Ngày 28/11, các nhà lãnh đạo Khối thịnh vượng chung, đại diện cho 1/3 dân số thế giới đã cam kết ủng hộ các cuộc đàm phán của Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu, được tổ chức tại Copenhagen, Đan Mạch vào tháng 12 tới, nhằm tiến tới một hiệp định mới đầy tham vọng về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tuyên bố về Biến đổi Khí hậu của Khối Thịnh vượng chung, được đưa ra tại Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu của khối, khai mạc ngày 27/11, ở thủ đô Port Of Spain của Trinidad and Tobago, đã cam kết theo đuổi một thỏa thuận "ràng buộc pháp lý" vào năm 2010, theo đó, các nước sẽ đưa ra mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Văn kiện còn ủng hộ chương trình sử dụng năng lượng sạch, trao đổi hạn ngạch khí thải cũng như nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ các nước đang phát triển thực thi các chính sách thân thiện với môi trường.
Tuyên bố được toàn bộ 53 nước thành viên ủng hộ này còn hoan nghênh sáng kiến thành lập Quỹ Phát động Copenhagen, bắt đầu từ năm 2010 và đóng góp 10 tỷ USD mỗi năm từ năm 2012, nhằm giúp các nước nghèo và dễ bị tác động từ biến đổi khí hậu đối phó với tình trạng Trái Đất ấm lên.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Thủ tướng Đan Mạch Lars Loekke Rasmussen đã hoan nghênh tuyên bố trên của khối. Tổng Thư ký còn kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cần giữ vững tập trung và cam kết của mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Cũng tại hội nghị trên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã thúc giục Canada, với tư cách là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G-8) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), có hành động mạnh mẽ hơn nữa về vấn đề biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký nhấn mạnh Canada cần theo kịp mục tiêu của các nước về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu của Khối Thịnh vượng chung, diễn ra từ ngày 27-29/11 tại Trinidad and Tobago, quy tụ các nhà lãnh đạo của 53 nước thành viên, các vị nguyên thủ quốc gia Đan Mạch, Pháp và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. Hội nghị này được coi là bước chuẩn bị quan trọng cuối cùng trước thềm Hội nghị Copenhagen.
Trong các nỗ lực ứng phó với tình trạng ấm dần lên của Trái Đất, các nền kinh tế lớn đã đưa ra những mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Hai nước được cho là "thủ phạm" gây ô nhiễm môi trường hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Mỹ đã cam kết lần lượt giảm 40-45% và 17% lượng khí thải từ nay đến năm 2020 (so với năm 2005). Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố giảm 20% lượng khí thải nội khối đến năm 2020 (so với năm 1990).
Hiện nay, duy nhất có Ấn Độ vẫn "giữ im lặng" về mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hại cho Hành tinh Xanh. Tuy nhiên, ngày 28/11, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh khẳng định mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của nước này sẽ "đầy tham vọng"./.
(TTXVN)