Thứ Bảy, 23/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Chủ Nhật, 10/10/2010 15:4'(GMT+7)

Giáo sư Vũ Khiêu-Người nặng lòng với Văn hiến Thăng Long

Sinh ra và lớn lên trên quê hương có truyền thống hiếu học, giàu truyền thống cách mạng (làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định), Đặng Vũ Khiêu (tên thật của Giáo sư Vũ Khiêu) đã tiếp nối truyền thống mảnh đất thành Nam, nêu tấm gương sáng về con đường cách mạng và tinh thần miệt mài, say mê lao động khoa học. Sớm giác ngộ cách mạng (trước năm 1945), hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn của chiến tranh, ông đã kinh qua nhiều công việc ở các cơ quan Đảng, tuyên huấn, văn hóa, nghiên cứu khoa học xã hội. Và nhất là với tinh thần hiếu học, bền bỉ nghiên cứu văn hóa Đông Tây, từ cổ đại đến hiện đại, quá trình khổ luyện, tự học, tự rèn rũa, nghiên cứu với tinh thần trách nhiệm cao, Giáo sư Vũ Khiêu đã tích lũy được vốn kiến thức phong phú, để trở thành một nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa lớn.
Theo cách mạng, tham gia phong trào quần chúng ở Tây Bắc, vùng tạm chiếm, ông đã đảm nhận những trọng trách lớn, với nhiều cương vị khác nhau, như Giám đốc Sở Thông tin khu X, khu XIV, khu Tây Bắc, Việt Bắc. Ông là một học giả nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học, là người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành xã hội học ở Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam)…Và ở môi trường nào với ý thức trách nhiệm cao, sự cầu thị, tự rèn luyện trong thử thách đã giúp ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Với những đóng góp to lớn trong lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, ông đã được tặng thưởng nhiều phần thuởng cao quý, nổi bật là Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu về khoa học công nghệ đợt 1 năm 1996 cho các công trình nghiên cứu “Anh hùng và nghệ sỹ” (1972), “Góp phần nghiên cứu cách mạng tư tưởng và văn hoá” (1987), “Người trí thức Việt Nam qua các chặng đường lịch sử”. Năm 2000, Giáo sư được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Tháng 12/9/2006, Giáo sư Vũ Khiêu được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất vì có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp phát triển khoa học xã hội và nhân văn, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với lòng say mê, không ngừng cống hiến cho văn hóa Thủ đô, ông cũng là người được ghi danh đầu tiên trong 10 công dân ưu tú của Thủ đô Hà Nội năm 2010.

Tấm gương sáng về tinh thần lao động

GS Vũ Khiêu là nhà khoa học hàng đầu, uyên thâm cả về văn hóa phương Đông và phương Tây, có những đóng góp to lớn trong nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam. Ông là tác giả của hơn 100 cuốn sách ở nhiều lĩnh vực: triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn... Các tác phẩm của ông về vấn đề đạo đức, văn hóa, như: Mác - Ăng-ghen - Lênin bàn về đạo đức, Đạo đức mới, Đẹp (1963), Góp phần nghiên cứu cách mạng tư tưởng và văn hóa (1967), Anh hùng và nghệ sĩ (1972), Đảng ta bàn về đạo đức (1974), Mấy vấn đề về đạo đức cách mạng (1976), Anh hùng và nghệ sĩ, Con người mới Việt Nam và sứ mệnh quang vinh của văn nghệ, Cách mạng và nghệ thuật (1979), Năm mươi năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1995)... Ngoài ra, ông còn dành nhiều sự đam mê cho nghiên cứu, biên soạn nhiều tác phẩm văn học, nghiên cứu các nhà tư tưởng lớn trong lịch sử như Nguyễn Trãi (1980), Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu (1981), Tuyển tập Cao Bá Quát, Văn thơ Ngô Thì Nhậm (1986)…Những công trình trên là những cống hiến rất quan trọng, khái quát lịch sử tư tưởng Việt Nam từ tầm cao cũng như chiều sâu lịch sử; góp phần đào tạo đội ngũ nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực về đạo đức học, mỹ học, văn học, lịch sử tư tưởng, tư tưởng Hồ Chí Minh…

Người nặng tình với Thăng Long ngàn năm văn hiến

Nhưng trên hết vẫn là tình yêu ông dành cho mảnh đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Niềm đam mê ấy, trước hết với tư cách của một công dân ưu tú gắn bó với Thủ đô, tự thấy trách nhiệm đóng góp như sự hối thúc của trái tim và tư cách của một trí thức Thủ đô, một nhà văn hoá trước nhiệm vụ tập hợp, đánh giá lại các giá trị, các tầng văn hoá, văn hiến Thủ đô. Giờ đây, dù tuổi 95 - độ tuổi đáng được nghỉ ngơi, Giáo sư vẫn dẻo dai, minh mẫn, miệt mài, nghiên cứu, làm việc với cường độ cao, hoàn thành nhiều công trình lớn, trong đó có các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hiến Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi. Các ông trình đồ sộ trong các lĩnh vực khoa học, nghiên cứu, biên soạn về Thủ đô Hà Nội tiêu biểu, như: Văn hóa Thủ đô hôm nay và ngày mai (1991), Danh nhân Hà Nội, Bàn về Văn hiến Việt Nam (2007), Tìm hiểu ngàn năm văn hiến Thăng Long, Tuyển tập truyện ngắn Thăng Long – Hà Nội… Giáo sư còn là Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học cho Nhà xuất bản Hà Nội, chỉ đạo thực hiện kế hoạch xây dựng Tủ sách 1000 năm Thăng Long với 100 bộ sách, mỗi bộ khoảng 1.000 trang.

Có lẽ đáng nể trọng hơn ở tuổi 95, GS Vũ Khiêu vẫn minh mẫn, sáng suốt, đảm nhận trách nhiệm lớn là chủ trì Hội đồng Biên soạn Tổng tập 1000 năm văn hiến Thăng Long, Bách khoa thư Hà Nội (bộ 18 tập). Trong đó, Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long được đánh giá là công trình văn hóa quý giá, đồ sộ, có tính hệ thống nhất tập hợp các bài viết về Thăng Long - Hà Nội trong 1000 năm qua do Nhà xuất bản văn hóa thông tin và Thời báo kinh tế Việt Nam phối hợp xuất bản. Tổng tập 1000 năm văn hiến Thăng Long trọn bộ 4 tập, dày 12.000 trang, nặng 27kg, in khổ 20,5 x 31cm, có hơn 5.000 tranh, ảnh. Bộ sách là một bộ tư liệu quý cho các thư viện, các nhà nghiên cứu, các học sinh, sinh viên... cung cấp những kiến thức về Hà Nội nói riêng, đất nước nói chung trên 28 lĩnh vực thể hiện cái nhìn toàn cảnh về diễn trình 1.000 năm lịch sử - văn hóa Thăng Long trên nhiều bình diện, từ bộ máy nhà nước, khoa học quân sự, khoa học - kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, lịch sử, văn hóa - nghệ thuật, dân cư, con người, làng mạc các tổ chức xã hội... đến Thăng Long - Hà Nội trong mắt người nước ngoài. Tổng tập 1000 năm văn hiến Thăng Long là kết quả của hơn 7 năm lao động miệt mài (2002-2009) và 5 năm soạn thảo nguồn tư liệu, cùng các thành viên tham gia Hội đồng Biên soạn, gồm: Cố Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng (đồng Chủ tịch), GS Hoàng Minh Thảo, GS Đào Nguyên Cát, Bùi Việt Bắc (Phó Chủ tịch) và các ủy viên: GS, TSKH Đinh Ngọc Lân, GS Phan Ngọc, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Nhà phê bình âm nhạc Hồ Quang Bình, họa sĩ An Chương, bác sĩ Đức Thông, GS Hà Minh Đức, GS Phạm Đức Dương, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, nhà nghiên cứu văn hóa cổ phương Đông Nguyễn Hoàng Điệp. Tổng tập 1000 năm văn hiến Thăng Long do GS. Vũ Khiêu, GS. Hoàng Minh Thảo chịu trách nhiệm bản thảo, GS.TS Nguyễn Phú Trọng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, TS. Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành uỷ Hà Nội viết lời tựa. Đây là sản phẩm tinh thần của 1.200 tác giả, cộng tác viên và sự đóng góp của hàng trăm cơ quan Bộ, Sở, Ban, ngành, Cục, các trường đại học, Viện nghiên cứu, các hội đoàn thể của Trung ương và Hà Nội.

Bộ sách giúp chúng ta đánh giá giá trị văn hiến Thăng Long, có quyền tự hào về Thủ đô 1000 tuổi, về tính bền vững, ổn định của một quốc gia, về những trầm tích lịch sử, văn hoá. Về thời gian, Thăng Long - Hà Nội là một trong những Thủ đô cổ kính trên thế giới. Trải qua mười thế kỷ, kể từ khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long và trước đó, khi Hà Nội còn chưa có tên, trải qua muôn vàn thử thách trước công cuộc chinh phục thiên nhiên, chống giặc thù hung bạo, kiến thiết cuộc sống, nhân dân Hà Nội và cộng cư đã xây dựng một nền văn hiến rực rỡ ở khu vực Đông Nam Á. Nền văn hiến đó trước hết là sự khẳng định con người, đề cao giá trị làm người, con người với tinh thần quả cảm, yêu nước, nhân hậu, đoàn kết, tự hào về cội nguồn và hiểu sâu sắc hơn ai hết ý nghĩa 2 chữ Đồng bào; sát cánh bên nhau trong mọi hoàn cảnh “có ngoại xâm thì chống ngoại xâm, có nội thù thì vùng lên đánh bại” (Nguyễn Khoa Điềm); tinh thần nhân văn cao cả và lối sống trọng tình nghĩa (Chị ngã em nâng, Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, Thương người như thể thương thân…). Đó là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, là tinh thần yêu chuộng tự do, độc lập - một biểu hiện khác của nhân văn. Nền văn hiến đó còn được biểu hiện bằng những con người hiền tài, tiêu biểu là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh - những người được công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới. Hồ Chí Minh là tượng trưng cao đẹp nhất của văn hóa Việt Nam được hun đúc qua mấy ngàn năm lịch sử. Đó là tình gia đình, làng xóm; lòng yêu nước, ý chí quật cường trong dựng nước và giữ nước; truyền thống đoàn kết, tinh thần nhân nghĩa, tương thân tương ái; cần cù, dũng cảm, thông minh sáng tạo; sẵn sàng tiếp thu những giá trị văn hóa từ bên ngoài. Đúng như đồng chí Lê Duẩn đã nói: “Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn ngàn năm lịch sử” (1).

Tại buổi lễ ra mắt toàn bộ công trình Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long tại Hà Nội, GS Vũ Khiêu cùng nhóm tác giả trong Hội đồng Biên soạn sách vinh dự được nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hà Nội, đánh giá cao công trình đồ sộ ấy không chỉ về quy mô, hình thức mà còn thể hiện sâu sắc công sức và tấm lòng với Hà Nội của Hội đồng Biên soạn và tác giả tham gia thực hiện. Thay mặt Hội đồng Biên soạn, GS Vũ Khiêu bày tỏ: “Bộ tổng tập này có vinh dự là bông hoa đầu tiên, trong những bông hoa tinh thần sẽ kế tiếp nhau đua nở để chào mừng ngày đại lễ. Tổng tập này không có tham vọng thỏa mãn mọi nhu cầu phong phú của đông đảo độc giả trong và ngoài nước đang tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội, nhưng đã phần nào phác họa được một bức tranh toàn cảnh về văn hiến Thăng Long và trở thành bộ sách để giúp độc giả tra cứu và thu nhận những kiến thức tối thiểu trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thủ đô ngày xưa và hôm nay”.

Với riêng mình, cũng bởi tình yêu với Hà Nội, từ 10 năm trước, nhân dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, ông đã ấp ủ một ý tưởng làm một trong việc gì đó có ý nghĩa cho Hà Nội 1000 tuổi. Cũng vì dự định ấy, trong suốt 10 năm qua, vị giáo sư cần mẫn ấy âm thầm, lặng lẽ sưu tầm, ghi chép để thực hiện dự định, hoàn thành “mệnh lệnh của trái tim” nghiên cứu những giá trị văn hoá của Thăng Long – Hà Nội trải qua 1000 năm với những biến cố lịch sử.

Trước thềm Đại lễ, ngoài cương vị Chủ tịch Hội đồng biên soạn bộ sách Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long, ông dành hết thảy quỹ thời gian, tập trung cao độ, làm việc cả ngày lẫn đêm, chỉ cho phép ngủ chừng 3 tiếng, dành toàn bộ tâm huyết, sức lực khẩn trương để hoàn thành bộ 3 tập Văn hiến Thăng Long với hơn 2.400 trang, kết cấu 3 phần, gắn với những mốc lớn của lịch sử:

Tập I: Văn hiến Thăng Long ra đời từ thời Lý Thái Tổ và Vương triều Lý đến triều đại Tây Sơn của Nguyễn Huệ...

Tập II: Văn hiến Thăng Long – Hà Nội kể từ khi Đảng Lao động Việt Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay) ra đời đến Đại thắng mùa xuân năm 1975;

Tập 3: Một Hà Nội hôm nay với những thuận lợi, khó khăn và triển vọng phát triển.

Kết cấu tập sách khá khoa học, khoa học đến từng chương, mục. Ví dụ: Văn hiến Thăng Long ra đời từ thời Lý Thái Tổ và Vương triều Lý; Sự phát triển toàn diện của văn hiến Thăng Long qua cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Trãi; Văn hiến Thăng Long trước sự suy thoái dần dần của chế độ phong kiến Lê – Trịnh và sự bừng dậy của chủ nghĩa nhân văn thế kỷ XVIII…

Vinh dự và trách nhiệm với đất nước, với Thủ đô đã thúc đẩy GS Vũ Khiêu làm việc không ngừng nghỉ. Bộ sách là những trang bút ký của ông về Thủ đô – Thành phố Vì hoà bình. Nó được viết với tinh thần tự nguyện, không vì mục tiêu nào khác ngoài tình yêu nồng nàn với Hà Nội, như GS Vũ Khiêu nói: "Đây là một đề tài tôi không đăng ký với bất cứ một cơ quan hay nhà xuất bản nào. Cũng không do ai đặt hàng, đầu tư nghiên cứu. Đây chỉ là một đề tài mà trái tim tôi tự giao trách nhiệm cho tôi để phục vụ cho Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến".

Có thể nói, đề tài Thăng Long - Hà Nội đã được GS Vũ Khiêu dành nhiều thời gian, tâm huyết và sức lực.

Một tấm gương sáng về nhân cách văn hóa
Có được sự nghiệp khoa học lớn lao, nhưng trong cuộc sống đời thường, GS Vũ Khiêu là con người bình dị, trung thực, nặng tình với gia đình, bạn bè, quê hương, đất nước. Ông thường tặng bàn bè câu đối, với lối viết thư pháp đẹp, uyển chuyển “Như phượng múa rồng bay”. GS. Vũ Khiêu, một người con ưu tú, một học giả, một Anh hùng lao động và càng quý trọng hơn, ông là người sống thanh bạch và liêm chính, không chạy theo những lợi ích vật chất tầm thường. Đối với Giáo sư, phẩm giá con người, tình nghĩa chung thuỷ là điều ông quan tâm nhất. Với ông, công việc là niềm vui, là rèn luyện cả trí tuệ và sức khỏe. Tại Đại hội thi đua của Thủ đô Hà Nội tháng 8/2010 vừa qua, Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu vinh dự được thành phố trao tặng danh hiệu "Người công dân tiêu biểu của Thủ đô". Khi nhận danh hiệu cao quý này, GS Vũ Khiêu cho rằng "Tôi lại không thể nghỉ ngơi được nữa. Năm nay tôi đã 95 tuổi, nếu trời cho thọ tới 100 tuổi thì tôi vẫn còn 5 năm để sống và làm việc. Tôi dồn hết tâm huyết để tiếp tục phục vụ Tổ quốc, phục vụ Thủ đô". Câu nói giản dị ấy cũng tương tự như tâm sự của ông cách đây 10 năm (2000), khi được được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới "Vào tuổi 85 được nhận danh hiệu Anh hùng, tôi nghĩ rằng đã là anh hùng, thì sao có thể có ngày nghỉ. Tôi lại quyết tâm trở về với công việc và nguyện rằng từ đây cho đến lúc xuôi tay, tôi sẽ không có một ngày nào nghỉ".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi ông là “Một nhà triết học Cách mạng”. GS Trần Văn Giàu từng nói: “Tôi và Vũ Khiêu là bạn tri âm từ khá lâu, bao nhiêu nước chảy dưới cầu Long Biên – Chương Dương là bấy nhiêu kỷ niệm tốt đẹp giữa Khiêu, Giàu”.
Trải qua nghìn năm phát triển, Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ những tinh hoa Đại Việt, nơi sáng tạo ra những giá trị văn học nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt là xây dựng được phong cách, thái độ ứng xử thanh lịch, cao đẹp giữa con người và con người:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An
Điều cần khẳng định, đây là kết quả của một tình yêu, một tâm huyết lớn vào Hà Nội trước Đại lễ nghìn năm. Tình yêu ấy đã giúp ông lao động phi thường, rất đáng trân trọng. Giáo sư Vũ Khiêu là một nhà khoa học, một tấm gương lao động sáng tạo, tiêu biểu về trí tuệ, đạo đức, phẩm chất thanh cao, lối sống giản dị và tấm lòng tình nghĩa. Với ông, thời gian rất quý, nhưng đáng quý hơn là biết tận dụng thời gian để làm việc có ích cho Tổ quốc, cho nhân dân và cho con cháu mình. Giáo sư không cho cho phép bộ óc biếng lười. Ông tự nhủ: Làm việc, làm việc. Sống vui, sống khoẻ, sống có ích là phương châm sống của ông. Đảng, Chính phủ đánh giá cao Con người và sự nghiệp của Giáo sư với những cống hiến quan trọng trên nhiều lĩnh vực, kiên trì không mệt mỏi cho khoa học, đặc biệt nghiên cứu văn hoá, đạo đức. GS Vũ Khiêu rất xứng đáng được những danh hiệu và giải thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước đã phong tặng, nhất là những công trình nghiên cứu văn hóa, đạo đức. Những công trình đó đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

TS. Lê Thị Bích Hồng

Tài liệu tham khảo

1- Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, trang 516.

2- Tư liệu Giáo sư Vũ Khiêu.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất