Thứ Ba, 26/11/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 7/5/2012 23:32'(GMT+7)

Giải pháp giảm tải cho các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh

 
Xây dựng các phòng khám vệ tinh

Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, các BV quá tải nhiều nhất là: Ung Bướu (công suất sử dụng giường bệnh là 247%), Chấn thương chỉnh hình (129,1%), Từ Dũ (126,3%), Nhi Ðồng 1 (123%), Hùng Vương (111,4%), Nhân Dân 115 (114%),... Vào BV Ung Bướu TP Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy được tình trạng quá tải trầm trọng từ khu khám bệnh đến khu điều trị nội trú. Tại khu khám bệnh, người bệnh chen chúc đứng, ngồi trong khuôn viên chật hẹp chờ đến lượt. Ngồi đợi đóng tiền khám bệnh, chị Nguyễn Kim Anh ở Long Xuyên, tỉnh An Giang cho biết: Tôi bị bướu cổ. Mỗi lần lên đây khám bệnh tôi đi từ nửa đêm, đến BV lúc hơn sáu giờ sáng nhưng số thứ tự đã là hơn 500. Ngồi đợi hơn hai giờ đồng hồ nhưng vẫn chưa được đóng tiền vào khám bệnh... Tại các BV Nhi Ðồng 1, Chấn thương Chỉnh hình, Chợ Rẫy... tình trạng người bệnh phải nằm hai, ba người một giường trở nên phổ biến. Khu điều trị nội trú BV Nhi Ðồng 1, bệnh nhi và người nhà nằm kín sàn nhà và cả hành lang. Chị Ngô Thị Thảo, ngụ tại Tân Bình, TP Hồ Chí Minh cho biết, con chị bị bệnh tay, chân, miệng nhập viện được ba ngày. Từ hôm vào viện, hai mẹ con chị phải ra hành lang để nằm vì trong phòng chật chội, bệnh nhi phải nằm ghép ba. Chị Thảo than thở: "Trời nóng nực, BV chật chội thế này, người không ốm cũng thành ốm. Ði BV sao mà cực thế!".

Trong khi các BV tuyến thành phố công suất sử dụng giường luôn hơn 100%, thì các BV quận, huyện công suất giường chỉ khoảng 60%, nhiều BV công suất sử dụng giường chưa đến 50%. Trước thực trạng này, TP Hồ Chí Minh đã triển khai xây dựng phòng khám vệ tinh của các BV chuyên khoa tại các BV quận, huyện, thực hiện theo công thức: đưa nhân lực, trang thiết bị về khám, chữa bệnh cho người bệnh ngay ở tuyến dưới. Dù mới được triển khai nhưng mô hình phòng khám vệ tinh bước đầu có hiệu quả tốt. BV quận Bình Tân là số ít BV tuyến quận, huyện có công suất giường bệnh từ 80 đến 100%. Riêng Phòng khám nhi mỗi ngày điều trị ngoại trú cho gần 200 trường hợp. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc BV quận Bình Tân, Nguyễn Văn Mười cho biết: Ðể chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân và giảm tải cho các cơ sở tuyến trên, BV phát triển phòng khám vệ tinh cho các BV Nhi Ðồng 1, Chấn thương Chỉnh hình, Bình Dân. Theo đó, bác sĩ các BV tuyến trên là người trực tiếp khám và chăm sóc cho người bệnh. Sau khi triển khai phòng khám vệ tinh, đơn vị thu hút thêm người dân tới khám và điều trị. Nếu quý I năm 2011, khi chưa triển khai mô hình phòng khám vệ tinh đơn vị chỉ thu hút 130 nghìn lươt khám và chữa bệnh, đến quý I năm nay, con số này đã tăng lên 150 nghìn lượt người. Khi các BV tuyến trên được giảm tải, chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân được nâng cao.

Từ hiệu quả này, nhiều BV tuyến thành phố đang phát triển các phòng khám vệ tinh. BV Ung Bướu có chuyên khoa tuyến giáp tại BV quận Bình Thạnh; BV Nhi Ðồng 1 mở khoa nhi tại BV Bình Tân, BV quận 2; BV Mắt mở phòng khám tại BV huyện Nhà Bè; BV 115 mở chuyên khoa tim tại BV quận 12; BV Chấn thương Chỉnh hình mở phòng khám tại BV An Bình...

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Ðể giảm tải cho các BV tuyến trên, cùng với triển khai các phòng khám vệ tinh, ngành y tế thành phố thực hiện cải tạo nâng cấp mở rộng các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, củng cố đầu tư bệnh viện quận, huyện. Thành phố cũng tiếp tục thực hiện Ðề án 1816 (đưa cán bộ tuyến trên về chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới) và triển khai mô hình bác sĩ gia đình cho năm BV tuyến quận, huyện. Cùng với việc ứng dụng công nghệ nhằm cải cách thủ tục hành chính, mới đây thành phố đưa vào sử dụng hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa. Các BV: Nhi Ðồng 1, Ung Bướu, Chấn thương Chỉnh hình tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho BV: Ða khoa Khu vực Củ Chi và BV Ða khoa tỉnh Ðác Lắc, An Giang và Nguyễn Ðình Chiểu (Bến Tre). Các BV tuyến trên hỗ trợ kỹ thuật chẩn đoán, điều trị cho các BV tuyến dưới thông qua hệ thống trực tuyến nhằm giảm lượng người bệnh tuyến dưới về tuyến trên. Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Phạm Việt Thanh cho biết: Sử dụng hệ thống chẩn đoán và chữa bệnh từ xa, bất cứ khi nào gặp ca bệnh khó, phức tạp, các bác sĩ tuyến cơ sở đều có thể nhận được hỗ trợ để có hướng chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Ðây là biện pháp để giảm số trường hợp chuyển viện, giảm tải cho các BV tuyến trên.

Một trong những giải pháp mang tính lâu dài là đầu tư xây dựng mới các BV, tăng số giường bệnh phục vụ người dân cũng đang được TP Hồ Chí Minh tích cực triển khai. Thành phố đã cho xây dựng các BV tại bốn cửa ngõ thành phố: BV Nhi Ðồng tại huyện Bình Chánh; BV Ða khoa Khu vực Củ Chi; mở BV Ða khoa Khu vực Hóc Môn; BV Ða Khoa khu vực Thủ Ðức. Ngoài ra, thành phố cũng cho xây dựng cơ sở hai cho các BV: Ung Bướu; Bình Dân; Chấn thương Chỉnh hình... Với quy mô từ 500 đến một nghìn giường bệnh, các BV cửa ngõ thành phố được kỳ vọng không chỉ khám, chữa bệnh cho người dân địa phương còn phục vụ người bệnh từ các tỉnh, thành phố chuyển về. Nhu cầu xây mới các BV trở nên bức thiết, nhưng đến nay nhiều dự án triển khai quá chậm. Sau năm năm có chủ trương, chưa có BV nào triển khai xây dựng, nhiều dự án còn vướng khâu giải phóng mặt bằng. Lý do được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đưa ra là việc trình duyệt đòi hỏi nhiều thủ tục và thời gian hơn; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư chậm do gặp khó khăn trong khâu xác định pháp lý nhà đất.

Mới đây UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung đẩy mạnh triển khai các dự án xây mới các BV, trong đó có các BV tại bốn cửa ngõ thành phố. Phấu đấu năm 2015 có tám công trình dự kiến hoàn thành, tăng thêm 4.300 giường bệnh (và thêm 700 giường của hệ thống y tế tư nhân). Ngành y tế thành phố cũng đang đẩy mạnh đào tạo nhân lực... Tuy nhiên, để đạt mục tiêu giảm tải được 70%-75% tình trạng quá tải ở các BV tại thành phố, không chỉ là công việc của ngành y tế mà cần có nhiều giải pháp đồng bộ với sự phối hợp tốt các đơn vị liên quan, hỗ trợ tích cực các cấp, các ngành.

 NGUYỄN NAM/Nhân Dân 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất