Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 14/6/2013 10:12'(GMT+7)

Giám sát chặt chẽ các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ

Vỡ đập thủy điện Đăk Rông 3. (Ảnh: Báo Lao động)

Vỡ đập thủy điện Đăk Rông 3. (Ảnh: Báo Lao động)

Càng đáng lo hơn khi mới đây, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy: Mặc dù đã loại bỏ gần 40% số dự án, nhưng hiện cả nước vẫn còn khoảng 900 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã, đang và được quy hoạch đầu tư. Điều đáng nói là việc giám sát thiết kế, thi công xây dựng ở một số dự án thủy điện vừa và nhỏ chưa tuân thủ đúng quy định. Ngoài các dự án lớn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng, vận hành được kiểm định an toàn đập theo chu kỳ, khoảng 50% số lượng các đập chưa được kiểm định. 78% đơn vị chưa thực hiện việc cắm mốc giới phạm vi vùng phụ cận bảo vệ công trình. 

Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa kiến nghị Chính phủ có quy hoạch phát triển thủy điện trên cơ sở rà soát tổng thể việc phát triển thủy điện trên cả nước, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay. Trong đó phải quy định rõ cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm về quy trình vận hành liên hồ chứa, về an toàn đập thủy điện. Ngày 13-6, trả lời báo chí bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết: Bộ đã trình với Chính phủ một dự thảo nghị định mới về quản lý chất lượng công trình. Theo đó, thay vì giao toàn bộ cho chủ đầu tư và chỉ tiến hành hậu kiểm như hiện nay, các cơ quan quản lý chuyên ngành nhà nước về xây dựng sẽ tiến hành tiền kiểm ngay từ khâu thiết kế kỹ thuật.

Để số lượng đập chưa được kiểm định nhiều như thế, một phần nguyên nhân quan trọng là do quyền của chủ đầu tư được xác định quá lớn. Theo khoản 1, Điều 4 của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình xác định: Chỉ những dự án sử dụng vốn Nhà nước hơn 50% tổng mức đầu tư thì cơ quan quản lý nhà nước mới tổ chức giám sát, đánh giá đầu tư. Đối với dự án sử dụng nguồn vốn khác, việc giám sát, đánh giá đầu tư do người chủ đầu tư quyết định. Vì vậy, với những dự án thủy điện vừa và nhỏ do tư nhân đầu tư, cơ quan chức năng không được tham gia giám sát mà chỉ quản lý quy hoạch. Đây là một “lỗ hổng” thực sự bởi riêng với các dự án thủy điện, khi xảy ra sự cố thì hậu quả xã hội là rất lớn, sự thiệt hại không chỉ liên quan đến chủ đầu tư mà liên quan đến cả một địa bàn dân cư.


Mong rằng, nghị định mới của Chính phủ sẽ đáp ứng được các đòi hỏi của thực tiễn về quản lý an toàn đập thủy điện. Các sự cố vừa qua cho thấy, tính cấp thiết về việc ban hành một văn bản pháp luật để siết chặt hơn nữa trách nhiệm của các chủ đầu tư, không thể để tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ du các công trình thủy điện luôn rơi vào tình trạng "trứng để đầu gậy" như trong thời gian vừa qua./.

Hồng Hải (QĐND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất