Thứ Tư, 2/10/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Năm, 27/6/2013 21:44'(GMT+7)

Gia đình dưới góc nhìn từ ngôi nhà bình yên

Tại Hội thảo, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã giới thiệu các hoạt động phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và mô hình hoạt động của Ngôi nhà Bình yên hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình và mua bán trở về. Hội thảo là dịp để nâng cao nhận thức, đẩy lùi nạn bạo hành gia đình nói riêng, bạo lực trên cơ sở giới nói chung để cùng chung tay xây dựng một gia đình hạnh phúc. 

Các bài tham luận, báo cáo của đại diện Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Bộ Y tế... và những chia sẻ của người tạm trú tại 2 Ngôi nhà Bình yên tại Hội thảo đã cho thấy rõ tác hại của bạo lực gia đình ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người trong cuộc. 

Số liệu báo cáo từ Phòng tham vấn - Ngôi nhà Bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã chỉ ra rất rõ ràng rằng, phụ nữ bị bạo lực trên cơ sở giới thường phải trải qua nhiều loại hình bạo lực chồng chéo và phải chịu những tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Theo Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2010, 58% phụ nữ từng kết hôn đã trải qua một trong ba loại bạo lực thể xác, tình dục và tinh thần. Nghĩa là cứ khoảng 3 phụ nữ từng kết hôn thì có 2 người từng trải qua bạo lực.

Tiếng nói một nạn nhân bị bạo lực gia đình suốt 15 năm cho thấy, chỉ khi đến Ngôi nhà bình yên, chị mới biết mình bị bạo lực. Trước đây người phụ nữ này chỉ nghĩ rằng đã làm vợ, làm mẹ thì phải biết nhẫn nhịn, chịu đựng.

Chứng kiến cảnh bố đánh mẹ suốt một thời gian dài, con trai của chị đã bị mắc bệnh trầm cảm, con gái thì rụt rè ít nói. Sau khi được tham vấn, chị đã nhận thức được rằng, ly hôn để con có cuộc sống tốt đẹp hơn là không có gì xấu. Duy trì một gia đình có đủ cha, đủ mẹ mà không có tình yêu thương là một sai lầm. Kết quả là giờ đây, hai con của chị đều tự tin, học tốt, không còn căm ghét bố.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương cho biết, nằm trong chuỗi các sự kiện của Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2013 với chủ đề “Kết nối yêu thương” do Trung ương Hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP Hà Nội tổ chức, Hội thảo Gia đình từ góc nhìn Ngôi nhà bình yên góp thêm tiếng nói về vai trò của gia đình và mong muốn xã hội, mỗi gia đình, cá nhân cùng chung tay xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc, tiến bộ, bình đẳng, bền vững.

Bà Lê Phương Thúy, Trưởng phòng Tư vấn và Hỗ trợ phát triển, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết, qua nghiên cứu, thời gian bị bạo lực càng kéo dài, nạn nhân càng cảm thấy mình vô giá trị. Đáng ngại hơn, diễn ra tình trạng “bạo lực vòng tròn” nghĩa là trẻ em chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình sẽ “lây” từ bố mẹ, dễ sa chân vào các tệ nạn xã hội./.

Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về Xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ định nghĩa: “Bất kỳ một hành động bạo lực nào dựa trên cơ sở giới dẫn đến, hoặc có khả năng dẫn đến, những tổn thất về thân thể, tình dục, tâm lý hay những đau khổ của phụ nữ, bao gồm cả sự đe dọa có những hành động như vậy, sự cưỡng bức hay tước đoạt một cách tùy tiện sự tự do, dù nó xảy ra ở nơi công cộng hay trong cuộc sống riêng tư đều gọi là bạo lực trên cơ sở giới”.

Bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ là hai loại điển hình trong các dạng bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam, gây hậu quả nặng nề đối với cuộc sống của nhiều phụ nữ. Cùng với đó, theo Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hiệp Quốc (UNODC), buôn bán người là ngành công nghiệp tội phạm lớn thứ 3 trên thế giới sau ma túy và mua bán vũ khí. Ước tính, hàng năm 600.000 đến 800.000 người bị buôn bán qua biên giới, phần lớn là phụ nữ và trẻ em gái và khoảng 1 triệu trẻ em bị bóc lột và lạm dụng tình dục.


Châu Minh
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất