Thứ Bảy, 23/11/2024

Phát huy truyền thống văn hóa, con người An Giang - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân cùng đoàn công tác thăm nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng tháng 4-2021 (Ảnh: THU THẢO)

Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân cùng đoàn công tác thăm nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng tháng 4-2021 (Ảnh: THU THẢO)

 

Phát biểu tham luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại điểm cầu tỉnh An Giang vào sáng 24/11/2021, đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang khẳng định “Trong những năm qua, An Giang đã tích cực triển khai quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, đồng thời thực hiện một số giải pháp bảo tồn và phát huy thế mạnh, đặc trưng văn hóa An Giang”.

VÙNG ĐẤT GIÀU TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA

Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang nhấn mạnh: An Giang – Quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tỉnh giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, với biên giới dài gần 100km giáp Vương quốc Campuchia. Là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo, nơi khởi nguồn của Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer cùng chung sống hòa thuận lâu đời, từ đó hình thành những giá trị văn hóa phong phú, với nhiều lễ hội dân gian, các làng nghề truyền thống và các công trình kiến trúc độc đáo. Tính đa dạng về văn hóa là một trong những thế mạnh của hệ giá trị sinh thái nhân văn, tạo nên nét đẹp rất riêng của nền văn hóa tâm linh địa phương và của từng dân tộc tại An Giang.

Đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang phát biểu tham luận tại Hội nghị (điểm cầu An Giang)

Đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang phát biểu tham luận tại Hội nghị (điểm cầu An Giang)

Đây là vùng đất hào hùng với truyền thống chống giặc ngoại xâm, là vùng bán sơn địa thuộc tiểu vùng Tây Nam Bộ, với nhiều huyền thoại. Cùng với bề dày lịch sử, An Giang vinh dự, tự hào là quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nơi có dãy Thất sơn hùng vĩ, tỉnh đầu nguồn của dòng Cửu Long cuồn cuộn đổ về đông. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ với trận chiến tại Đồi Tức Dụp, được mệnh danh “Ngọn đồi 2 triệu đôla” của giai đoạn này, như biểu tượng của chủ nghĩa “Anh hùng cách mạng”. Chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978, đã để lại bài học quan trọng về thế trận lòng dân, về quốc thể thiêng liêng, về nghĩa vụ quốc tế cao cả với nước bạn láng giềng.

Bức tranh sơn thủy ấy tạo nên cảnh thiên nhiên kỳ vỹ, hội tụ trong không gian văn hóa độc đáo, là nguồn cảm hứng sáng tạo, làm nên tên tuổi của nhiều văn nghệ sỹ, như: Lê Văn Thảo, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức; nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nhà thơ Viễn Phương… 

An Giang có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú với 88 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và khu di tích khảo cổ Óc Eo), 28 di tích cấp quốc gia và 58 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, An Giang còn có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể rất đặc sắc, đa dạng của cộng đồng các dân tộc với trên 160 lễ hội truyền thống, chứa đựng những giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa,... tạo thành nét độc đáo, đặc sắc riêng của mỗi dân tộc. Tiêu biểu như: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia) và lễ hội đua bò Bảy Núi (vào dịp Tết Sen Dolta của người Khmer nam bộ) được cộng đồng cư dân hưởng ứng mạnh mẽ, tạo nên nét đẹp văn hóa và là điểm du lịch nổi tiếng trong khu vực và cả nước. Đặc biệt, An Giang đang đề nghị công nhận Khu di tích khảo cổ Óc Eo là di sản thế giới. Đây là nguồn tài nguyên văn hóa vô giá, chứa đựng những giá trị tốt đẹp của các dân tộc trên vùng đất An Giang nói riêng và Nam bộ nói chung. 

Tính hấp dẫn của văn hóa tại An Giang còn được kết tinh trong những ngành nghề, làng nghề truyền thống như: “lụa lãnh Mỹ A” (Tân Châu), dệt chiếu, dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Chăm; làng nghề mộc (Chợ Thủ - Chợ Mới) nổi tiếng với bề dày lịch sử hơn 200 năm.

PHÁT HUY NHÂN TỐ CON NGƯỜI TRONG PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

An Giang chú trọng khai thác, phát huy nhân tố con người trong phát triển văn hóa, xem đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội. Cùng với những đức tính cao đẹp của dân tộc ta, người dân An Giang với lòng nhân ái, trọng đạo nghĩa; chân chất, giản dị trong ứng xử và cuộc sống... đã tạo nên ý thức cộng đồng, gắn kết giữa cá nhân - gia đình - xã hội thành một khối đoàn kết, một sức mạnh nội sinh quan trọng trong suốt quá trình hội nhập và phát triển. Đồng thời, xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực, mục tiêu của phát triển; phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định biên giới. 

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã trở thành một địa điểm lưu niệm quan trọng về Bác, đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ - thể dục thể thao của người dân An Giang trong các ngày lễ hội và các ngày lễ lớn của đất nước. Những hoạt động diễn ra ở đây mang tính chất thường kỳ, có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục truyền thống sâu sắc, nhất là đối với thế hệ trẻ. Từ cuối tháng 7 đến hết tháng 8, rất nhiều đoàn thể, địa phương, đơn vị tổ chức về nguồn, ôn lại truyền thống lịch sử quê hương và cuộc đời cách mạng, tấm gương mẫu mực của Bác Tôn; tham quan Khu lưu niệm, chơi trò chơi dân gian, vẽ tranh...

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã trở thành một địa điểm lưu niệm quan trọng về Bác, đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ - thể dục thể thao của người dân An Giang trong các ngày lễ hội và các ngày lễ lớn của đất nước. Những hoạt động diễn ra ở đây mang tính chất thường kỳ, có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục truyền thống sâu sắc, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Trong những năm qua, An Giang đã tích cực triển khai quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, đồng thời thực hiện một số giải pháp bảo tồn và phát huy thế mạnh, đặc trưng văn hóa An Giang đó là:

Thứ nhất, đã tập trung trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa; lập kế hoạch trùng tu di tích cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025; đề xuất Trung ương hỗ trợ trùng tu các di tích cấp quốc gia. Đặc biệt, nhân dân đã đóng góp kinh phí cùng với nhà nước trùng tu 69 đình làng, nhằm bảo tồn, gìn giữ các thiết chế văn hóa truyền thống làng xã của địa phương.

Thứ hai, tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nhất là di sản văn hóa và văn hóa truyền thống các dân tộc, thông qua nghiên cứu, đề nghị xếp hạng di tích, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và thế giới; tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Chăm, Khmer hàng năm; chú trọng quản lý, tổ chức lễ hội trang trọng, tiết kiệm, phù hợp thuần phong mỹ tục. Một số lễ hội lớn như: Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Lễ hội Kỳ Yên đình Thoại Ngọc Hầu, lễ giỗ Đức Quản cơ Trần Văn Thành… được tổ chức chu đáo, quy mô, trang trọng; phần hội diễn ra phong phú, hấp dẫn, tạo được sức lan toả, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống. 

Thứ ba, để phát huy nguồn lực văn hóa, An Giang đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua các hoạt động văn hóa đối ngoại, kết hợp tổ chức các sự kiện văn hóa; tham gia giao lưu nghệ thuật, triển lãm thương mại, văn hóa - du lịch trong nước và quốc tế. Đặc biệt, An Giang đẩy mạnh phong trào văn hóa - văn nghệ vùng biên giới để cải thiện, phát huy đời sống văn hóa trong đồng bào dân tộc, tăng cường quan hệ hữu nghị với Vương quốc Camphuchia, đồng thời giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo các dân tộc tỉnh AG ra thế giới.

Thứ tư, tận dụng nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng với nhiều danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật, nơi ghi lại dấu ấn, chiến tích hào hùng của dân tộc như: như núi Sam, núi Cấm, Khu di tích Miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Hang, chùa Tây An, Đồi Tức Dụp, Khu di tích Nhà mồ Ba Chúc... đẩy mạnh khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa để quãng bá, thu hút du khách đến địa phương thông qua các tour, tuyến du lịch, tổ chức các lễ hội, góp phần quãng bá các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, giải quyết việc làm và phát triển bền vững.

Thứ năm, đã lập quy hoạch, đề án phát triển dài hạn các loại hình văn hóa, nghệ thuật như: Quy hoạch phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Đề án bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021… Đồng thời ban hành nhiều quy định, quy chế quản lý di sản văn hóa và tổ chức lễ hội, từng bước đưa hoạt động quản lý và bảo vệ di sản văn hoá đi vào nề nếp.

Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển vùng đất miền biên viễn, An Giang đang chuẩn bị đón 190 năm thành lập tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng của Nhân dân và trên nền tảng “Phát huy truyền thống văn hóa, con người An Giang - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang quyết tâm phấn đấu, đoàn kết một lòng, xây dựng quê hương Bác Tôn ngày càng giàu đẹp – văn minh!

Trường Giang

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất