Chủ Nhật, 24/11/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 3/11/2012 16:41'(GMT+7)

Vai trò của truyền thông trong chăm sóc sức khỏe sinh sản

Cán bộ truyền thông dân số phát tờ rơi, tuyên truyền kiến thức CSSKSS cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở tỉnh Lâm Ðồng.

Cán bộ truyền thông dân số phát tờ rơi, tuyên truyền kiến thức CSSKSS cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở tỉnh Lâm Ðồng.

Trong đó có sự đóng góp quan trọng của các hoạt động truyền thông. Bộ Y tế đã, đang phối hợp các bộ, ngành, các cơ quan truyền thông tích cực triển khai từ truyền thông vận động nâng cao nhận thức đến thay đổi hành vi, tạo môi trường thuận lợi, giúp công tác hoạt động chuyên môn về SKSS đạt kết quả.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, nhờ sự đóng góp tích cực của các hoạt động truyền thông, đến nay hệ thống các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật  hỗ trợ công tác chăm sóc SKSS, các hướng dẫn, quy trình kỹ thuật ngày một hoàn thiện. Hệ thống tổ chức mạng lưới chăm sóc SKSS, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em được kiện toàn củng cố, năng lực trình độ cán bộ y tế được nâng cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS được đầu tư nâng cấp. Tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em giảm đáng kể, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều nỗ lực và là điểm sáng về thực hiện và hoàn thành nhiều mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có mục tiêu về giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em. Tỷ số tử vong mẹ giảm hơn ba lần (từ 233/100 nghìn xuống còn 69/100 nghìn trẻ đẻ sống). Tại Hội nghị Khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa diễn ra tại Hà Nội, WHO đánh giá cao Việt Nam trong việc hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ, tỷ lệ tử vong trẻ dưới một tuổi, tỷ lệ tử vong mẹ đều thấp hơn rất nhiều so các quốc gia có cùng điều kiện kinh tế.

Công tác truyền thông vận động thực hiện chính sách, truyền thông thay đổi hành vi trong lĩnh vực chăm sóc SKSS được đặc biệt chú trọng, đã tạo môi trường xã hội thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động chuyên môn. Các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh từ trung ương tới tận thôn, bản với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và trên các phương tiện truyền thông khác nhau để đông đảo tầng lớp nhân dân được tiếp cận với những thông tin đầy đủ, chính xác về công tác  chăm sóc SKSS nói chung và chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em nói riêng. Bộ Y tế phối hợp các bộ, ngành liên quan, các cơ quan truyền thông tích cực triển khai các hoạt động truyền thông, nhất là truyền thông vận động nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tạo môi trường thuận lợi về chăm sóc SKSS. Ðồng thời, tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng những hoạt động nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ thông qua các khóa đào tạo giảng viên tuyến tỉnh về kỹ năng truyền thông trực tiếp cho cán bộ y tế, trong đó y tế thôn, bản được chú trọng đào tạo; phối hợp các ban, ngành, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Ðoàn Thanh niên và các già làng, trưởng bản làm công tác truyền thông, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác thông tin giáo dục truyền thông, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Tại các địa phương, hoạt động truyền thông được tổ chức bằng nhiều hình thức phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội, từng nhóm đối tượng cũng như lồng ghép với hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, phát tờ rơi cho các nhóm đối tượng. Hoạt động truyền thông cũng được kết hợp cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, trong các chiến dịch hoặc từng chủ đề trọng tâm trong năm trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngoài ra, hoạt động tư vấn trong hoạt động chăm sóc SKSS được duy trì với chất lượng ngày càng cao.

Tuy nhiên đến nay, công tác chăm sóc SKSS ở nước ta còn nhiều thách thức. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới một tuổi, dưới năm tuổi đã giảm  nhưng tử vong sơ sinh còn cao và tốc độ giảm còn chậm. Vẫn còn khoảng cách lớn về tình trạng sức khỏe sinh sản giữa các khu vực, giữa các nhóm thu nhập, giữa đồng bằng và miền núi, thành thị và nông thôn, thậm chí giữa chính các khu vực miền núi. Trong khi đó, xu hướng bệnh tật với trẻ em đang chuyển dần từ các bệnh nhiễm khuẩn sang các bệnh rối loạn chuyển hóa, di truyền và hậu quả của tai nạn thương tích; gánh nặng kép về dinh dưỡng (suy dinh dưỡng trẻ em còn ở mức cao, tình trạng thừa cân béo phì có xu hướng gia tăng). Các vấn đề SKSS, sức khỏe tình dục ở nhóm đối tượng đặc thù: vị thành niên, thanh niên, người cao tuổi, người di cư, công nhân ở các khu công nghiệp... chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó chưa có đủ nguồn lực để triển khai các can thiệp, nhất là tình trạng thiếu cán bộ tại các bệnh viện khu vực miền núi, các tỉnh khó khăn...

Khắc phục tình trạng đó, từng bước thực hiện các mục tiêu đề ra, cần tiếp tục  phát huy vai trò của hoạt động truyền thông trong vận động, xây dựng chính sách và truyền thông thay đổi hành vi về giáo dục, tư vấn về SKSS. Ðồng thời đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông, cung cấp thông tin nhiều hơn nữa cho lãnh đạo các cấp; sử dụng đa dạng hóa các kênh truyền thông: các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp, mở rộng giáo dục giới tính, giáo dục SKSS trong hệ thống các trường học./.

(Hoàng Minh/ND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất