Thực hiện Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016, Ủy ban
Thường vụ Quốc hội thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện Chương trình
mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với
tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Sáng 5/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề này.
2.045 xã đạt tiêu chí nông thôn mới
Trưởng Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng
Thanh cho biết qua giám sát cho thấy chương trình mục tiêu quốc gia xây
dựng nông thôn mới được triển khai rộng rãi trên toàn quốc đã đạt những
kết quả quan trọng. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi nhất là hệ
thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội; mô hình sản xuất tập
trung bước đầu được hình thành, thu nhập và đời sống vật chất, tinh
thần của người dân được cải thiện, nhận thức của người dân được thay
đổi, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
Từ chỗ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, người dân
đã chủ động tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới (bằng hình thức
hiến đất, đóng góp ngày công, kinh phí...). Cơ chế trao quyền tự quyết
cho cộng đồng thôn, xã đã phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa
phương xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi động khắp cả
nước; đã có sự tham gia của toàn xã hội kể cả lực lượng quân đội với
phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới.”
Qua giám sát cho thấy những xã được địa phương quan tâm ưu tiên tập
trung nguồn lực để đầu tư đều sớm đạt tiêu chí nông thôn mới, thu nhập
của người dân đã được nâng lên đáng kể.
Đến ngày 31/12/2015, cả nước có 1.526 xã (chiếm 17,1%) đạt chuẩn nông
thôn mới. Đến tháng 3/2016, cả nước đã có có 1.761 xã đạt chuẩn nông
thôn mới, chiếm 19,7%; 1.223 xã, chiếm 13,7% đạt từ 15-18 tiêu chí;
3.355 xã, chiếm 37,5% đạt từ 10-14 tiêu chí; 2.270 xã, chiếm 25,4% đạt
từ 5-9 tiêu chí và 326 xã, chiếm 3,65% đạt dưới 5 tiêu chí.
Số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên (xuất phát điểm dưới ba tiêu
chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên) là 182 xã. Bình quân tiêu
chí/xã: 12,9 tiêu chí, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010.
Các tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới được cải thiện rõ rệt, có mức tăng trưởng tích cực so với năm 2011.
Đến tháng 9/2016, đã có 2045 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (đạt 23%), đã
có 24 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định
công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Việc một số huyện đạt tiêu chí nông
thôn mới sớm hơn so với dự kiến là bước phát triển quan trọng của Chương
trình.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chương trình còn có những hạn chế,
yếu kém như việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện còn chậm,
chưa đầy đủ, chưa đồng bộ; Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới chưa
phù hợp với các vùng, miền; công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, chất
lượng chưa cao; tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở một số địa phương chưa
gắn với việc ứng phó biến đổi khí hậu, khan hiếm nước, nước biển dâng,
xâm nhập mặn.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn chậm, cơ cấu
kinh tế nông thôn chưa có sự thay đổi lớn; thu nhập của nông dân chủ
yếu từ sản xuất nông nghiệp; công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông
thôn phát triển chưa mạnh; phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới và thu
hút doanh nghiệp còn hạn chế; sự gắn kết giữa công nghiệp và dịch vụ
với sản xuất nông nghiệp thiếu chặt chẽ, chưa bền vững; cơ chế, chính
sách khuyến khích tích tụ ruộng đất tạo mô hình sản xuất tập trung, cánh
đồng lớn chưa đủ mạnh; chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ trong sản
xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Vốn đầu tư chưa bảo đảm
yêu cầu; nợ đọng xây dựng cơ bản còn cao.
Những hạn chế này đã tác động đến hiệu lực, hiệu quả, tính bền vững của
việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ khẩn trương sửa đổi, ban hành Bộ tiêu
chí quốc gia về nông thôn mới, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của
từng vùng, miền, địa bàn theo hướng khung tiêu chí cứng và một số tiêu
chí linh hoạt, trên cơ sở đó, có chính sách, định hướng đầu tư phù hợp
với thực tế. Xây dựng bộ tiêu chí nâng cao làm cơ sở để các địa phương
áp dụng cho các xã đã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Ban hành kịp
thời, đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình. Hướng dẫn cụ
thể, đầy đủ các biểu mẫu báo cáo, chỉ tiêu thống kê để có sự thống nhất
trong số liệu báo cáo từ Trung ương đến địa phương.
Nợ đọng xây dựng cơ bản lớn
Một trong những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Đoàn giám sát chỉ ra
là "Các địa phương vẫn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, có 53/63 tỉnh,
thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, cá biệt đã có
địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân.
Đáng lưu ý số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn tập trung chủ yếu ở khu vực
phía bắc (Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ) là khu vực có phong trào
xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước, hai khu vực này có số nợ đọng
lớn nhất, chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước.
Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận nông thôn mới chiếm đến
46,9% số nợ đọng của cả nước. Mặc dù, số nợ đọng này chỉ chiếm 1,8% so
với tổng nguồn lực huy động cho Chương trình và chiếm 5,7% tổng nguồn
ngân sách hỗ trợ thực hiện, tuy nhiên, tình trạng nợ đọng để lại hậu quả
xấu và ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà
nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn đặt câu hỏi "nợ để được
đạt nông thôn mới thì xử lý như thế nào," qua giám sát chưa thấy Đoàn
giám sát đưa ra kiến nghị, giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Trả lời băn khoăn của Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát, Chủ nhiệm
Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hồng Thanh cho rằng hiện vẫn chưa có giải pháp
khả thi để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. "Đoàn giám sát đã đi làm việc
với các địa phương, cũng quan tâm đến vấn đề này nhưng quả thật vẫn chưa
có giải pháp nào khả thi," Trưởng Đoàn giám sát cho biết.
Đã từng tham gia trong Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn
Văn Giàu cho biết con số hơn 15.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản của
các địa phương mà đoàn giám sát thống kê đều không có nguồn thanh toán.
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
phối hợp với Bộ Tài chính có hướng xử lý, đồng thời cần kiên quyết yêu
cầu dừng ngay việc tạm ứng vốn xây dựng cơ bản mà không có nguồn cân đối
để quá hạn như hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa
nhận con số hơn 15.000 tỷ đồng nợ đọng cơ bản ở các địa phương là do một
số địa phương nôn nóng, chạy theo thành tích, muốn nhanh để đạt được
các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Song Bộ trưởng cũng nêu ra nguyên nhân do giai đoạn vừa qua, ngân sách
có khó khăn. Lúc đầu thiết kế chương trình là nhà nước đầu tư 30-40%,
sau đó điều chỉnh lại là nhà nước hỗ trợ, dân làm là chính. Kết quả là
ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ 4,4%; gần 6% là ngân sách địa phương,
còn 51% là tín dụng. Bộ trưởng khẳng định, tới đây sẽ yêu cầu các địa
phương bằng mọi giải pháp để tập trung giải quyết số nợ đọng này.
Giải quyết thực tế này, Đoàn giám sát đưa ra giải pháp rà soát nợ đọng
xây dựng cơ bản, có hướng giải quyết dứt điểm nợ đọng này trong năm 2017
và không để tái diễn tình trạng huy động vốn đầu tư vượt quá khả năng
thanh toán dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đối với các địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản thì không cho phép
triển khai công trình xây dựng mới cho đến khi xử lý xong nợ đọng; chỉ
phê duyệt dự án khi đã xác định được nguồn vốn.
Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư công, đấu thầu,
không cho phép doanh nghiệp tự bỏ vốn chuẩn bị đầu tư, thi công dự án
nông thôn mới khi chưa được bố trí vốn. Không xem xét công nhận đạt
chuẩn nông thôn mới đối với địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đối với các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn nếu không xử lý xong
nợ đọng xây dựng cơ bản trong vòng một năm kể từ khi công nhận thì cấp
có thẩm quyền xem xét lại việc công nhận. Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm
cá nhân người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ
đọng xây dựng cơ bản.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tỏ ý băn khoăn trước đề
xuất "Rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản, có hướng giải quyết dứt điểm nợ
đọng này trong năm 2017" của Đoàn giám sát và cho rằng đề xuất này là
khó thực hiện bởi theo báo cáo, có tổng số 3.637 xã có nợ đọng (chiếm
40,7% số xã xây dựng nông thôn mới cả nước) với mức nợ bình quân khoảng
4,2 tỷ đồng/xã).
Phó Chủ tịch Quốc hội lo lắng bởi lấy ngân sách nào, số tiền ở đâu để
đưa ra mục tiêu năm 2017 giải quyết dứt điểm nợ đọng này. Phó Chủ tịch
Quốc hội nhận định đây là việc rất khó, và giải pháp được Đoàn giám sát
đưa ra là không khả thi. Tương tự vậy, việc đề xuất "không xem xét công
nhận đạt chuẩn nông thôn mới đối với địa phương có nợ đọng xây dựng cơ
bản" cũng là không thực tế, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Theo chương trình, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về
báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ
11, Quốc hội khóa XIII; báo cáo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý
đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại tố
cáo của Quốc hội năm 2016./.
(TTXVN)