Thứ Bảy, 21/9/2024
Đời sống
Thứ Ba, 13/9/2016 9:55'(GMT+7)

Các tỉnh Tây Nguyên đã có 95 xã và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Như vậy, các tỉnh Tây Nguyên đã có 95 xã, chiếm 15,83% trong tổng số xã của Tây Nguyên và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã có 78 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí (chiếm 13% trong tổng số xã); có 206 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, chiếm trên 34% tổng số xã; chỉ còn 22 xã đạt dưới 5 tiêu chí, chiếm 3,6% trong tổng số xã vùng Tây Nguyên.

Tỉnh Lâm Đồng là địa phương đi đầu trong các tỉnh vùng Tây Nguyên trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, Lâm Đồng đã có 25 xã và huyện Đơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2020 cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Các tỉnh Tây Nguyên đã huy động trên 90.000 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Người dân, doanh nghiệp các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk đã tự nguyện đóng góp hàng chục ngàn tỷ đồng, hiến đất, đóng góp công sức vào chỉnh trang, nâng cấp đường giao thông nông thôn, làm mới, tu sửa nhiều công trình công cộng… Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư nâng cấp đường giao thông nông thôn, hệ thống thuỷ lợi, xây dựng cơ sở vật chất trường học, hệ thống điện, nhà văn hoá, trạm y tế, chợ, bảo vệ môi trường; nâng tổng số xã đạt các tiêu chí này tăng lên từ 50,43% đến 88%...

Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã xây dựng hàng nghìn mô hình thâm canh, ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất cây ăn quả, cà phê, chè, hoa, rau… góp phần nâng giá trị thu nhập cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Hiện nay, phần lớn các mô hình đã từng bước được nhân rộng ở các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, bất cập như xuất phát điểm của các xã trên địa bàn còn quá thấp, tỷ lệ hộ nghèo, xã vùng III và thôn, buôn, bon, làng đặc biệt khó khăn còn chiếm tỷ lệ cao, địa bàn rộng dẫn đến nhu cầu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất rất lớn. Trong khi đó, nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh còn quá khiêm tốn, dân còn nghèo nên việc huy động sức dân và các nguồn lực khác còn hạn chế, chỉ tiêu kế hoạch lại cao…

Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các tỉnh Tây Nguyên cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa việc huy động, lồng ghép, đa dạng hoá và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, coi trọng các nguồn lực tại chỗ từ cộng đồng, sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, xã hội, từ nguồn ngân sách Nhà nước… để xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn./.

Quang Huy/TTXVN



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất