(TCTG) - Để Afghanistan không trở thành một “vũng bùn đen”, Washington đang tìm cách lôi kéo các nước chiến lược trong khu vực. Pakistan và Ấn Độ đang có sự hiện diện lớn tại đây song Trung Quốc và Nga cũng sẽ có thể trở thành những nước tham gia hàng đầu. Mối đe doạ của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đang làm các quốc gia lo lắng song thật không dễ hối thúc mọi người tham gia vào nỗ lực quân sự kể trên.
Tổng thống Mỹ Barack Obama biết rằng cần phải có sự tham gia của tất cả các nước nếu ông muốn duy trì tính hợp pháp của cuộc chiến trên. Sự hỗ trợ của các nước là cần thiết để tìm ra một giải pháp và kết thúc cuộc chiến đúng hạn. Từ khi bắt đầu cuộc chiến năm 2001, các nước thành viên NATO, châu Âu và những đồng minh cũ của Mỹ như Canada, Australia cũng đã tham gia ở những cấp độ khác nhau với nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho Afghanistan.
Cuộc chiến chống lực lượng nổi dậy tại Afghanistan đang bước vào một giai đoạn mới: quân Taliban đã thành công trong việc kiểm soát tình hình và công luận phương Tây không còn ủng hộ chính phủ nước họ nữa. Cuộc xung đột này đã trở thành một cuộc chiến tranh của Mỹ. Ngay bây giờ Washington cần phải huy động các nước khác tham gia vào các chiến dịch để tạo đà cho phía Mỹ.
Tuần qua, Mỹ đã thành công trong việc đạt được sự ủng hộ của Trung Quốc khi nước này tuyên bố Afghanistan và Pakistan là cái nôi của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Theo tạp chí Newsweek, Bắc Kinh, trực tiếp liên quan đến mối đe doạ này, dự định sẽ nỗ lực chia sẻ các thông tin tình báo. Trung Quốc đã bắt đầu xâm nhập vào Afghanistan từ giữa năm 2006 với những khoản đầu tư lớn. Năm lượng và xây dựng là những nguồn thu chính. Nếu không hỗ trợ quân sự trực tiếp, người Trung Quốc sẽ thực hiện các hoạt động giám sát trong lĩnh vực rà phá bom mìn.
Nga cũng nhanh chóng cần có một vai trò tại Afghanistan. Hôm thứ 3 (24/11), ông Dmitri Rogozine-Đại sứ Nga tại NATO đã yêu cầu tổ chức các cuộc họp mở rộng NATO-Nga kể từ năm 2010. Mátxcơva đặc biệt lo ngại tình trạng buôn lậu ma tuý gia tăng từ Trung Á và đề nghị cố vấn và hỗ trợ đào tạo lực lượng an ninh Afghanistan trong cuộc chiến chống buôn lậu ma tuý và chống chủ nghĩa khủng bố. Một thoả thuận về việc Nga cho phép Mỹ vận chuyển thiết bị và quân đội bằng đường hàng không từ châu Âu tới Afghanistan qua Nga đang được hoàn tất.
Ấn Độ đầu tư lớn tại Afghanistan, một phần dưới hình thức hỗ trợ phát triển công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, mặt khác dưới hình thức viện trợ tài chính. Thông qua hình thức trên, New Delhi tìm cách hạn chế tầm ảnh hưởng của người Hồi giáo trong khu vực-mối đe doạ lớn gắn liền với vấn đề Cachemire. Nhưng mục đích của Ấn Độ cũng nhằm củng cố liên minh với Kaboul để trở thành một đồng minh tại lục địa mà quan hệ ngoại giao hai bên vẫn còn căng thẳng.
Cuối cùng, Pakistan là nước liên quan nhất. Không hiện diện trực tiếp tại Afghanistan, Islamabad duy trì hoạt động quân sự đáng kể tại khu vực biên giới tỉnh Waziristan để phá huỷ các căn cứ hỗ trợ quân nổi dậy. Vai trò của cơ quan tình báo Pakistan là rất quan trọng trong việc xác định quân nổi dậy, đặc biệt trong các khu vực có các bộ tộc sinh sống.
Viện trợ không phải lúc nào cũng dễ phối hợp
Đưa các nước khác can thiệp vào Afghanistan là rất khó. Sự hiện diện của quân Taliban và đồng minh Al-Qaeda của họ tại khu vực biên giới Afghanistan-Pakistan là mối nguy hiểm mà mọi người đều biết. Sự gia tăng chủ nghĩa khủng bố trong khu vực, sự tiến bộ và phát triển quy mô quốc tế của một số nhóm, việc đào tạo các chiến binh Hồi giáo thánh chiến và buôn lậu ma tuý đã ảnh hưởng đến tất cả các nước.
Có rất ít nước chấp nhận hỗ trợ quân sự, trong đó rào cản chính là sự chỉ huy của NATO. Đối với Bắc Kinh và Mátxcơva, đặt quân đội của mình dưới sự chỉ huy của Washington và các tướng lĩnh châu Âu là không thể. Đầu tư vào lĩnh vực kinh tế là giải pháp thực tiễn mặc dù có những rủi ro cho các công ty. Mỹ đã trách cứ Trung Quốc tranh thủ các nỗ lực quân sự của Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế tại Afghanistan (ISAF) để bảo vệ các khoản đầu tư riêng của họ.
Quan hệ mâu thuẫn giữa một số nước cũng gây ra mâu thuẫn cho Liên minh. Sự hiện diện của Ấn Độ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế của Afghanistan làm Trung Quốc và Pakistan không hài lòng. Hai nước này xem Ấn Độ là một đối thủ cạnh tranh nguy hiểm. Thiết lập một sự phối hợp thực sự liên kết các nước khác nhau là không thể do những bất đồng trong các cuộc thảo luận là rất lớn.
Theo báo AGORAVOX.fr (Bài dịch)