Chủ Nhật, 12/5/2024

Đội ngũ lý luận, phê bình cần phát huy vai trò kết tinh, hội tụ, truyền thống văn hóa, tư tưởng, tiếp thu tinh hoa nhân loại, phát triển nền văn nghệ nước nhà

Đồng chí Lại Xuân Môn mong rằng, đội ngũ văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động văn học, nghệ thuật hãy đắm mình vào thực tiễn sinh động của đất nước hôm nay. (Ảnh: TA)

Đồng chí Lại Xuân Môn mong rằng, đội ngũ văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động văn học, nghệ thuật hãy đắm mình vào thực tiễn sinh động của đất nước hôm nay. (Ảnh: TA)

Hội thảo do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) Trung ương tổ chức tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu.Ban tổ chức đã nhận được 94 tham luận của các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cả nước; đại diện cơ quan quản lý văn học, nghệ thuật; các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành…

VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT ĐỒNG HÀNH SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC

Đồng chí Lại Xuân Môn đánh giá Hội thảo là hoạt động thiết thực, bổ ích góp phần cụ thể hóa những định hướng và nội dung quan trọng của Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, được tổ chức vào ngày 24/11/2021. Đồng chí hoan nghênh, phấn khởi khi Hội thảo nhận được sự tham gia đông đảo của đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, nhà nghiên cứu, khoa học trên cả nước đã quan tâm, gửi tham luận, đóng góp ý kiến cho Hội thảo.

Nghị quyết số 23, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khóa X “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”đã khẳng định: văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Đồng hành cùng lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng hàng nghìn năm của dân tộc ta, văn học, nghệ thuật nước nhà đã bền bỉ sáng tạo, bồi đắp bản sắc văn hóa, lương tri và phẩm giá dân tộc. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc trong thế kỷ XX, văn học, nghệ thuật đã trở thành một “binh chủng đặc biệt”, cùng tạo thành sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, lập nên những chiến công hiển hách, đi đến thắng lợi vẻ vang, thống nhất non sông, từng bước kiến thiết, dựng xây đất nước.

Phát huy truyền thống rất đỗi tự hào ấy, trong quá trình đổi mới đất nước suốt 35 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ đã hòa mình vào thực tiễn phong phú, sinh động của công cuộc đổi mới đất nước, chủ động đổi mới tư duy, quan niệm nghệ thuật và hình thức biểu đạt. Nền văn học, nghệ thuật tiếp tục dòng mạch chính là chủ nghĩa nhân văn và yêu nước, các nhà văn, nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, góp phần xây dựng nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn, cổ vũ khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hướng tới các giá trị Chân – Thiện – Mỹ, gìn giữ và phát huy các yếu tố tích cực, lành mạnh trong đời sống xã hội. 

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cũng thẳng thắn nhìn nhận, tuy nhiên, với tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm túc, chúng ta cũng cần thắng thắn thừa nhận, bên cạnh những nỗ lực và thành tựu đã đạt được, đời sống văn học, nghệ thuật còn tồn tại không ít bất cập, hạn chế, cả mặt yếu kém. Trên các diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, tuy số lượng tác phẩm ra đời nhiều nhưng còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Có những tác phẩm chưa khám phá, khắc họa và cắt nghĩa đầy đủ, đúng đắn ý nghĩa, chiều sâu, tính đại diện của thực tiễn đổi mới đất nước hôm nay, thiên về tô đậm mảng tối, mặt tiêu cực, thậm chí xuyên tạc lịch sử dân tộc...Không ít tác phẩmxa rời những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo những vấn đề nhỏ nhặt, tầm thường, nhạt nhẽo, chiều theo thị hiếu dễ dãi của một bộ phận công chúng, đề cao một chiều chức năng giải trí, hạ thấp chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ. Chúng ta không khỏi băn khoăn, lo lắng khi chứng kiến một bộ phận không nhỏ giới trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước đang có những biểu hiện thờ ơ, lạnh nhạt đối với những giá trị văn học, nghệ thuật truyền thống của cha ông, quay lưng với những sáng tạo có giá trị đích thực của các văn nghệ sĩ đương đại; một số người trẻ cuồng nhiệt, vồ vập săn đón những sản phẩm nghệ thuật mang nặng tính thương mại, giải trí đơn thuần, vô thưởng vô phạt, thậm chí nhảm nhí, lai căng. 

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: TA)

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: TA)

5 NHÓM VẤN ĐỀ GỢI MỞ CHO VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT

Đồng chí Lại Xuân Môn cũng chỉ ra 5 nhóm vấn đề có tính chất gợi mở của hội thảo đề cập đến nhiều phương diện, cấp độ khác nhau về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật với sự phát triển bền vững đất nước hôm nay. Với ánh sáng của lý tưởng thẩm mỹ tiến bộ, nhân văn, bằng tài năng, tinh thần trách nhiệm và thái độ nhập cuộc, dấn thân mạnh mẽ, mọi khía cạnh của hiện thực đời sống đều có thể trở thành những vấn đề có ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm nghệ thuật. Hiện thực không đồng nghĩa với chân lý nghệ thuật; nhưng chân lý nghệ thuật lại được kết tinh trên hành trình chiếm lĩnh chiều sâu hiện thực cuộc sống, khám phá thế giới tâm hồn phong phú vô tận của con người. Văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ đích thực không bao giờ quay lưng với những vấn đề lớn lao của đất nước và nhân dân. 

Thực tế những năm qua cho thấy, khi ở vào những hoàn cảnh đặc biệt, văn học, nghệ thuật đã hội tụ và lan tỏa mạnh mẽ truyền thống yêu nước, thương nòi, trở thành nguồn sức mạnh to lớn, củng cố sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Những tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về cuộc chiến cam go với “kẻ thù giấu mặt” trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19;… đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, lan tỏa niềm tự hào, tinh thần tự lực, tự cường và những tình cảm thiêng liêng, gắn bó, sẻ chia đến mọi tầng lớp nhân dân. Bên cạnh những vấn đề có tính thời sự, văn học, nghệ thuật những năm qua tiếp tục khẳng định được vai trò, chức năng vốn có, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài; tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thực tiễn sáng tạo và tiếp nhận vừa qua đã thêm một lần nữa khẳng định, công chúng luôn kiên trì chờ đợi và luôn công bằng với những giá trị thẩm mỹ, nhân văn đích thực.

Chiếm lĩnh, chiêm nghiệm, phản ánh và sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật về vấn đề quan trọng và cấp thiết của đất nước hôm nay, văn học, nghệ thuật luôn hướng đến mục tiêu cao nhất là nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn, lý tưởng, xây dựng nhân cách, lối sống con người Việt Nam thời kỳ mới với các phẩm chất cơ bản: đoàn kết, yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, cần cù, nhân văn, sáng tạo. 

Hiểu như thế để thấy, những ý kiến tại hội thảo rất đa dạng, phong phú nhưng cũng tập trung và thống nhất. Đồng thời, ngoài những vấn đề đặt ra tại hội thảo hôm nay, chúng ta cũng cần tập trung lý giải những vấn đề quan trọng khác. Đó là vấn đề sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử, về các cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, về đạo đức xã hội, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đang diễn ra cam go, đầy thử thách,… Những vấn đề quan trọng như thế tuyệt nhiên không phải là sự “áp đặt” hay “can thiệp” mang tính chính trị mà đó chính là nhu cầu tự thân, là sự thôi thúc có tính nội tại của nền văn nghệ hôm nay. Đất nước hòa bình, thống nhất đã gần nửa thế kỷ, hiện thực lớn lao và hết sức phong phú, sôi động của đất nước ta, nhân dân ta dường như vẫn chưa được nắm bắt, lý giải và sáng tạo một cách đúng mức, đúng tầm. 

ĐỀ CAO, PHÁT HUY HƠN NỮA KHÁT VỌNG CỦA ĐỘI NGŨ VĂN NGHỆ SỸ TRONG SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT

 “Tôi nhớ có nhà văn đã từng nói đại ý: đi đến tận cùng dân tộc, chúng ta sẽ gặp nhân loại. Hành trình khó nhọc nhưng đầy vinh quang đó chắc hẳn phải bắt đầu từ con người, hướng đến con người và vì con người Việt Nam đang ngày đêm miệt mài lao động, sáng tạo và góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp” – đồng chí Lại Xuân Môn chia sẻ. 

Đồng chí Lại Xuân Môn mong rằng, đội ngũ văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động văn học, nghệ thuật hãy đắm mình vào thực tiễn sinh động của đất nước hôm nay, phát huy mạnh mẽ trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của mình để khám phá và sáng tạo, không ngừng mở rộng phạm vi, chiều sâu chiếm lĩnh hiện thực; lý giải và cắt nghĩa sâu sắc những vấn đề mới, quan trọng, cấp thiết để nhân dân ta được thưởng thức nhiều hơn nữa những tác phẩm hấp dẫn, sâu sắc về nội dung tư tưởng, mới mẻ về hình thức. Bản lĩnh, vốn sống và tài năng của văn nghệ sĩ là nhân tố có ý nghĩa then chốt. Đồng thời, chúng ta cần đề cao và phát huy hơn nữa khát vọng của đội ngũ văn nghệ sĩ, để vươn tới những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, xứng tầm với cơ đồ, tiềm lực và uy tín, vị thế của đất nước ta, để phản ánh và xây dựng văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam trong thời đại mới. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật phải hướng tới bồi dưỡng tâm hồn, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, thấu hiểu sâu sắc lịch sử, văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại. 

Đông đảo văn nghệ sỹ, nhà nghiên cứu, nhà khoa học tham dự Hội thảo. (Ảnh: TA)

Đông đảo văn nghệ sỹ, nhà nghiên cứu, nhà khoa học tham dự Hội thảo. (Ảnh: TA)

Chung tay kiến tạo những giá trị nhân văn, chúng ta cũng cần nêu cao dũng khí bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái hay, cái đẹp, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái trong đời sống văn học, nghệ thuật, như: phủ nhận thành tựu văn nghệ cách mạng, xuyên tạc lịch sử, bôi đen hiện thực, đòi thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, đề cao và cổ súy những khuynh hướng sáng tạo lai căng, không phù hợp với thực tiễn hiện nay và truyền thống văn hóa dân tộc, đi ngược lại lợi ích của dân tộc và nhân dân ta… 

Thiết thực đưa Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng đi vào cuộc sống và bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hoá toàn quốc vào ngày 24/11, đồng chí Lại Xuân Môn đề nghị: 

Một là, các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với văn học, nghệ thuật, tạo thuận lợi tối đa cho đội ngũ văn nghệ sĩ yên tâm phấn đấu, sáng tạo.

Hai là, xây dựng các cơ chế cung cấp thông tin, lắng nghe ý kiến phản biện, đảm bảo cho văn nghệ sĩ hiểu rõ về quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm. 

Ba là, đội ngũ cán bộ tham mưu, quản lý lĩnh vực văn học, nghệ thuật phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, các hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật Trung ương và địa phương tổ chức nghiên cứu, tổng hợp những khó khăn, rào cản, từ đó kịp thời hoạch định cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả cho hoạt động sáng tạo và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đến với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế. 

Bốn là, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật, hệ thống cơ chế, chính sách khoa học, sát với thực tế, đảm bảo tự do sáng tạo, cải thiện điều kiện làm nghề, giải phóng và thúc đẩy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. 

Năm là, rà soát, bổ sung cơ chế đầu tư, tài trợ, đặt hàng, cơ chế khen thưởng, tôn vinh để tạo động lực và điều kiện đảm bảo cho các tác phẩm phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển trở thành dòng chủ lưu trong đời sống văn học, nghệ thuật.

Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề "Văn học, nghệ thuật với những vẫn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay" diễn ra đến hết ngày 15/12, tại Hà Nội.

Nhật Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất