Thứ Sáu, 22/11/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 19/3/2020 8:6'(GMT+7)

Lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông: những vấn đề lưu ý

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”; Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đổi mới chương trình, sách giao khoa giáo dục phổ thông”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thực hiện các bước đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông theo tinh thần “một chương trình chung thống nhất trong cả nước; mỗi môn học có một số SGK; thực hiện xã hội hoá việc biên soạn SGK”.

Cụ thể, Bộ đã ban hành các thông tư: 1) Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐT ngày 6-6-2017 quy định về tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình GDPT; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình GDPT. 2) Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22-7-2017 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. 3) Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 28-12-2018 quy định về chương trình GDPT, bao gồm chương trình tổng thể và 27 chương trình các môn học và hoạt động giáo dục.

Các thông tư trên là những khung pháp lý để tổ chức biên soạn, thẩm định SGK. Đến nay, Bộ đã tổ chức thẩm định thành công và ban hành Quyết định phê duyệt 45 đầu SGK của các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1, đảm bảo tiến độ triển khai chương trình GDPT mới trong năm học 2020-2021. Các SGK này có giá trị sử dụng như nhau, đảm bảo đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định.

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, nhằm tạo điều kiện cho việc lựa chọn SGK đảm bảo theo một quy trình cụ thể, khoa học, chọn được những sách phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở GDPT, ngày 30-1-2020, Bộ ban hành Thông tư số 01/2020 Hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở GDPT, trong đó quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn SGK; tổ chức và hoạt động của hội đồng lựa chọn SGK; quy trình lựa chọn SGK và công bố danh mục SGK được lựa chọn; trách nhiệm của các bên liên quan, các mốc thời gian cần đảm bảo... Theo đó, việc lựa chọn SGK sẽ do cơ sở GDPT thực hiện, với sự tham mưu góp ý kiến của giáo viên nhà trường, tổ chuyên môn, đại diện ban cha mẹ học sinh.

Như vậy, việc thực hiện “một chương trình chung thống nhất trong cả nước; mỗi môn học có một số SGK” đã giúp các bên liên quan có căn cứ và thuận lợi trong thực hiện việc biên soạn, thẩm định, lựa chọn SGK, đảm bảo tiến độ triển khai chương trình GDPT mới.

Các cơ sở GDPT gồm: trường tiểu học; trường trung học cơ sở; trường trung học phổ thông; trường phổ thông có nhiều cấp học; cơ sở giáo dục thực hiện chương trình GDPT.

Nhằm cung cấp những thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT; tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Quyết định của Chính phủ, cần lưu ý một số vấn đề cụ thể như sau:

Một là, nguyên tắc lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT

Chỉ lựa chọn trong danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng trong cơ sở GDPT (ví dụ, đối với lớp 1, chỉ được lựa chọn trong 45 đầu sách giáo khoa của các môn học và hoạt động giáo dục đã được thẩm định). Mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp, các cơ sở GDPT lựa chọn 1 đầu SGK, không nhất thiết phải lựa chọn theo cùng một bộ. Việc lựa chọn SGK phải đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Căn cứ Hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố sẽ quy định tiêu chí lựa chọn SGK phù hợp với cơ sở GDPT trên địa bàn.

 Hai là, quy trình lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT

Việc lựa chọn SGK sẽ do cơ sở GDPT thực hiện. Mỗi cơ sở GDPT thành lập 1 Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa (đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 Hội đồng). Hội đồng bao gồm: người đứng đầu cơ sở GDPT; cấp phó của người đứng đầu; tổ trưởng tổ chuyên môn; đại diện giáo viên dạy các môn học và hoạt động giáo dục có SGK được lựa chọn; đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở GDPT. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người, trong đó it nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.

Tổ chuyên môn sẽ tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK. Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn 1 đầu SGK cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn báo cáo hội đồng lựa chọn SGK danh mục SGK được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp. Trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất, hội đồng lựa chọn SGK của cơ sở GDPT sẽ họp, thảo luận, đánh giá SGK theo các nguyên tắc và tiêu chí lựa chọn. Hội đồng sau đó tiến hành bỏ phiếu kín lựa chọn SGK.

SGK được hội đồng lựa chọn phải đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý của thành viên. Trường hợp không đạt trên 1/2 số thành viên bỏ phiếu đồng ý lựa chọn, hội đồng thảo luận, phân tích các SGK với các tiêu chí lựa chọn và bỏ phiếu lựa chọn lại. Sau lần bỏ phiếu thứ hai, nếu vẫn không được trên 1/2 số thành viên bỏ phiếu đồng ý lựa chọn thì hội đồng quyết định lựa chọn SGK có số phiếu đồng ý cao nhất trong danh mục SGK do tổ chuyên môn báo cáo.

 Hội đồng lựa chọn SGK tiếp đó sẽ đề xuất với người đứng đầu cơ sở GDPT danh mục SGK đã được hội đồng lựa chọn. Trên cơ sở đề xuất của hội đồng, người đứng đầu cơ sở GDPT quyết định danh mục SGK sử dụng trong cơ sở GDPT. Danh mục này sẽ được công bố công khai trong cơ sở GDPT và niêm yết tại cơ sở này trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất 4 tháng. Cơ sở GDPT chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý giáo dục, học sinh, cha mẹ học sinh về quyết định lựa chọn SGK.

Ba là, các mốc thời gian thực hiện lựa chọn SGK

Để đảm bảo đồng bộ và kịp tiến độ triển khai chương trình GDPT mới, bắt đầu áp dụng đối với lớp 1 năm học 2020-2021, thì trước ngày 1-5-2020 cơ sở GDPT phải hoàn thành việc lựa chọn SGK; báo cáo kết quả với các cơ quan cấp trên, đồng thời thông tin tới các nhà xuất bản có SGK được lựa chọn.

Từ ngày 1-5-2020 đến ngày 30-6-2020, các cơ sở giáo dục và các địa phương phối hợp với nhà xuất bản có SGK được lựa chọn tiến hành tập huấn cho giáo viên sử dụng SGK lớp 1. Công tác này phải đảm bảo 100% giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021 được tập huấn trước khi triển khai năm học mới.

Từ ngày 1-5-2020  đến 30-8-2020, các nhà xuất bản tiếp nhận thông tin từ các địa phương về kết quả lựa chọn SGK, tiến hành lập kế hoạch xuất bản và phát hành SGK đầy đủ đến địa phương.

Từ ngày 1-7-2020 đến ngày 15-8-2020, các địa phương phối hợp với nhà xuất bản xây dựng phương án cung ứng SGK đầy đủ theo các môn học đến học sinh.

Từ ngày 5-8-2020 đến ngày 5-9-2020, các cơ sở 1-5-2020 chuẩn bị các điều kiện để khai giảng năm học 2020-2021 - năm đầu tiên triển khai chương trình SGK mới.

Bốn là, chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện, nhất là năm đầu tiên triển khai chương trình GDPT mới

Tạo điều kiện thuận lợi và động lực cho giáo viên nghiên cứu, khai thác tư liệu giáo dục, tìm hiểu thực tiễn vận dụng tốt vào giảng dạy; phát huy tính tích cực, chủ động tương tác giữa giáo viên và học sinh kết hợp với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về đổi mới chương trình, SGK

Qua đó tạo đồng thuận, thống nhất trong hành động; phát huy hiệu quả sự tham gia đóng góp của xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và cấp huyện, của sở giáo dục và đào tạo địa phương đối với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ./.

TS. Thái Văn Tài
Bộ Giáo dục và Đào tạo

TS. Lê Thị Mai Hoa
Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất