Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 19/8/2019 10:7'(GMT+7)

Giải mã cơn sốt "Về nhà đi con"

Giải mã cơn sốt "Về nhà đi con" ảnh 1
Cha con ông Sơn trong "Về nhà đi con"
Truyền cảm hứng bởi những điều chân thực

Về nhà đi con được lấy cảm hứng từ phim Khi người đàn ông góa vợ bật khóc từng gây chú ý trên sóng VTV6 cách đây vài năm của đạo diễn Vũ Trường Khoa. Nhiều người vẫn quan niệm rằng đề tài về gia đình thì cũ kỹ, song với những gì Về nhà đi con đạt được đã minh chứng cho sự xuất sắc của ê kíp sáng tạo, sản xuất khi đưa vào phim những yếu tố mang hơi thở của cuộc sống hiện đại.

Phim không có yếu tố giật gân, câu khách nhưng lại thu hút người xem bởi những câu chuyện giản dị có thể xảy ra ở mọi gia đình. Phim rất đời. Yếu tố giúp bộ phim đời nhất phải kể đến là phần thoại của các nhân vật. Các diễn viên trong Về nhà đi con từ chính đến phụ, dù là ngôi sao nổi tiếng hay diễn viên quần chúng lướt qua màn hình đều thoại tự nhiên như hơi thở với nhiều ngôn ngữ đời thường, không bị cứng và giả như nhiều phim Việt từng mắc phải.

Trước Về nhà đi con, các câu thoại “chất lừ” của Người phán xử Phan Quân đã được chia sẻ mạnh mẽ, hay hình ảnh của những Phan Hải, Lương Bổng, Quỳnh “búp bê”, My “sói”... cũng lan truyền chóng mặt trong cộng đồng mạng. Nhưng phải sang đến Về nhà đi con, yếu tố tạo “trend” (trào lưu) mới thực sự được nâng lên tầm mới.

Có thời điểm cả Facebook phát cuồng với trào lưu “thanh xuân”, bắt nguồn từ câu thoại “thanh xuân như một ly trà” của em út Dương. Những câu thoại cực chất của Thư “Xính Lao”, của Dương “Tomboyloichoi”... cũng lan truyền chóng mặt và được dân mạng thuộc nằm lòng. Cứ thế, người xem vừa khám phá hành trình sống va chạm để trưởng thành, quỵ ngã rồi đứng lên… rất gần gũi, rất đời của các nhân vật. 

Bộ phim không đơn thuần chỉ giúp giải trí, mà hơn thế đã hình thành một sợi dây gắn kết các thế hệ, truyền tải những thông điệp ý nghĩa, nhân văn về tình cha con, chị em, tình bạn, tình yêu... Nói như vậy không có nghĩa là bộ phim quá hoàn hảo và không có “sạn”, thậm chí có những tình huống hơi quá như chỉ cần ký giấy, đưa sổ đỏ là mất luôn cái nhà, hay việc anh Khải vừa đập cửa gây rối chưa đầy 5 phút thì công an đã ập tới… Nhưng khi đã yêu thì những “sạn” đó chỉ là chuyện nhỏ, thậm chí còn làm rôm rả thêm tên gọi của Về nhà đi con trên các diễn đàn.

Cộng hưởng với cách truyền thông chuyên nghiệp

Không chỉ thế, ê kíp Về nhà đi con còn được khen ngợi về việc biết thu hút khán giả khi liên tục đăng những clip hé lộ tình tiết phim mới. Cùng với đó, những clip hậu trường làm phim rất thú vị cũng được hé lộ: cảnh nóng, cảnh tát, hoặc những hình ảnh hé lộ nội dung phim chưa phát sóng... khiến khán giả thích thú.

Cùng đó, một yếu tố góp phần tạo nên thành công của phim là nhà đài đã biết lắng nghe phản hồi của khán giả qua nhiều hình thức, nhiều nền tảng và phân tích các nhu cầu mong muốn của khán giả để điều chỉnh cách làm phim tốt hơn. Điều này đã được các nền công nghệ truyền hình tiên tiến trên thế giới áp dụng từ khá lâu, nhưng với Việt Nam thì đó vẫn đang là điều mới mẻ. 

Khi người xem chớm có biểu hiện thấy phim hơi lê thê, ngay lập tức, nhà sản xuất lại tung ra một tình huống cao trào hấp dẫn để giữ chân khán giả. Có đôi khi, các nhân vật trong phim gây ra phản ứng trái chiều thì cũng ngay lập tức, biên kịch lại lý giải các cảm xúc, hành xử của nhân vật một cách logic bằng những tập phim sau đó. Về nhà đi con cũng biết cách cân bằng nội dung, không quá sa đà vào yếu tố tạo mâu thuẫn, gây ức chế đỉnh điểm mà dễ gây ra những tác dụng ngược.

Nhờ đó phim tạo nên rating (lượt người xem) đột biến cho khung giờ dành cho phim truyền hình của VTV1. Chính vì ăn khách nên nhà đài cũng tranh thủ tận dụng “con gà đẻ trứng vàng” này mà chèn quảng cáo làm tăng thời lượng theo dõi bộ phim quá nhiều, khiến khán giả ức chế sau những cảnh quay hồi hộp, cuốn hút bỗng nhiên “tụt cảm xúc” vì phải xem quảng cáo. Đến mức, một bình luận vui nhận được sự đồng tình của số đông khán giả trên mạng xã hội về độ phủ sóng dày đặc của quảng cáo khung giờ vàng: “Đang xem quảng cáo hay thì VTV chèn phim Về nhà đi con vào”.

Quảng cáo trước phim, giữa phim chưa thỏa mà có những tập quảng cáo hơi thô lồng cả vào trong nội dung phim, bị khán giả la ó là “chiếm sóng”. Thế nhưng, người người, nhà nhà vẫn háo hức đón chờ từng tập và vì thế, mức giá quảng cáo trong phim tăng vù vù. Có thời điểm, các nhãn hàng đã chịu móc hầu bao tới 220 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo. 

85 tập phim khép lại, nhưng đó đồng thời cũng mở ra thách thức mới với người làm phim, là bao lâu nữa mới lại xuất hiện một “bom tấn” như vậy?

MAI AN/SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất