Thứ Tư, 30/10/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 7/11/2023 16:58'(GMT+7)

Giấc mơ có thật ở A Sau

Lớp học xóa mù ở A Sau.

Lớp học xóa mù ở A Sau.

Đường vào A Sau mùa này đương mùa hoa rừng, đường đến lớp học xóa mù của chị em thôn A Sau vì thế cũng rộn ràng hơn.Lớp học ở trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Túc lại sáng đèn. Điều hiếm thấy giữa miền biên viễn của xã Lìa, huyện Hướng Hóa, của tỉnh Quảng Trị. Trong lớp học xóa mù ấy, tiếng ê a, i tờ vang lên giữa đêm đen đặc của núi rừng Trường Sơn.

Những con chữ quen thuộc ngày nào cũng gặp nhưng không biết gọi tên đang được các chị em phụ nữ người dân tộc Pa Kô, Vân Kiều trinh phục. Từ lâu, dù khát khao học chữ nhưng một số người dân ở thôn A Sau chưa thể thực hiện mong ước đó của mình. Không biết chữ cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong cuộc sống của bà con.

Vượt qua sự ngượng ngùng, tuổi tác, các học viên đã quyết tâm học bằng được con chữ.

Trước thực tế ấy, lớp xóa mù chữ miễn phí do Phòng Giáo dục và Đao tạo Hướng Hóa kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức được người dân ở A Sau ví là ánh sáng chiếu rọi vào cuộc đời mình. Ánh sáng từ lớp học thôn A Sau đã và đang đem lại cho bà con ở niềm tin rằng, lớp học sẽ mở ra cánh cửa mới với nhiều niềm vui cho những người chưa biết chữ hoặc tái mù chữ. Ngày nào anh Hồ Văn Tem (46 tuổi) cũng đến lớp học sớm, dù ngày mùa còn vất vả.

Có hai lý do khiến anh gương mẫu, thứ nhất là khát khao được học chữ trong anh Tem quá lớn; thứ hai là vì anh được mọi người tín nhiệm bầu làm lớp trưởng. “Nếu mình không gương mẫu thì nói sẽ không có ai nghe. Mình sẽ cố biết đọc, biết viết thật sớm để phụ giúp cô kèm cặp các bạn khác trong lớp”, anh Tem hồn hậu nói.

Anh Hồ Văn Tem sinh ra và lớn lên ở đại ngàn phía Tây Quảng Trị. Trước đây, anh cũng được cắp sách đến trường nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên anh Tem đã phải dứt việc học quá sớm. Những lo toan trong cuộc sống, những ngày đi lương, đi rừng vất vả khiến cái chữ của anh Tem cũng rơi lại giữa rừng già.

Hành trình tự mình viết ra con chữ để thay đổi cuộc đời.

Giờ đây, anh Tem bắt đầu tìm lại anh sáng của chữ viết từ lớp học của Đoàn thanh niên. Trong lớp học, chị Hồ Thị Dới, dù đã lên chức bà nhưng vẫn khát khao được cắp sách đến lớp học. Chị Dới vượt qua sự ngại ngùng của những lần phải điểm chỉ vào những giấy tờ liên quan đến mình.

Trước đây, vì cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nên chị không được thỏa ước mơ học chữ. Sau này, khi đỡ vất vả hơn, chị Dới lại ngại ngần khi nhắc đến sự học do tuổi đã lớn.

Thế nhưng, khát khao tìm được mặt chữ trong đầu chị Dới chưa bao giờ mất đi. Khi biết thôn A Sau có lớp học, chị Dới địu theo cháu lên lớp. Cháu ngủ trên lưng bà, bà ê a tiếng i tờ đầu tiên trong đời.

Lớp học của chị Dới, anh Tem có 15 học viên. Mỗi thành viên có một lý do khác nhau khiến mình để rơi mất mặt chữ trên con đường mưu sinh vất vả. Thế nhưng, tất cả đều có điểm chung về niềm khát khao con chữ và hơn cả là học để giúp chính mình không còn ngại ngùng khi đi ra Khe Sanh, Đông Hà nhìn thấy chữ rất quen mà…rất lạ.

Từ những điều từng trải, ai nấy đều hiểu nỗi khó khăn khi không biết chữ. Vì thế, mọi người đều quyết tâm đi học dù phần lớn tuổi đã cao. Để đi học, họ đều gạt qua bên sự ngại ngần; sắp xếp công việc nhà cửa, chăm sóc con cháu; tập làm quen với những thứ tưởng chừng rất dễ mà lại là thử thách đối với mình như cầm ngòi bút, viên phấn…

Cô giáo Hồ Thị Tuyết bắt tay từng học viên tập nhưng con chữ ban đầu.

Trong lớp, một số học viên tuy bị khuyết tật vẫn nỗ lực đều đặn đi học hằng đêm. Viết được cái tên của mình ai cũng cười ngượng ngùng nhưng rất tự hào.

Cô giáo Hồ Thị Lam – giáo viên trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Túc – giáo viên trực tiếp đứng lớp xóa mù cho biết: “Các học viên ở lớp phần lớn là người lớn tuổi, quen với với cây cuốc, chiếc rựa hàng ngày rồi nên khi cầm phấn, bút, phần lớn thành viên trong lớp đều lóng ngóng. Chuyện nhớ mặt chữ sau, quên mặt chữ trước là điều rất bình thường.

Vì thế, các giáo viên dạy lớp xóa mù này phải rất kiên trì trong giảng dạy”. “Trước tiên, phải giúp mọi người biết mặt chữ trước, rồi chuyển sang học viết. Mỗi lần ai đó có sự tiến bộ dù rất nhỏ, các giáo viên cũng không quên khen ngợi, động viên. Vì thế, không khí học tập trong lớp luôn phấn khởi, hào hứng.

Tuy mới được mở nhưng lớp xóa mù chữ miễn phí ở thôn A Sau đã mang lại rất nhiều niềm vui cho cả người học lẫn người dạy”, cô giáo Hồ Thị Tuyết – Giáo viên lớp xóa mù ở thôn A Sau chia sẻ.

Các cô giáo ở lớp xóa mù cho biết, dù bận rộn công việc ngày mùa nhưng các học viên đều đến lớp chuyên cần, đúng giờ, đầy đủ. Trong giờ học, hiếm ai nói chuyện hay làm việc riêng. Tất cả thành viên trong lớp đều có sự tiến bộ nhanh chóng. Dù tuổi cao, việc nhận biết được con chữ cũng vất vả nhưng ai cũng quyết tâm, cô Tuyết cho biết.

“Đến nay, phần lớn các học viên đã có thể nhận biết được mặt chữ, biết ghép tên của mình và có thể cộng trừ thành thạo trong phạm vi 100”, cô giáo Hồ Thị Tuyết cho biết.

Cô giáo Hồ Thị Lam hướng dẫn học viên viết chữ.

Thầy Cáp Sơn Hòa, chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa cho biết: “Thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ tháng 4 năm 2023 đến tháng 8 năm 2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa phối hợp với Đồn Biên phòng, các địa phương mở lớp xóa mù chữ tại 5 xã vùng khó, biên giới  của huyện Hướng Hóa.

Không chỉ xóa mù chữ cho bà con, lớp học còn lồng ghép những nội dung tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Thực tế từ các lớp xóa mù trên địa bàn huyện Hướng Hóa cho thấy kết quả đạt được rất khả quan, chính vì vậy thời gian tới Phòng Giáo dục và Đào tạo Hướng Hóa sẽ tiếp tục điều tra đối với các thôn bản khác còn lại trên địa bàn xã, từ đó lập kế hoạch, mở các lớp xóa mù chữ tiếp theo. Ưu tiên cho phụ nữ và người lớn tuổi tham gia các lớp học này.”./.

Lại Cường

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất