Thứ Bảy, 23/11/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 30/5/2022 9:42'(GMT+7)

Giáo dục và tính nhân văn

(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Trong những ngày cuối năm học 2021-2022, bệnh thành tích trong giáo dục lại có cơ hội bộc lộ rõ. Tại Hà Nội, có những trường phổ thông cố "kéo" học sinh lên để gần như 100% học sinh đều xếp loại khá, giỏi.

Trong khi đó, một số trường THCS tại Hà Nội lại có biểu hiện ngăn cản các em có học lực kém thi vào lớp 10 để không làm ảnh hưởng tới thành tích của trường. Sự việc được phản ánh trên báo chí khiến dư luận bức xúc. Các nhà trường, cán bộ của ngành giáo dục thì luôn phủ nhận sự quy kết của dư luận và khẳng định đã làm đúng trách nhiệm, bổn phận... Tuy nhiên, nhìn chung dư luận không tin vào những lời giải thích ấy, bởi sự thật cứ sờ sờ trước mắt.

Chính bản thân con trai tôi cũng là nạn nhân của bệnh thành tích trong giáo dục. Con tôi đang học lớp 8A1 của một trường THCS điểm của Thủ đô. Cháu học các môn chính khóa như Văn, Toán chỉ ở mức thường thường. Cháu đặc biệt có năng khiếu hội họa. Nhưng hội họa chẳng có giá trị gì trong việc đánh giá năng lực học sinh. Biết cháu "đuối" hai môn Văn, Toán, gia đình tôi thuê gia sư kèm cháu học ngày, học đêm.

Thế nhưng, chỉ cách đây vài ngày, trong cuộc họp phụ huynh học sinh, giáo viên chủ nhiệm thông báo con tôi thuộc 30% các cháu trong lớp 8A1 có học lực trung bình và yếu, chủ yếu là do hai môn Văn, Toán không đạt yêu cầu. Qua lời nhận xét của giáo viên chủ nhiệm, đồng thời là giáo viên môn Văn, số học sinh nói trên - trong đó có con tôi - như những đứa trẻ vứt đi, sẽ không đủ khả năng thi vào bất cứ một trường THPT công lập nào tại Hà Nội. Giáo viên chủ nhiệm nói rằng: “Tôi sẵn sàng "đóng vai ác" để đánh giá đúng học sinh, duy trì chất lượng học tập của trường, của lớp!”. Và phương pháp giáo dục nghiêm khắc đến mức khắc nghiệt của lớp 8A1 khiến nhiều phụ huynh phản ánh con họ về nhà thường thẫn thờ, lủi thủi vào phòng đóng cửa im ỉm, thậm chí có cháu biểu hiện hoảng loạn khi học trực tuyến mà cô gọi tới tên. Một số cháu có vẻ tự ti về bản thân, trở nên rụt rè, ngại tiếp xúc, xấu hổ với bạn bè, nghĩ tới việc học là chán nản...

Giáo dục là vì sự phát triển của con người, vì thế phải mang tính nhân văn! Vì thế, ngành giáo dục có lẽ cần lưu ý, thầy và trò trong cả nước vừa trải qua một quãng thời gian dài học trực tuyến do dịch CIOVID-19, rất vất vả cho việc nắm bắt kiến thức nên việc kiểm tra, đánh giá phải phù hợp, tương ứng với điều kiện đặc biệt trên.

Giáo dục hướng tới nhiều mục tiêu. UNESCO xác định 4 trụ cột giáo dục, gồm: “Học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình” là rất sâu sắc. Thế nhưng, một cách đơn giản hơn mà chúng ta cần phải suy nghĩ: Phải chăng việc học tập, nhất là học tập ở cấp phổ thông của trẻ em, không phải là trở thành những đứa trẻ kiệt xuất, mà trước hết là để trở thành một đứa trẻ bình thường, phát triển trí tuệ, thể chất và tinh thần theo đúng lứa tuổi.   

Khuyến khích con người luôn nỗ lực phấn đấu, vươn lên, vượt qua giới hạn bản thân là điều cần làm. Nhưng điều đó cũng phải được áp dụng khéo léo giữa các đối tượng, có cách thức phù hợp, đó là sự khích lệ, chứ không nên là sự cưỡng ép khắc nghiệt. Một nền giáo dục vì con người có lẽ phải là một nền giáo dục giúp cho con người cảm thấy hạnh phúc hơn với việc học tập, tìm thấy niềm vui trong học tập, vì qua học tập, con người được phát triển các năng lực của bản thân, từ đó cảm thấy hạnh phúc hơn với cuộc sống.    

Để có được điều đó, thầy giáo, cô giáo - những người giữ trọng trách trong sự nghiệp trồng người phải luôn yêu thích, cảm thấy hạnh phúc với nghề của mình, từ đó truyền thụ kiến thức với cảm xúc tích cực tới học trò. Cô giáo phải như người mẹ hiền thì lớp học mới trở thành tổ ấm thứ hai của học sinh, mới nuôi dưỡng được nhân cách, tâm hồn của học sinh. Kiến thức là quan trọng, nhưng nếu nhân cách và tâm hồn không được nuôi dưỡng, bồi đắp hằng ngày thì đứa trẻ sẽ trở nên lệch lạc, rất nguy hiểm.

Do đó, mỗi con người trong xã hội, nhất là những người làm cha, làm mẹ đều mong mỏi ngành giáo dục có những đổi mới trong phương thức dạy và học, luôn đề cao tính nhân văn, tôn trọng và giúp đỡ học sinh cùng tiến bộ, để mỗi ngày tới trường là một ngày vui, con người được phát triển bản thân, trở thành công dân tốt, xã hội ngày càng tốt đẹp hơn./.

Hồ Quang Phương (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất