Chủ Nhật, 22/12/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 27/4/2009 21:29'(GMT+7)

Giải pháp thị trường xuất khẩu cho ngành công nghiệp Dệt - May Việt Nam

Công nhân phân xưởng May xuất khẩu. Ảnh: PV

Công nhân phân xưởng May xuất khẩu. Ảnh: PV

Trong phần Hệ thống các giải pháp và chính sách thực hiện quy hoạch, Chính phủ đã nhấn mạnh vấn đề phải mở rộng thị trường để có được bước đột phá trong chiến lược phát triển xuất khẩu và phát triển thị trường là nhân tố quyết định sự tăng trưởng của ngành Dệt - May Việt Nam. Theo đó, các cơ quan quản lý Nhà nước tập trung mọi khả năng và cơ hội giúp các doanh nghiệp đàm phán mở rộng thị phần dệt may trên thị trường quốc tế.

Hiện nay, thị trường xuất khẩu truyền thống của hàng dệt may Việt Nam vẫn tập trung vào 3 thị trường chính là: Hoa Kỳ (chiếm 55-57% thị phần); EU 20%; Nhật Bản 10% còn lại là các thị trường khác như Nga, Hàn Quốc, Canada... Bên cạnh khai thác tối đa các thị trường lớn, các doanh nghiệp dệt may đã có nhiều nỗ lực trong việc mở rộng thị trường, nên phần lớn các thị trường đều có mức tăng trưởng cao: Thổ Nhĩ Kỳ tăng trên 400%, Achentina tăng hơn 60%, Canada tăng hơn 35%... Điều đáng mừng là một số đơn vị đã chủ động tìm kiếm thị trường mới. Theo đó Dệt Thái Tuấn, Dệt Phước Thịnh, Dệt Phước Long đã xuất khẩu được vải gấm sang Trung Đông; lô hàng dệt may của May Phương Đông lần đầu tiên có mặt ở Nam Mỹ, Cộng hoà Czech; sản phẩm thời trang Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch qua Algeria; một số doanh nghiệp trong nước đã hoàn tất quá trình chinh phục thêm hai quốc gia thuộc EU khi vừa giới thiệu những lô hàng đầu tiên vào Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Với những thành công đạt được, Việt Nam đã lọt vào Top 10 nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới, trong đó Dệt đứng thứ 16 và May đứng thứ 10. Trong mục tiêu phát triển mở rộng thị trường mới, chúng ta cũng cần nhìn nhận lại sự cần thiết phải mở rộng thị trường do hiện nay ngành dệt may trong nước phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường chính (như đã nói trên) nên dễ bị tác động và nhiều rủi ro

Chỉ nói riêng thị trường Mỹ, mặc dù hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng hiện chương trình giám sát chống bán phá giá của Mỹ vẫn được áp dụng đối với hàng dệt may của ta. Nếu thời gian tới Bộ Thương mại Mỹ vẫn chưa có hành động cụ thể nào nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của chương trình trên đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam, thì từ quý 1/2009, hàng dệt may của ta vào Mỹ sẽ đặc biệt khó khăn hơn khi ngày 16/9/2008, Uỷ ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) công bố những quy định mới nhất về xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ. Uỷ ban này sẽ tăng cường giám sát nghiêm ngặt hơn nữa các quy định an toàn sản phẩm như tính dễ cháy của vải, cấm tuyệt đối các sản phẩm có dây thắt ở vùng cổ trên áo, đặc biệt là áo trẻ em. Mức phạt đối với các nhà nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ khi vi phạm sẽ tăng lên đến 15 triệu USD, so với tối đa là vài triệu USD trước đây.

Như vậy, các nhà nhập khẩu tại Mỹ sẽ đặt ra những yêu cầu cao hơn về chất lượng và tính an toàn của hãng dệt may. Quốc hội Mỹ trước đó cũng vừa thông qua luật mới về an toàn sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ kể từ ngày 14/8/2008 với nhiều quy định và các quy định có lộ trình hiệu lực khác nhau.

Riêng thị trường EU, Việt Nam đang phải cạnh tranh gắt hơn với các nước có kim ngạch xuất khẩu dệt may lớn vào thị trường này như Ấn Độ, Băngladesh do họ có những lợi thế về quy mô sản xuất, lao động và khả năng cung cấp nguyên liệu lớn. Bên cạnh đó, một số các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng cũng như quy định an ninh mới của EU đang được triển khai và sẽ có hiệu lực từ năm tới cũng là những khó khăn cho các doanh nghiệp của ta đẩy mạnh xuất khẩu và thị trường này.

Đối với thị trường Nhật Bản, hiện nay sáu nước trong khu vực Đông Nam Á gồm Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Brunei và Thái Lan đã được hạ mức thuế quan xuống còn 0% khi xuất khẩu hàng dệt may vào Nhật Bản. Trong khi đó, hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường này vẫn đang phải chịu mức thuế khoảng 10%. Việt Nam muốn được hưởng múc thuế quan 0% như 6 nước trên thì phải đáp ứng một trong những yêu cầu của Nhật Bản trong đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế với Việt Nam - EPA (dự kiến kết thúc và cuối năm 2008 và có hiệu lực ngay sau đó) là tiêu chí xuất xứ ''hai công đoạn''. Xuất xứ ''hai công đoạn'' có nghĩa là hàng dệt may Việt Nam xuất sang Nhật phải được sản xuất từ nguyên phụ liệu trong nước, hoặc của Nhật hoặc của các nước ASEAN. Đây là yêu cầu tương đối khó vì hiện tại, gần 80% nguồn nguyên liệu sản xuất của Việt Nam được nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau chứ không chỉ các nước theo yêu cầu của phía Nhật Bản.

Do những khó khăn đó, ngành Công nghiệp dệt - may Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp dệt may nói riêng phải có những chiến lược phát triển mở rộng thị trường mới. Thị trường châu Phi và Trung Đông là những xu hướng mới cho các chiến dịch mở rộng thị trường dệt may xuất khẩu. Thị trường châu Phi có sức mua lớn nhưng các yêu cầu về chất lượng mẫu mã của người châu Phi lại mức vừa phải, không quá khắt khe như các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản... Có thể nói, châu Phi là thị trường khá lý tưởng phù hợp với trình độ sản xuất và khả năng của các nước đang phát triển như Việt Nam, nhất là giá cả. Nếu năm 1991 thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường khu vực châu Phi chỉ có 3 nước, đến nay Việt đã có quan hệ trao đổi thương mại hàng hóa với 50 quốc gia trong khu vực này. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam cần có những nỗ lực hơn nữa trong việc thăm dò, khai phá thị trường tại các nước châu Phi như Nam Phi, Ai Cập, các nước Tây Phi...

Về thị trường Trung Đông, nhận thấy tầm quan trọng và tiềm năng lớn từ thị trường Trung Đông, nước ta đã chọn năm 2008 là năm trọng điểm trong quan hệ hợp tác với khu vực Trung Đông. Năm 2007, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam -Trung Đông đạt xấp xỉ 1,2 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu 700 triệu USD, đó là chưa kể lượng hàng hóa xuất sang Trung Đông qua nước thứ ba. Khu vực Trung Đông có 15 nước, quy mô dân số lớn lên tới 250 triệu người nên sức mua hàng hóa lớn. Bên cạnh đó, cũng có nét như thị trường châu Phi, thị trường Trung Đông cũng không có những yêu cầu khắt khe như các nước phát triển.

Hiện các doanh nghiệp của Việt Nam đã làm quen và thu được những kết quả kinh doanh với các nước Trung Đông như Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Thổ Nhi Kỳ, Israel, A Rập Xút. Ngoài ra còn nhiều các nước khác tại thị trường này có rất nhiều tiềm năng cho việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và hàng dệt may nói riêng đang chờ được khai phá.

Thông tin từ Hiệp hội Dệt May cho biết, chúng ta cũng không nên xem nhẹ thị trường châu Á đặc biệt là các nước phát triển như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan bởi sản phẩm của ta đã có mặt tại các cửa hàng thời trang, siêu thị trên các thị trường này. Cũng dễ dàng thấy được sự thuận lợi bởi thị trường châu Á có quy mô dân số cũng như sức cầu lớn, sự gần gũi về địa lý, văn hóa, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, tiết kiệm chi phí...

Tóm lại, để có thể thành công trong kế hoạch mở rộng thị trường, để đạt được những mục tiêu như chính sách đề ra, bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tạo cơ hội giúp các doanh nghiệp đàm phán mở rộng thị trường dệt may trên thị trường quốc tế thì viêc tự tìm kiếm và khai phá những thị trường mới của các doanh nghiệp dệt may là không khó khăn. Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những bước đột phá cho ngành công nghiệp dệt may Việt Nam, nếu biết kết hợp các nguồn lực hỗ trợ cũng như tự vận động tìm kiếm thông tin thị trường.

Thu Hiền                                                           Nguồn: T.h thông tin Bộ C.T; HH D-M.
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất