Thứ Hai, 7/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 19/12/2010 16:1'(GMT+7)

Giảm nghèo đô thị-bài toán còn nan giải

Lao động nhập cư đang trở thành người nghèo đô thị.

Lao động nhập cư đang trở thành người nghèo đô thị.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang đạt mức tăng trưởng kinh tế cao. Tuy nhiên vẫn tồn tại những bất bình đẳng trong mức sống và khả năng tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế, an sinh xã hội, nhà ở, việc làm ở một bộ phận dân cư, nhất là dân nhập cư. Hàng triệu lao động từ các địa phương khác về Thủ đô tìm kế mưu sinh đang trở thành những người nghèo đô thị. 

Hai vợ chồng chị Lưu Thị Hoa đang trọ thuê căn nhà 30m2 ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội đã gần chục năm nay. Hai vợ chồng đều tỉnh tỉnh lẻ về Thủ đô lập nghiệp. Vợ làm nhân viên văn phòng, lương tháng hơn 3 triệu đồng, chồng làm công nhân, tính cả tiền làm thêm mỗi tháng cũng chỉ gần 4 triệu đồng. Hàng tháng anh chị phải tính toán làm sao đảm bảo chi phí ăn uống, sinh hoạt của cả gia đình và tiền ăn học của con trai lớp 2. Tháng nào con không ốm đau thì còn dư ra được mấy  trăm nghìn. Tháng nào có cưới hỏi, giỗ chạp, phải chắt bóp từng đồng. Thu nhập ít ỏi, nên phải tính toán chi ly. 10 năm qua anh chị chưa từng dám nghĩ đến việc sinh thêm đứa con thứ 2, lại càng không dám mơ mua được một ngôi nhà ở thành phố.

Chị Hoa nói: “Ở trên này chi tiêu sẽ rất nhiều bởi vì nhiều khi ăn uống đắt đỏ chỉ là một phần thôi nhưng mà con cái học hành mới là quan trọng. Bây giờ học thêm rất là nhiều. Nếu như không cho con đi học thêm như con người ta thì sẽ bị dốt. Thật sự là như thế. Nếu  cho con cố gắng đi học thì tiền học cho con rất tốn kém. Với đồng lương như thế và mức chi tiêu như thế thì không bao giờ để dành được”.

Gia đình chị Hoa cũng như bao gia đình khác ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều sống trong cảnh “ăn nay, lo mai”. Ngoài khó khăn về chỗ ở, việc làm lại bấp bênh, thu nhập thấp. Do vậy, họ ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở và tham gia vào các hoạt động xã hội. Theo bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với thách thức trong việc đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội và bình đẳng, mặc dù các chỉ tiêu kinh tế xã hội đều ở mức cao so với bình quân chung của cả nước.

Bà Setsuko Yamazaki nói: “Trong khi Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, vấn đề nghèo đô thị không chỉ còn là thiếu hụt về thu nhập mà còn thiếu hụt về tiếp cận tới các dịch vụ xã hội như giáo dục, chăm sóc sức khỏe. Những sự bất bình đẳng như vậy rất rõ ràng khi chúng ta so sánh giữa các nhóm thu nhập cao và thu nhập thấp. Càng rõ rệt hơn khi chúng ta so sánh nhóm dân số có hộ khẩu thường trú với những dân di cư không có hộ khẩu hoặc di cư tạm thời”.

Hiện 38% số dân sống ở Hà Nội và 54% ở thành phố Hồ Chí Minh không tiếp cận được với hệ thống an sinh xã hội. Hơn 1/3 số người sống ở cả hai thành phố không có khả năng tiếp cận các dịch vụ về nhà ở phù hợp như nước, hệ thống thoát nước, rác thải. ¼ người dân bị thiếu hụt về nhà ở có chất lượng phù hợp.

Ông Đỗ Ngọc Khải, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội cho biết: 5 năm trở lại đây, số người nghèo ở nông thôn giảm, tuy nhiên người nghèo ở đô thị tăng lên nhanh chóng. Chính sách xã hội tại các thành phố đều ưu tiên cho những người có hộ khẩu thường trú nên con em người nhập cư khó vào các trường chính quy. Không có hộ khẩu thường trú, không được xét vào diện hộ nghèo nên con cái họ không được miễn giảm học phí, họ không được hỗ trợ tiền mua bảo hiểm y tế và các dịch vụ an sinh xã hội khác. Gần 42% người nghèo, hơn 45% người dân di cư khi ốm không đi khám chữa bệnh chủ yếu là do thiếu tiền, không có bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, người nghèo ở đô thị còn phải chi phí nhiều khoản phát sinh hơn ở nông thôn như tiền điện, nước, tiền nhà và giá cả lương thực, thực phẩm, nhu cầu thiết yếu khác.

Ông Đỗ Ngọc Khải nói:“Nghèo ở đô thị, nếu tính về thu nhập cao hơn ở nông thôn. Nhưng các khía cạnh khác như điều kiện sống, môi trường sống họ bị thiếu hụt, ảnh hưởng. Nghèo ở nông thôn ít nhất có gia đình, đất đai, nhà cửa, các điều kiện môi trường sinh sống như an ninh, trật tự thôn xóm tốt, hoặc chăm sóc về y tế, giáo dục. Để giải quyết người nghèo ở đô thị sẽ gặp không ít khó khăn. Đối với Hà Nội, đô thị quá tải, nếu chính quyền có chính sách hỗ trợ người di cư, dân ở các nơi lại dồn về”.

Giảm số người nghèo đô thị đang còn là vấn đề nan giải đối với các tỉnh thành phố lớn. Nếu xét các tiêu chí ngoài thu nhập thì số lượng người nghèo đa chiều ở đô thị sẽ còn nghèo hơn cả nông dân nghèo, nó đi liền với trình độ học vấn, thu nhập, nhà cửa và an sinh xã hội. Nên chăng cần thay đổi cách nghĩ, cách nhìn về giảm nghèo đô thị. Tăng cường tiếp cận hệ thống an sinh xã hội và cải thiện các dịch vụ liên quan đến nhà ở. Đồng thời cần có chính sách dài hạn giúp họ thoát khỏi tình trạng thiếu thốn những điều kiện sống cơ bản./.

(Theo: Lê Phương-Phương Thúy/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất