(TG) - Đoàn Giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội (HĐND TP.Hà Nội) do ông Nguyễn Thanh Bình- Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HĐND làm Trưởng đoàn, vừa thực hiện giám sát tình hình thực hiện các quy định pháp luật BHXH tại BHXH TP.Hà Nội từ năm 2017 đến tháng 5/2022.
Báo cáo với Đoàn Giám sát, bà Đàm Thị Hòa- Phó Giám đốc BHXH TP.Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, BHXH Thành phố luôn chủ động tham mưu cho Thành uỷ, UBND Thành phố ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT một cách kịp thời, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Tại Hà Nội, những dấu ấn nổi bật trong thực hiện chính sách BHXH hơn 4 năm qua là: Công tác truyền thông luôn đổi mới, sáng tạo và linh hoạt nhằm nâng cao nhận thức của người dân và DN về BHXH, BHYT; đông đảo người dân đã được hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID; Hà Nội đã triển khai thành công mô hình xã, phường điểm phát triển BHXH tự nguyện và đang nhân rộng ra các xã, phường trong toàn thành phố; hằng năm tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao chất lượng đại lý thu (nay là tổ chức dịch vụ thu), lũy kế đến tháng 5/2022, toàn Hà Nội đã có 661 tổ chức dịch vụ này với 1.596 điểm thu và 2.567 nhân viên…
Kết quả, tính đến tháng 5/2022, Hà Nội có hơn 1,8 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 38,6% dân số trong độ tuổi lao động; 62.661 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm tỷ lệ 1% dân số trong độ tuổi lao động. Số thu BHXH hằng năm tăng, luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được BHXH Việt Nam giao, lũy kế đến tháng 5/2022, Hà Nội đã thu BHXH, BHYT 20.312 tỷ đồng, tăng 823,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 38,1% kế hoạch năm.
“Từ 2017 đến năm 2019, tỷ lệ nợ BHXH phải tính lãi giảm dần qua các năm (năm 2017 tỷ lệ nợ 3,9%, năm 2018 tỷ lệ nợ 2,53%, năm 2019 tỷ lệ nợ 1,98%). Tuy nhiên, từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ nợ BHXH tăng. Cụ thể, năm 2020, số tiền nợ phải tính lãi là 1.306,6 tỷ đồng (tăng 392,7 tỷ đồng so với năm 2019), bằng 2,58% so với số phải thu. Năm 2021, số tiền nợ phải tính lãi là 1.607,4 tỷ đồng, tăng 300,8 tỷ đồng so với năm 2020 và bằng 3,03% số phải thu. Tính đến tháng 5/2022, tổng số nợ BHXH là 5.050,4 tỷ đồng, bằng 8,94% số phải thu, trong đó nợ phải tính lãi là 1.903,9 tỷ đồng...”- bà Đàm Thị Hòa thông tin.
Trước tình trạng trên, BHXH TP.Hà Nội đã phối hợp với các sở, ban ngành và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nợ. Cụ thể: Đã chủ động tham mưu cho UBND Thành phố ban hành 16 văn bản chỉ đạo thu nợ BHXH, BHYT trên địa bàn; phối hợp với các sở, ban ngành xây dựng và triển khai hiệu quả các kế hoạch, quy chế phối hợp, thanh tra, kiểm tra, nhất là chuyển hồ sơ những đơn vị có hành vi trốn đóng, nợ đọng, không thực hiện quyết định, kết luận thanh tra sang cơ quan Công an để điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015...
Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Quốc Khánh- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thông tin: “Sở đã phối hợp với BHXH Thành phố trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nợ BHXH. Do đó, từ năm 2017 đến 2019, số nợ BHXH của thành phố đã giảm mạnh xuống dưới 2%. Tuy nhiên, từ năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều DN khó khăn phải dừng sản xuất, giải thể, dẫn đến số nợ tăng cao. Do nợ BHXH liên quan mật thiết đến "sức khỏe" DN và sự phát triển kinh tế-xã hội, nên hiện nay, Chính phủ và Hà Nội đã ban hành nhiều quyết sách phục hồi, cơ cấu lại nền kinh tế. Hy vọng, khi nền kinh tế phục hồi và phát triển, “sức khỏe” của DN đi lên, cùng với các giải pháp quyết liệt của cơ quan liên quan, nợ BHXH sẽ giảm”.
Cho ý kiến tại buổi giám sát, ông Nguyễn Mạnh Hải- Ủy viên Ban Văn hóa-Xã hội nhấn mạnh, việc cơ quan BHXH đôn đốc truy thu nợ chính là để bảo vệ quyền NLĐ. Vì vậy, đối với những DN cố tình chây ỳ nợ BHXH, cần có chế tài xử lý mạnh, đưa ra xét xử công khai, kịp thời. Đồng thời, BHXH Thành phố cũng nên phối hợp với các tổ chức xã hội tuyên truyền về chính sách BHXH, để cả NLĐ và chủ SDLĐ đều hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình để tự giác thực hiện...
Nêu những giải pháp thu hồi nợ BHXH, ông Nguyễn Đức Hòa- Giám đốc BHXH TP.Hà Nội cho biết: BHXH Thành phố đã tham mưu cho Thành ủy ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 30/11/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác BHXH tự nguyện giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030. Năm 2022, BHXH Thành phố đã tham mưu cho UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 3/3/2022 về khắc phục hạn chế, khuyết điểm khiến số nợ BHXH tăng cao (được chỉ ra sau hội nghị kiểm điểm năm 2021). Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Thanh tra, Cục Thuế, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH và Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH để thu hồi nợ.
BHXH Thành phố cũng đã chỉ đạo các cán bộ liên quan thường xuyên đôn đốc DN, hướng dẫn quy trình thanh tra, kiểm tra cho BHXH các quận, huyện và kiên quyết xử phạt đối với những trường hợp cố tình chây ỳ không đóng BHXH đúng quy định. Cùng với đó, kiến nghị Công an Thành phố khởi tố hình sự 4 DN, dừng thanh tra đối với những DN đã khắc phục nợ...
Phát biểu kết luận buổi giám sát, ông Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao những kết quả mà BHXH Thành phố đạt được trong công tác tuyên truyền, phát triển người tham gia BHXH, cải cách TTHC, thu hồi nợ đọng… Đối với những tồn tại, vướng mắc, ông Nguyễn Thanh Bình yêu cầu BHXH Thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan đưa ra giải pháp xử lý cụ thể để hoàn thành kế hoạch năm 2022. Đồng thời, cần tiếp tục tham mưu cho Thành ủy, UBND Thành phố tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện chỉ tiêu an sinh xã hội; tìm những giải pháp mới, hiệu quả để phát triển người tham gia, cũng như ngăn chặn và quyết liệt thu hồi nợ BHXH, không làm xói mòn niềm tin của nhân dân.
Châu Anh