Thứ Ba, 26/11/2024
Sức khỏe
Chủ Nhật, 6/5/2012 17:2'(GMT+7)

Phòng tránh một số bệnh có nguy cơ bùng phát trong hè


Tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) thống kê bước đầu cho thấy, số lượng trẻ nhập viện tăng cao gấp 1,5 đến hai lần so với ngày thường. Số trẻ nhập viện đông nhất vẫn là bị tiêu chảy, sốt vi-rút và viêm đường hô hấp với các biểu hiện như: ho, sốt, ngạt mũi, khó thở. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày nắng nóng cũng tiếp nhận 2.500 đến 3.000 bệnh nhi đến khám do các bệnh: viêm họng, viêm phế quản, hen... cũng như các bệnh đường tiêu hóa.

Trong đợt nắng nóng này, tại khoa Khám bệnh của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, bệnh nhân vào khám tăng khá cao và chủ yếu do tăng huyết áp, bệnh mãn tính và các bệnh liên quan đến nắng nóng như say nắng, say nóng, suy nhược vì mất nước.

Theo các chuyên gia y tế, viêm não Nhật Bản B là bệnh thường bùng phát trong điều kiện thời tiết nắng nóng bất thường và để lại hậu quả và di chứng hết sức nặng nề cho trẻ. Được biết bệnh viêm não Nhật bản là một bệnh nhiễm trùng thần kinh gây dịch về mùa hè do một loại Arbovirut nhóm B gây nên. Bệnh lây qua vật trung gian là muỗi. Tỷ lệ tử vong cao ở bệnh viêm não Nhật Bản khá cao; nếu có chữa khỏi thì cũng để lại di chứng thần kinh nặng nề. Khi bị bệnh, trẻ sốt cao, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức rồi đi vào hôn mê nhanh chóng. Một số trường hợp có biểu hiện liệt thần kinh. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện trên, cần nhanh chóng đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị nhằm hạn chế tỷ lệ tử vong và di chứng sau này. Có thể phòng bệnh bằng cách: Giữ môi trường trong sạch, nhà ở thoáng mát, nằm màn khi ngủ; phun thuốc diệt muỗi và côn trùng; tiêm phòng vacxin viêm não cho trẻ.

Tiếp đến là bệnh tiêu chảy cấp là bệnh khá phổ biến trong mùa hè. Theo chuyên gia dịch tế tác nhân gây tiêu chảy có thể là vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn (lỵ, thương hàn, tả...) hoặc virút, nấm, ký sinh trùng đường ruột. Tiêu chảy cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 80% xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Tác nhân gây tiêu chảy thường gây bệnh bằng đường phân-miệng: Phân người bị tiêu chảy làm nhiễm bẩn thức ăn, nước uống này hoặc tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây. Do vậy dù tiêu chảy do bất cứ nguyên nhân nào cũng không bao giờ được dùng thuốc chỉ làm bệnh đỡ một cách giả tạo, chậm thải hồi tác nhân gây bệnh, rất nguy hiểm đến tính mạng. Cho trẻ uống nhiều nước như oresol, nước quả. Nếu trẻ bị tiêu chảy nhiều, hãy sớm đưa trẻ đến các trung tâm y tế để được xử lý bệnh sớm và đúng cách.

Nguyên nhân bệnh tiêu chảy cấp bùng phát trong dịp hè do thời tiết nắng nóng, thực phẩm rất dễ hư; ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến... cũng phát triển nhiều hơn càng dễ làm lây lan các mầm bệnh đường tiêu hoá; trẻ lại không ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm... nên dễ bị ngộ độc thực phẩm hơn bất cứ lứa tuổi nào. Khi bị nhiễm độc loại thực phẩm này, thời gian ủ bệnh rất ngắn, chỉ khoảng từ 30 phút đến 3 giờ sau bữa ăn. Biểu hiện chung là nôn, đau bụng từng cơn, tiêu chảy liên tục (trên 3 lần trong 4 giờ), phân lỏng sền sệt hoặc toàn nước có khi lẫn máu hoặc chất nhầy. Rối loạn điện giải, đôi khi kèm theo tức ngực, khó thở... Vi trùng gây bệnh hay gặp nhất là vi trùng đường ruột như tụ cầu vàng, lỵ amib... Ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm, vì nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Cách xử trí với ngộ độc thức ăn cũng giống như với bệnh tiêu chảy cấp.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm trùng cấp tính do siêu vi Dengue với đặc điểm lâm sàng là xuất huyết và truỵ tim mạch. Bệnh lây lan do muỗi đốt, vì thế thường gặp ở những nơi đông dân cư, vệ sinh môi trường kém. Tỷ lệ mắc bệnh bắt đầu tăng vào khoảng tháng 2-3, lên cao vào khoảng tháng thứ 6-10. Đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ em trong lứa tuổi 2-9 tuổi. Khi bị sốt xuất huyết trẻ thường sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, sau đó các triệu chứng xuất huyết dần xuất hiện. Xuất huyết có thể tự nhiên dưới dạng chấm, nốt, bầm tím hoặc chảy máu cam, chân răng... Nếu không được điều trị đúng và đầy đủ rất dễ truỵ mạch và tử vong. Để phòng bệnh, không gì tốt hơn là phun thuốc diệt muỗi, phát quang bụi dậm, ngủ nằm màn... Ngoài ra, do mùa hè oi bức nên rất nhiều trẻ đang chơi bình thường tự nhiên lên cơn sốt, cha mẹ cần chú ý tới việc bù nước và hạ sốt cho trẻ. Nếu không bù nước tốt, trẻ sẽ bị mất nước điện giải, cộng với thân nhiệt cao sẽ dẫn tới các biến hứng như co giật, hôn mê... đe doạ đến tính mạng của trẻ. Khi trẻ bị sốt nên để trẻ nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng, chườm mát, tắm nước ấm và nếu trẻ bị co giật để nằm nghiêng nơi thoáng và làm sạch miệng rồi gọi cấp cứu.

Còn say nắng là hiện tượng do nhiệt độ và tia cực tím (tia tử ngoại) của mặt trời gây ra. Tia tử ngoại có khả năng xuyên qua lớp sừng của da tới hạ bì gây cháy da (bỏng độ I) và say nắng. Nó còn có tác hại trực tiếp lên gien, kéo theo các đột biến có đặc tính di truyền; làm gia tăng sự lão hóa, tạo điều kiện cho ung thư xuất hiện. Nhiệt độ cao làm giãn mạch não gây ra tăng áp lực sọ và làm nhức đầu, có thể kèm theo nôn mửa hay hôn mê, co giật do ức chế vỏ não - làm tăng các hoạt động thần kinh tự động dưới vỏ. Phòng say nắng cho trẻ bằng cách không cho trẻ chơi ngoài nắng gắt; cho trẻ uống nhiều nước và dùng một số thức ăn có thể hỗ trợ giúp cơ thể chống lại các ảnh hưởng của ánh nắng và chống sự oxy hóa như: các thức ăn giàu caroten (dưa hấu, dưa vàng, rau ngò, cải bó xôi...), vitamin E (dầu đậu nành, hạt điều, hạt dẻ...), vitamin C (trà xanh, trái cây tươi, rau cải xanh...).

Bệnh viêm phế quản cấp cũng là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ khi thời tiết quá nóng nực, mỗ hôi ra nhiều hoặc chênh lệch nhiệt độ giữa phòng điều hòa và ngoài trời quả cao... Trẻ thường có các triệu chứng ho, lúc đầu trẻ bị ho khan, ho từng cơn và thường ho vào ban đêm, sau đó có sốt nhẹ, trẻ lớn có thể thấy đau ngực. Bệnh viêm phế quản cấp là bệnh nhẹ nhưng hay mắc phải, đa số bệnh khỏi sau một tuần bệnh có thể tái phát và có biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa. Trẻ bị viêm phế quản cấp vẫn phải bú mẹ, nếu trẻ không tự bú được thì phải vắt sữa ra bình, cốc hoặc cho trẻ ăn sữa ngoài nếu mẹ không có sữa. Bên cạnh đó, việc bù lại lượng nước đã mất do sốt cao, nôn, tiêu chảy bằng cách cho trẻ uống nhiều nước hơn (tốt nhất cho uống oresol) là việc làm cần thiết. Để bảo đảm chế độ dinh dưỡng, các bà mẹ vẫn duy trì chế độ ăn có nhiều vitamin, muối khoáng, ăn nhiều hoa quả, ăn tăng cường nếu trẻ trong thời kỳ ăn dặm, cho trẻ nằm nơi thoáng mát... Trong khi trẻ bị viêm phế quản cấp, bố mẹ không hút thuốc lá trong nhà, tránh cho trẻ ra ngoài vì bụi và các ô nhiễm khác khiến bệnh sẽ nặng hơn, bên cạnh đó phải vệ sinh mũi hằng ngày cho trẻ nếu trẻ bị viêm đường hô hấp trên./.

TT

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất