đương thời.

Thứ hai, bản lĩnh chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện tập trung ở nghị lực phi thường, tinh thần lạc quan, quả cảm, vượt mọi khó khăn, gian khổ trên con đường tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Trên những đoạn đường gập ghềnh, đầy chông gai, thách thức của hành trình tìm đường cứu nước, ở Hồ Chủ tịch luôn bật dậy sự mẫn cảm, nhạy bén, cách xử lý đầy tính sáng tạo, khéo léo, kiên nhẫn và biết chờ đợi thời cơ để đạt cho được mục đích của mình. Chính những nỗi gian truân, vất vả, những thử thách khắc nghiệt trong những năm bôn ba tìm đường cứu nước ấy đã tôi luyện, hun đúc nên bản lĩnh chính trị của Hồ Chủ tịch.

Thứ ba, bản lĩnh chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện một cách cao đẹp, ngời sáng ở tấm gương về đạo đức cách mạng tận trung với nước, tận hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính chí công, vô tư. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, lúc nào, Bác cũng là một tấm gương ngời sáng về phẩm chất cao đẹp của người cộng sản. Người cho rằng: cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc. Người coi cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức chủ yếu của một con người như bốn mùa của trời (Xuân, Hạ, Thu, Đông), bốn phương của đất (Đông - Tây - Nam - Bắc). “Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người.” [11]

Thứ tư, bản lĩnh chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện một cách rõ nét ở tinh thần, thái độ công khai, thẳng thắn, dũng cảm trong đấu tranh phê bình và tự phê bình. Đối với Đảng ta, Người coi phê bình và tự phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là vũ khí để rèn luyện cán bộ, đảng viên. Người đã chỉ rõ: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.” [12].

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mỗi cán bộ tuyên giáo cần nghiên cứu sâu sắc hơn những nội dung tư tưởng đạo đức và bản lĩnh chính trị của Người, khắc sâu hơn tấm gương sáng ngời của người Cộng sản chân chính. Trước những khó khăn, thách thức của thời đại, trước những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, trước những cám dỗ vật chất tầm thường trong cuộc sống, mỗi chúng ta đều có thể tìm thấy ở tấm gương ấy, bản lĩnh ấy một bài học sâu sắc, bổ ích để soi lại mình, đồng thời, mỗi cán bộ tuyên giáo cũng tìm thấy ở Người nguồn khích lệ, động viên, thôi thúc để tiếp bước theo con đường cách mạng của Người đã chọn với niềm tin tất thắng.

Chúng ta hiểu vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: đối với các dân tộc phương Đông, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.”[13] Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt lên hàng đầu việc giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Người đã kiên trì đấu tranh chống lại nguy cơ xa rời cuộc sống, xa rời quần chúng, rơi vào thoái hóa biến chất của một đảng cầm quyền. Người nói: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước.” [14], “Muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì ?”.

Ngày nay, nhân dân ta cũng chân thành mong mỏi các đồng chí lãnh đạo các cấp của Đảng và Nhà nước ta, theo gương Bác Hồ, đều sẽ là những tấm gương mẫu mực về đạo đức, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư để cho toàn Đảng, toàn dân ta học tập và noi theo. Đó là nguyện vọng của nhân dân mà cũng là đòi hỏi bức thiết của đời sống đạo đức, của sự nêu gương; cũng là yêu cầu của thực tiễn đấu tranh dân tộc và giai cấp ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, đẩy lùi sự tha hóa, biến chất về đạo đức lối sống, giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, phải bắt đầu từ những người có chức, có quyền. Họ phải gương mẫu từ việc nhỏ đến việc lớn, từ lời nói đến việc làm, từ phong cách đến lối sống, như Đảng ta đã nói, có liên quan đến sự sống còn của chế độ, độc lập và an ninh của Tổ quốc. Người lãnh đạo phải là người kiểu mẫu về đạo đức, văn hoá và thực hành văn hoá đạo đức. Điều này có tác dụng nêu gương và là chỗ dựa cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo noi theo để rèn luyện bản lĩnh chính trị của mình.

Trong điều kiện hiện nay, phẩm chất, bản lĩnh chính trị của cán bộ tuyên giáo vẫn phải được đặt lên hàng đầu, đó là tiêu chuẩn quan trọng và quyết định chất lượng công tác tuyên giáo của Đảng. Để hướng đến có một đội ngũ cán bộ tuyên giáo quận, huyện chuyên nghiệp, có đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực, nắm bắt được những yêu cầu của nghề nghiệp và thời đại, có đủ tài, đức và ý chí để thiết kế và tổ chức tư tưởng cho xã hội; để hiện thực hoá những kế hoạch của tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trên mọi lĩnh vực, đảm bảo thực hiện có kết quả những mục tiêu: chủ động, tích cực bám sát thực tiễn; phân tích kịp thời, dự báo chính xác tình hình, đề ra được định hướng tư tưởng đúng; giữ vững và phát huy thế chủ động, sáng tạo, gia tăng tính thuyết phục, sự đồng thuận của nhân dân. Làm cho toàn Ðảng, toàn dân nắm vững, nhất trí cao với mục tiêu, nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới, kiên trì lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội… thì cấp uỷ các quận, huyện, ngành Tuyên giáo và bản thân đội ngũ cán bộ tuyên giáo Thành phố cần phải tiến hành đồng bộ những giải pháp nói trên. Các giải pháp này, theo chúng tôi, hiện nay đó là then chốt, “nếu không thế thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy lộn” – đúng như điều Lênin từng căn dặn, cảnh báo chúng ta.

Rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ tuyên giáo quận, huyện ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay bằng những giải pháp cơ bản nói trên sẽ tạo nên đội ngũ cán bộ tuyên giáo vững vàng về chính trị, đủ tư cách kế tục và tiếp nối truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm của Thành phố và thực hiện nghiêm túc chuẩn mực đạo đức cán bộ của Ngành: “Trung thành, nhân ái, sáng tạo, hiệu quả”, hướng tới hình thành được các nhà chính trị chuyên nghiệp, phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng con người ở nước ta. Đồng thời đảm bảo cho TPHCM tiếp tục là nơi đi đầu trong cả nước trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ… giữ cho thành phố có sức lan toả mạnh mẽ, trở thành điển hình cho cả nước, được bạn bè quốc tế trân trọng và đánh giá cao, và thể hiện bản chất của một Thành phố anh hùng, Thành phố nghĩa tình, xứng đáng với Thành phố mang tên Bác – thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh và hiện đại.r



[1] Những nhiệm vụ bức thiết của phong trào chúng ta. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, t.4, tr.473.

[2] Bệnh ấu trĩ “tả khuynh” trong phong trào cộng sản. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t.41, tr.80-81.

[3] Về việc xây dựng lại công tác của Hội đồng bộ trưởng dân uỷ. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t.44, tr.452.

[4] Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương (2002), Tài liệu tham khảo phục vụ nghiên cứu, học tập các nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.209.

[5] V.I. Lênin (1977), Toàn tập, tập 41, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, tr. 362.

[6] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.4.

[7] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.21.

[8] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.22.

[9] C.Mác, Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr18.

[10] Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia - Viện Chính trị học (2009), Chính trị học - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị- Hành chính, Hà Nội, tr. 340.

[11] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nộ, tr.631.

[12] Sđd, tr. 261

[13] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.263.

[14] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.552, 253.


Lê Văn Cường
Ban Tuyên giáo quận 12 – TPHCM.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất