Chủ Nhật, 22/9/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 11/9/2017 21:59'(GMT+7)

Giáo dục mầm non sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Quảng NInh

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Quảng NInh

Nhận thức rõ về tầm quan trọng của bậc học mầm non trong hệ thống giáo dục quốc dân và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng, ngày 05 tháng 12 năm 2011, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn(Chỉ thị số 10). Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10, giáo dục mầm non nước ta đã đạt được một số kết quả cũng như tồn tại một số hạn chế nhất định.

1. Những kết quả đạt được

Hướng tới sự phát triển bền vững của bậc học này, sau 5 năm triển khai Chỉ thị số 10, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã khẩn trương, tích cực bổ sung, hoàn thiện chính sách và bảo đảm các điều kiện cần thiết. Công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi được chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt từ trung ương tới địa phương. Năm học 2015-2016, cả nước có 11.062/11.159 đơn vị cấp xã (99,1%), 712/712 đơn vị cấp huyện (100%), 60/63 tỉnh tỷ lệ (95,2%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Đây là những tiền đề vững chắc để bậc học này đạt được những thành tựu đáng kể trên cả ba phương diện: quy mô mạng lưới trường lớp và cơ sở vật chất; tỷ lệ huy động và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non.

Thứ nhất, quy mô mạng lưới trường lớp mầm non đã được các địa phương đã quan tâm quy hoạch, phát triển, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư xã, phường, thôn, bản nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Năm học 2009 – 2010 toàn quốc chỉ mới có 10.570 trường mầm non, đến hết năm học 2015 – 2016, cả nước đã có 14.637 trường (tăng 4.067 trường), trong đó công lập 12.512 trường (85,5%), ngoài công lập 2.125 trường (14,5%). Tính đến tháng 6/2016, cấp học mầm non có 173.194 phòng học/180.828 nhóm, lớp, tỉ lệ 96,1%, tăng 50.359 phòng so với năm 2010. Trong đó, 114.988 phòng kiên cố (66,2%), 50.135 phòng bán kiên cố (28,8%), phòng học tạm là 8.671 phòng (5,0%). Cơ sở vật chất, trường lớp được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa; hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non quan tâm xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp và được trang bị thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đa dạng, phong phú. Các địa phương đã ưu tiên nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, lồng ghép, phối hợp với các nguồn vốn, các chương trình, dự án tại địa phương, để tập trung xây dựng trường, lớp cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non và phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay, tỷ lệ nhóm lớp có đầy đủ bộ thiết bị, đồ dùng đồ chơi tối thiểu là 77,7%. Riêng lớp mẫu giáo 5 tuổi, có 53.792/54.181 lớp có đủ bộ thiết bị, đồ dùng đồ chơi tối thiểu (99,3%). Nhiều tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Các địa phương đã quan tâm và đầu tư xây mới, cải tạo phòng học, phòng chức năng, công trình vệ sinh, bếp ăn, nguồn nước sạch; giảm tỷ lệ phòng học nhờ, tạm; từng bước đáp ứng nhu cầu phòng học cho giáo dục mầm non, đảm bảo đủ phòng học cho trẻ 5 tuổi. Do vậy, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia tăng cao theo từng năm học.Cụ thể như, Năm 2010 tỷ lệ trường chuẩn quốc gia là 15,8% nhưng đến năm học 2015-2016, cả nước đã có 5.079 trường chuẩn quốc gia (đạt 34,7).

Thứ hai, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp không ngừng tăng theo năm học. Hiện nay, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp là 89,2%, cao hơn 9,2% so với mục tiêu tại Chỉ thị số 10 đã đề ra. Tính đến cuối năm học 2015 - 2016, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 26,2%; trẻ mẫu giáo đạt 89,2%; riêng trẻ 5 tuổi đạt 99,7%. So với năm học 2009 - 2010, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ tăng 5,0%, trẻ mẫu giáo tăng 8,3%, trẻ mẫu giáo 5 tuổi tăng 1,7%; có 97,6% số trẻ mầm non được học 2 buổi/ngày. Chương trình giáo dục mầm non mới được triển khai ở hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non đã tạo nên những chuyển biến quan trọng về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Năm học 2015-2016, trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần. Tỷ lệ trẻ được ăn bán trú đạt 86,1%, chất lượng bữa ăn được đảm bảo. Các địa phương đã bố trí nguồn kinh phí để thực hiện chế độ hỗ trợ tiền ăn trưa, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định. Chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ đã thực sự tác động mạnh mẽ tới tỷ lệ huy động trẻ ra lớp và tỷ lệ chuyên cần, giảm thiểu thiệt thòi cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vùng núi cao, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ ba, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non tăng nhanh về số lượng, từng bước được nâng cao về năng lực, trình độ đào tạo. Năm học 2015-2016, toàn quốc có 318.333 giáo viên mầm non (tăng hơn 121.694 giáo viên so với năm học 2010- 2011). Tỷ lệ giáo viên /nhóm, lớp là 1,76; giáo viên dạy 5 tuổi đạt 1,76 giáo viên /lớp. Số giáo viên mầm non có trình độ đạt chuẩn trở lên là 98,3%, trên chuẩn 62,2%. Từ năm 2010 đến 2016 số giáo viên mầm non được tuyển vào biên chế (hợp đồng làm việc) tăng nhanh (tỷ lệ giáo viên biên chế năm 2010 là 46% năm 2016 là 65,6%). Các chính sách đối với giáo dục mầm non được ban hành và triển khai đã góp phần nâng cao đời sống, giúp giáo viên yên tâm phấn khởi, gắn bó với nghề.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 10 của Bộ Chính trị, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự tích cực chủ động phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trung ương và các địa phương, nhiều chính sách phát triển giáo dục mầm non đã được ban hành và triển khai đồng bộ, hiệu quả, tạo nên bước phát triển mới, diện mạo mới của giáo dục mầm non. Nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của giáo dục mầm non ngày càng được nâng lên, các địa phương đã tập trung huy động các nguồn lực phát triển giáo dục mầm non tạo cơ sở tốt cho việc nâng cao chất lượng công tác chăm sóc trẻ. Nhìn chung, giáo dục mầm non  về cơ bản đã thực hiện được mục tiêu của Chỉ thị 10, đó là mở rộng giáo dục mầm non, hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

2. Một số hạn chế nhất định

Bên cạnh những thành tích nổi bật, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10, giáo dục mầm non còn tồn tại một số hạn chế nhất định ở một số mặt sau:

- Mạng lưới trường lớp còn nhiều hạn chế, bất cập: một số khu đô thị, khu công nghiệp chưa xây dựng đủ cơ sở giáo dục mầm non, người lao động phải gửi con trong các nhóm trẻ tự phát (không phép), không đảm bảo an toàn cho trẻ; vùng miền núi cao, vùng sông nước vẫn còn tồn tại nhiều điểm trường mầm non nhỏ lẻ, khó khăn trong việc đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ; tình trạng thiếu phòng học chậm được khắc phục; tỷ lệ phòng học kiên cố thấp (66,2%), vẫn còn nhiều phòng học tạm, học nhờ ở các vùng khó khăn, công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn ở nhiều nơi còn rất thiếu thốn. Nguyên nhân của vấn đề này là do xuất phát điểm của giáo dục mầm non thấp, một thời gian dài trước đó hệ thống trường lớp chủ yếu là các nhà trẻ gắn với hợp tác xã, công ty, giáo dục mầm non chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Chưa có cơ chế đủ mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế xã hội hiện nay để huy động các nguồn lực trong xã hội đầu tư phát triển giáo dục mầm non.

          - Mặc dù tỷ lệ huy động trẻ đến trường của cả nước có tăng theo từng năm học, tuy nhiên, có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền.

          - Tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được khắc phục triệt để. Đặc biệt, một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, vùng miền núi phía Bắc,Tây Nguyên, Nam Trung bộ, tỷ lệ giáo viên/lớp rất thấp.  Đến nay, các địa phương vẫn chưa triển khai được thông tư 06/2015/TTLT BGD-BTC-BNV ngày 16/03/2015 Quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

          - Mặc dù đã có chính sách cho các đối tượng vùng đặc thù, tuy nhiên, có những vùng còn khó khăn chưa được hỗ trợ chính sách thực sự phù hợp(như Đồng bằng sông Cửu Long); chính sách phát triển vùng đề ra các mục tiêu ưu tiên rõ ràng nhưng cân đối nguồn lực không có hoặc không đạt kế hoạch.

          - Giá cả biến động tăng trong các năm nên định mức chi tăng, nhất là định suất trong đầu tư xây dựng cũng làm tăng thêm sự thiếu hụt tài chính, trong đó có nguồn học phí với tỷ lệ thu ít và khung thu thấp chưa được điều chỉnh.

3. Một số bài học kinh nghiệm

Để hướng tới một nền giáo dục phát triển, đáp ứng những đòi hỏi đặt ra về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp phát triển đất nước, công tác phổ cập giáo dục cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa nhằm tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của các bậc học cao hơn. Qua 05 năm triển khai phổ cập giáo dục mầm non, công tác trên đã giúp chúng ta có được một số bài học kinh nghiệm quan trọng. Đó là,

- Thực hiện phổ cập giáo dục là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, do vậy, việc tiến hành phổ cập phải được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, khoa học và phù hợp với thực tiễn vùng, miền. Từ việc xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, đảm bảo các điều kiện đến quy trình kiểm tra, đánh giá, công nhận kết quả, huy động học sinh, tổ chức giáo dục chống lưu ban bỏ học... đến việc quy hoạch, mở rộng mạng lưới trường, lớp, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học; xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu cần đươc tiến hành đầy đủ,đồng bộ, đảm bảo về chất lượng là những yếu tố có tính chất quyết định tới chất lượng phổ cập giáo dục.

- Cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các địa bàn khó khăn. Phát triển các trường dân tộc nội trú, lớp nội trú dân nuôi, lớp bán trú đối với các xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa; có chính sách hỗ trợ cao hơn đối với học sinh gia đình nghèo, gia đình thuộc diện chính sách xã hội; phải đặc biệt quan tâm hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác phổ cập giáo dục ở các vùng khó khăn. Tăng cường giáo viên và quan tâm đặc biệt đến đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

- Phổ cập giáo dục là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân trong đó ngành giáo dục- đào tạo phải giữ vai trò nòng cốt, là đầu mối và chịu trách nhiệm chính trong quá trình triển khai thực hiện phổ cập giáo dục. Xây dựng kế hoạch thực hiện phổ cập giáo dục phải gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và sát với điều kiện thực tế của địa phương. Chủ động tham mưu với ủy ban nhân dân các cấp, sử dụng nguồn ngân sách địa phương có hiệu quả, tranh thủ huy động các nguồn kinh phí khác để thực hiện công tác phổ cập giáo dục. Chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương để tạo sự đồng thuận và tham gia tích cực, có hiệu quả đối với công tác thực hiện phổ cập giáo dục.

- Thực hiện phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống; do đó phải làm tốt và kịp thời công tác tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân có nhận thức đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của phổ cập giáo dục.

-  Cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các địa bàn khó khăn. Phát triển các trường dân tộc nội trú, lớp nội trú dân nuôi, lớp bán trú đối với các xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa; có chính sách hỗ trợ cao hơn đối với học sinh gia đình nghèo, gia đình thuộc diện chính sách xã hội; phải đặc biệt quan tâm hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác phổ cập giáo dục ở các vùng khó khăn. Tăng cường đội ngũ giáo viên và quan tâm đặc biệt đến đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

TS. Đào Nguyên Phúc 
Ban Tuyên giáo Trung ương

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất