Ông Mohamed ElBaradei - nhà lãnh đạo kỳ cựu của IAEA đã không giấu nổi sự bi quan và lo âu trước nguy cơ khủng bố hạt nhân đang đe doạ thế giới và khả năng có hạn của cơ quan này.
Ngày 30/11 đánh dấu sự rời khỏi vị trí Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của ông Mohamed ElBaradei sau 12 năm nắm quyền để nhường lại vị trí này cho một nhân vật mới người Nhật Bản Yukiya Amano.
Ba nhiệm kỳ liên tiếp lãnh đạo IAEA, có lẽ ông Mohamed ElBaradei mong muốn một kết thúc dễ chịu hơn. Song tình hình “nóng bỏng” của vấn đề hạt nhân trên toàn cầu hiện nay lại không cho phép nhà lãnh đạo này ra đi trong an tâm. 12 năm tại nhiệm của ông Mohamed ElBaradei đã tạo dấu ấn mạnh mẽ về những cố gắng của IAEA để có thể công minh phán xét và giữ quan điểm khá độc lập so với Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, IAEA đã không thể làm được điều đó. Kết quả là sát ngày ra đi của ông Mohamed ElBaradei, các cuộc tranh cãi nảy lửa lại nổ ra, nhất là Nghị quyết mới nhất của IAEA bị Iran chỉ trích là “giả tạo và vô dụng”, bị Ai Cập phê phán là “không công bằng”... Đáng buồn nhất, Cơ quan này chưa chứng tỏ được là cơ chế cao nhất và có uy tín trong kiểm soát hạt nhân trên thế giới.
Lo ngại lớn nhất của người đứng đầu IAEA trong 12 năm qua là nguy cơ khủng bố hạt nhân ngày càng hiển hiện, trong khi các giải pháp an toàn hạt nhân không được đảm bảo. Hiệp ước không phổ biến hạt nhân cũng như IAEA chỉ tồn tại như những cơ chế pháp lý mang tính toàn cầu duy nhất chứ không phải “hoàn hảo” và “hiệu quả” cho vấn đề hạt nhân. Chạy đua vũ trang diễn ra ở nhiều nơi tới mức không chỉ còn bí mật mà cả công khai.
Theo ông Mohamed ElBaradei, người sẽ trở thành cựu lãnh đạo của IAEA, chia sẻ quan điểm về giải pháp lâu dài cho vấn đề hạt nhân: “Mỗi nước đều có quyền phát triển chương trình hạt nhân dân sự và do đó, không có cách nào khác là phải có cơ chế quản lý phù hợp với tình hình. Chúng ta đều đã biết về tiềm năng hạt nhân dân sự của Nhật Bản, Brazil, Hà Lan, Argentina. Vậy thì vấn đề không phải là cản trở chương trình hạt nhân hoà bình của các nước trong bối cảnh khan hiếm năng lượng mà phải có cơ chế để đảm bảo không nước nào có thể tự tiến hành toàn bộ quá trình làm giàu uranium, bởi từ quá trình đó đến việc chế tạo vũ khí là một khoảng cách không xa. Giải pháp lâu dài và tối ưu là phải đa dạng, đa phương hoá quá trình sản xuất hạt nhân dân sự, với sự tham gia hợp tác, phân chia công việc cho nhiều nước, nhiều khu vực”.
Khả năng và hiệu quả hoạt động của IAEA cũng là một vấn đề lớn làm đau đầu ông Mohamed ElBaradei sau 12 năm lãnh đạo cơ quan này. Không ít lần ông phải gánh chịu những lời chỉ trích về những báo cáo, nghị quyết “lúc ngược, lúc xuôi” mà IAEA đưa ra. Nguyên nhân thì rất nhiều, song theo nhà lãnh đạo này, điểm mấu chốt là do cơ quan này chỉ có quyền lực hạn chế, dẫn tới phụ thuộc nhiều vào các nguồn tin tình báo của Mỹ và phương Tây, mà nhiều trường hợp là những nguồn tin giả bị chính trị hoá. IAEA làm sao có thể có những đánh giá xác thực khi không thực hiện được việc thanh sát một cách chặt chẽ và đầy đủ.
Trong khủng hoảng hạt nhân của Iran, ông Mohamed ElBaradei khẳng định, tình hình bị đẩy lên mức căng thẳng và bế tắc như hiện nay phần lớn là do chính sách sai lầm của Mỹ và phương Tây đối với quốc gia vùng Vịnh này: “Tôi cần nhắc lại rằng đã có lúc Iran thể hiện sẵn sàng nhượng bộ trong vấn đề hạt nhân, nhưng vào thời điểm đó, Mỹ và phương Tây không chịu nói chuyện với Iran vì nước này bị Mỹ liệt vào “Trục ma quỷ”. Vào lúc đó, thay vì đặt ra những điều kiện mà Iran có thể chấp nhận được, Mỹ và phương Tây lại ngừng các cuộc đàm phán, gây sức ép và ngày càng đẩy mạnh trừng phạt đối với Tehran. Kết quả là đến giờ khó có thể cứu vãn nổi tình hình, nhưng dù khó, vẫn phải thúc đẩy đối thoại mới giải quyết được vấn đề Iran”./.
(Theo: VOV)