Chủ Nhật, 24/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Tư, 19/6/2013 21:27'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng công tác dân số và năng suất lao động

Tuyên truyền nâng cao chất lượng dân số khi sinh tại các vùng biển, đảo,ven biển.(Ảnh: Gia đình.net)

Tuyên truyền nâng cao chất lượng dân số khi sinh tại các vùng biển, đảo,ven biển.(Ảnh: Gia đình.net)

Tính đến ngày 1/4/2012, dân số Việt Nam đã lên đến 88,5 triệu người, tăng thêm 915.000 người so với thời điểm 1/4/2011. Số liệu thống kê chính thức cho thấy, liên tục từ năm 2008 đến năm 2012, dân số Việt Nam tăng đều bình quân 1,056%/năm. Như vậy, bình quân một năm, quy môt dân số ở Việt Nam có thêm một tỉnh như Ninh Bình (miền Bắc), hay Bình Phước (miền Nam).

Tình hình này đòi hỏi những nhà hoạch định và thực thi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội không thể thờ ơ. Bởi dân số gia tăng ở mức cao, trong khi trình độ khoa học công nghệ của các ngành sản xuất, kinh doanh chưa được đổi mới đáng kể, năng suất lao động còn thấp so với khu vực ASEAN, thu nhập của người dân nhìn chung còn thấp.

Đơn cử như ngành sản xuất lúa gạo, lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế so sánh tương đối cao thì sản lượng lúa đông xuân cả nước năm nay ước tính cũng chỉ đạt 13,1 triệu tấn, xấp xỉ bằng vụ đông xuân trước. Tại đồng bằng Sông Cửu Long - vựa lúa chủ chốt của cả nước - mặc dù diện tích gieo trồng được mở rộng thêm 1,2%, nhưng theo Tổng cục Thống kê thì sản lượng cũng chỉ có thể tăng khoảng 0,3%.   

2 năm vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chủ yếu do giá xăng dầu, giá điện, giá và phí y tế, giáo dục... tăng. Chí phí khám chữa bệnh và chi phí cho con trẻ ăn học đang ngày càng trở thành gánh nặng đối với phần lớn các gia đình lao động. Việc mở rộng trường, lớp, bệnh viện, sản xuất thuốc tân dược... luôn không theo kịp với tốc độ tăng dân số.

Dân số tăng nên lực lượng lao động trong cả nước (tính từ 15 tuổi) mỗi năm một tăng mạnh. Nếu năm 2005 cả nước có 44,90 triệu lao động, thì năm 2012 đã là trên 52,58 triệu. Điều này khiến sức ép về việc làm trở nên bức bách đối với toàn xã hội, đặc biệt là với thanh niên bước vào tuổi trưởng thành nhưng không thể tiếp tục học hành.

 MỨC CHI TIÊU BÌNH QUÂN NGƯỜI/THÁNG
 
Năm 2000:        1,547 triệu đồng/người/tháng

Năm 2011:        1,902 triệu đồng/người/tháng

Năm 2012:        2,182 triệu đồng/người/tháng

5 tháng 2013:  2,384  triệu đồng/người/tháng  

      (Nguồn: Tổng cục Thống kê, theo giá thực tế).

Trong bối cảnh thu nhập của người lao động tăng chậm, mức chi tiêu của người dân còn khá khiêm tốn (xem bảng), đặc biệt là ở những vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa... Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc báo động về chất lượng của công tác kế hoạch hoá gia đình, đồng thời phải không ngừng nâng cao năng suất lao động xã hội. Có như vậy mới có thể cải thiện nhanh hơn chất lượng sống của toàn dân./.

PV


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất