CÁC GIÁ TRỊ CỐT LÕI
Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 (Đề cương) đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó đã xác định đúng phạm vi, tính chất, nội hàm của văn hóa. Ngay trong phần đặt vấn đề của Đề cương đã nêu rõ: “Văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật”. Cụm từ “bao gồm cả” cho thấy văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, trong đó bao chứa những thành tố cơ bản là tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Việc lựa chọn, xác định phạm vi của văn hóa ngay trong phần “Cách đặt vấn đề” của Đề cương cho thấy tầm quan trọng của tư tưởng, học thuật và nghệ thuật đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; với vận mệnh nước nhà và công cuộc vun đắp nền văn hóa mới phong phú, giàu bản sắc.
Trong phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm ra đời Đề cương, Tổng Bí thư Trường Chinh nhấn mạnh: “Đề cương đi thẳng vào vấn đề văn hóa. Đó là lĩnh vực phản ánh toàn bộ đời sống xã hội vào ý thức của con người, thể hiện phong phú trên các mặt: tư tưởng, học thuật và nghệ thuật”(1). Như vậy, tư tưởng, học thuật, nghệ thuật là ba thành tố cơ bản, thuộc về văn hóa được lựa chọn để nhấn mạnh, bàn thảo trong Đề cương, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của tình hình cấp bách lúc bấy giờ. Đến nay, cả ba thành tố đó vẫn là những yếu tố hạt nhân, có mối quan hệ, gắn bó, chi phối, bổ sung và thẩm thấu lẫn nhau, cấu thành nền văn hóa dân tộc.
Trong điều kiện đất nước bị thực dân đế quốc đô hộ, những người mác-xít đặt mục tiêu lật đổ giai cấp thống trị và giành chính quyền về tay nhân dân lên hàng đầu. Đấu tranh giành lại nền độc lập dân tộc trở thành giá trị chung của cả dân tộc - điều kiện tiên quyết để nhân dân ta xây dựng nền văn hóa mới.
Vào các năm 1941-1942, trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa xuất hiện nhiều khuynh hướng phức tạp và phản động. Phát xít Nhật tích cực tuyên truyền cho các thuyết Đại Đông Á - lôi kéo một bộ phận trí thức tham gia vào bộ máy tuyên truyền đề cao Nhật. Thực dân Pháp cũng tích cực hoạt động mua chuộc và lừa bịp giới quan lại, công chức, trí thức, sinh viên thân Pháp hạn chế ảnh hưởng của Nhật, ngăn chặn nhân dân ngả theo cách mạng. Tầng lớp trí thức bị dao động, phân liệt. Một bộ phận lộ rõ bản chất phản động cam tâm làm tay sai cho Nhật, Pháp. Một bộ phận đi theo cách mạng. Một bộ phận lừng chừng đề cao tư tưởng phong kiến phục cổ, mê tín dị đoan, thần bí, cải lương tư sản. Có bộ phận công khai xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin.
Nhằm đả thông tư tưởng, “thức tỉnh” người nghệ sĩ, trí thức, vấn đề tư tưởng đã được đặt ra trong Đề cương nhằm “tranh đấu về học thuyết, tư tưởng... làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng”(2). Việc xác định rõ lập trường tư tưởng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam cho quá trình vận động, phát triển của đất nước cũng như mục tiêu hướng đến của toàn dân là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sẽ góp phần “chống lại văn hóa phát xít phong kiến, thoái bộ, nô dịch, văn hóa ngu dân và phỉnh dân. Phát huy văn hóa tân dân chủ Đông Dương”(3).
Trong ba yếu tố tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, tư tưởng là vấn đề trọng tâm, hạt nhân của nền văn hóa. Bởi tư tưởng liên quan đến thế giới quan, nhận thức, tình cảm, thái độ, cách ứng xử của con người trước những vấn đề của tự nhiên, xã hội.
Cùng với tư tưởng, học thuật cũng là yếu tố được đặc biệt nhấn mạnh. Dưới chính sách cai trị của thực dân, phát xít và phong kiến tay sai, đời sống nhân dân vô cùng khổ cực. Trong tình cảnh đó, đại đa số người dân Việt Nam mù chữ, không được đến trường. Vì không biết chữ dẫn đến ý thức về bổn phận, trách nhiệm của người dân đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc còn nhiều hạn chế; việc tuyên truyền, tập hợp, cổ vũ, động viên tinh thần nhân dân gặp nhiều khó khăn. Do đó vấn đề học thuật, nâng cao trình độ dân trí, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại được đặt ra cấp thiết. Nhiệm vụ khai dân trí được đặt lên vai của những người làm cách mạng và là sứ mệnh, trọng trách của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Đề cương đề ra những nhiệm vụ cần kíp lúc bấy giờ, đó là: Tranh đấu về tiếng nói, chữ viết. Thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói. Ấn định mẹo văn ta. Cải cách chữ quốc ngữ. Tuyên truyền và xuất bản. Chống nạn mù chữ.
Nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa quan trọng của vấn đề học thuật, Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức các cuộc vận động, các phong trào xây dựng đời sống mới, thành lập Hội Văn hóa cứu quốc, góp phần nâng cao trình độ nhận thức của nhân dân. Với tinh thần, quyết tâm cao, một tuần lễ sau ngày tuyên bố Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ. Trong vòng hơn một năm, hai triệu người vốn bị mù chữ đã biết đọc, biết viết.
Bên cạnh yếu tố tư tưởng, học thuật thì nghệ thuật được xác định là bộ phận đặc biệt nhạy cảm, tinh tế của văn hóa. Nếu học thuật liên quan trực tiếp đến công tác giáo dục, đào tạo, đến việc trao truyền thi thức, nâng cao dân trí, thì nghệ thuật là một biểu hiện sinh động, phong phú của đời sống văn hóa, thể hiện những khát vọng của con người về chân, thiện, mỹ. Trải qua thời gian và những sáng tạo không ngừng nghỉ của các thế hệ người dân Việt Nam đã kết tinh thành những giá trị độc đáo, tạo thành bản sắc văn hóa dân tộc. Sức mạnh của những tác phẩm nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục, hình thành nhân cách, lối sống tốt đẹp cho con người.
Nhấn mạnh đến 3 thành tố đặc biệt quan trọng của văn hóa: Tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, Đề cương cũng đã đề ra 3 nguyên tắc vận động để xây dựng nền văn hóa mới, đó là: Dân tộc, khoa học và đại chúng - ba phương châm mang tính bao trùm của một nền văn hóa mới; có vai trò định hướng, xác lập nguyên tắc hoạt động.
|
Khi cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc đang trở thành vấn đề cấp thiết số một thì nguyên tắc Dân tộc hóa là “chống mọi ảnh hưởng nô dịch, thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”; đưa văn hóa trở về với đại chúng, vì đại chúng, phục vụ đại chúng, thiết thực với quảng đại quần chúng. Khoa học hóa là để đánh đổ mọi nhận thức sai lầm về con đường phát triển của xã hội “chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”. Đại chúng hóa là chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đại chúng hoặc xa rời quần chúng. Việc luận giải các nguyên tắc này của Đề cương nghiêng về phía chính trị cũng là tất yếu, bởi nhiệm vụ cứu quốc được đặt ra hàng đầu.
Có thể khẳng định, ba thành tố (Tư tưởng, học thuật, nghệ thuật) và ba nguyên tắc (Dân tộc, khoa học, đại chúng) đều có mối quan hệ biện chứng, thẩm thấu và bổ sung lẫn nhau để tạo nên một nền văn hóa thấm đẫm tinh thần dân tộc; học thuật phải mang tính khoa học, chống lại những gì phản tiến bộ, những cái lạc hậu, bảo thủ, đồng thời không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Nghệ thuật phải thấm đẫm tinh thần nhân dân (đại chúng), phản ánh tâm tư, tình cảm và những mong ước, khát vọng của nhân dân.
SỰ KẾ THỪA VÀ BỔ SUNG, PHÁT TRIỂN
Kế thừa những quan điểm, định hướng về xây dựng, phát triển nền văn hóa mới Việt Nam được đề cập trong Đề cương, Đảng ta đã không ngừng bổ sung, phát triển nhiều quan điểm mới, làm sâu sắc thêm nội hàm, phạm vi các lĩnh vực thuộc văn hóa cũng như vai trò của văn hóa trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ra đời trong bối cảnh đặc biệt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng phải lui về hoạt động bí mật, Đề cương không thể đề cập đến mọi lĩnh vực, mọi vấn đề của văn hóa, tuy nhiên, đúng như Tổng Bí thư Trường Chinh trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày ra đời Đề cương đã nhấn mạnh: Đề cương văn hóa Việt Nam không dài, có nhiều hạn chế, vì trong hoàn cảnh bí mật, Trung ương chưa đủ điểu kiện nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hóa Việt Nam… Nhưng Đề cương văn hóa đã thu tóm được những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện đó của cách mạng Việt Nam.
Như vậy, Đề cương về Văn hóa Việt Nam dù mang tầm nhìn chiến lược và cho đến nay vẫn chứng tỏ sức sống, nhưng cũng không tránh khỏi những bất cập ở một số vấn đề như: xác định phạm vi đối tượng, lĩnh vực hoạt động của văn hóa, những nét đặc thù của khái niệm cũng như trong đánh giá di sản, xác định tính chất hoặc phân kỳ lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa dân tộc v.v… Điều ấy hoàn toàn có thể hiểu được, bởi trong những điều kiện hoạt động cũng như mặt bằng lý luận nói chung lúc bấy giờ còn có nhiều hạn chế… đã không cho phép Đề cương đi sâu vào những vấn đề chuyên môn. Mặt khác, khi vận dụng các quan điểm của Đề cương vào thực tiễn không phải không có những bất cập, thậm chí sai lầm. Chẳng hạn như, khi nói về hệ giá trị của văn hóa, trong thực tiễn đã xảy ra những cách hiểu lệch lạc về ba phương châm lớn khi xây dựng phong trào hay tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống; trong hội nhập và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; trong xây dựng môi trường văn hóa bình đẳng, đa dạng của cộng đồng các dân tộc và xây dựng con người... Đó là một thực tế cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và giải quyết những vấn đề của chính văn hóa trong quá trình phát triển. Bên cạnh đó, cũng phải nhận thấy đây là một bản Đề cương, một chương trình, kế hoạch hành động mang tính chất cương lĩnh của một tổ chức chính trị ở một lĩnh vực vốn rộng về phạm vi, phong phú về nội dung. Vì thế, mọi vấn đề không phải là “nhất thành bất biến”, lệ thuộc một cách giáo điều, mà cần coi đó là cơ sở nền tảng, định hướng căn bản để phát triển, sáng tạo và hành động.
Nhìn lại những quan điểm lớn của Đảng về văn hóa mới thấy hết những minh triết của cách tiếp cận vấn đề, tính thực tiễn và khoa học từ những luận điểm được nêu ra trong Đề cương. Bao trùm lên tất cả là tính chất cách mạng, thái độ nhất quán và những nguyên tắc của Đảng về một nền văn hóa mới, được định hướng ngay từ khi nó chưa được xác lập, chưa thật rõ hình hài, nhưng đã được khẳng định và đáp ứng được yêu cầu lớn của một cuộc cách mạng xã hội vì dân tộc, vì nhân dân. Chính vì thế, những tư tưởng lớn, những định hướng quan trọng đã bám rễ vào đời sống. Trong các giai đoạn cách mạng, những bất cập trong chỉ đạo thực tiễn - xem nhẹ vai trò của văn hóa, những nhận thức chưa “tới tầm” về tính đại chúng, văn hóa quần chúng hay bảo tồn di sản văn hóa... đã từng bước được “nhận thức lại” và giải quyết đúng. Vấn đề lớn nhất hiện nay là nhận thức về bản thể của văn hóa, về vấn đề con người vẫn còn những điểm “nghẽn”, khi mà quan điểm chỉ đạo ở không ít nơi vẫn khiên cưỡng - nghiêng về khía cạnh chính trị nhiều hơn.
Nếu Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 được coi như Cương lĩnh thứ nhất của Đảng về văn hóa, thì Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết Trung ương 33 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”là những cương lĩnh mới của Đảng về văn hóa trên cơ sở tiếp nối, phát triển nhiều luận điểm quan trọng của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943. Theo đó, về phạm vi, nội hàm của văn hóa, Nghị quyết Trung ương năm khóa VIII đã bổ sung thêm các lĩnh vực: Tư tưởng, đạo đức, lối sống; di sản văn hóa; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; văn học, nghệ thuật; thông tin đại chúng; giao lưu văn hóa với thế giới; thể chế và thiết chế văn hóa. Nghị quyết số 33-NQ/TW nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của nhân tố con người - chủ thể sáng tạo, xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc; đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới...
Phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Văn hoá là một phạm trù rất rộng, có thể được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau với nhiều cách tiếp cận khác nhau... Nhưng dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hoá là nói đến những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ”.
Như vậy, tùy thuộc vào bối cảnh, tình hình khách quan và thực tiễn phát triển của đất nước, Đảng ta đã không ngừng đổi mới tư duy nhằm hoàn thiện hệ thống lý luận về xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa truyền thống và sức mạnh con người Việt Nam để hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Dù hiện thực có nhiều đổi thay nhưng những tư tưởng, quan điểm mang tính định hướng được đề cập trong Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn là những tư tưởng nền tảng, soi đường cho sự vận động, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh hiện nay./.
TS. CAO VĂN CHÓNG
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương
__________________
(1) Bốn mươi năm Đề cương văn hóa Việt Nam, Nxb. Sự thật, H, 1985, tr.12.
(2) (3) Văn kiện của Đảng và Nhà nước về văn hóa, văn nghệ, Nxb. Sự thật, H, 1970, tr.11, 11.