Chủ Nhật, 24/11/2024
Sức khỏe
Thứ Sáu, 2/11/2012 13:55'(GMT+7)

Trẻ suy dinh dưỡng: Nguy cơ bị nhiều bệnh mãn tính

Đáng lo ngại là tỷ lệ trẻ em Việt Nam bị suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn cao sẽ dẫn đến các hậu quả về khả năng nhận thức của trẻ em, cũng như tiềm ẩn nhiều loại bệnh sau khi trưởng thành.

2,1 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi


Theo Viện Dinh dưỡng, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ đặc biệt là ở các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai.

Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2010 của Viện Dinh dưỡng cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em nước ta là 17,5% (chỉ tiêu cân nặng/tuổi).

Tại Việt Nam hiện nay có 20 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố có mức suy dinh dưỡng trẻ em trên 20%. Như vậy, Việt Nam được xếp ở mức cao theo phân loại của WHO.

Ước tính Việt Nam còn gần 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng nhẹ cân, khoảng 2,1 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi (chiếm tỷ lệ 1/3 trong tổng số trẻ) và khoảng 520.000 trẻ em suy dinh dưỡng gầy còm.

Điều đó cho thấy, Việt Nam vẫn nằm trong số 36 quốc gia trên phạm vi toàn cầu có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao.

Đặc biệt, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ hiện nay không đồng đều ở các vùng sinh thái khác nhau. Mức suy dinh dưỡng thấp còi ở các vùng miền khó khăn có thể cao gấp đôi so với vùng đồng bằng.

Điển hình như tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở khu vực Tây Nguyên, vùng núi và vùng cao nguyên phía Bắc, vùng bắc miền Trung và ven biển miền Trung là đáng lo ngại nhất, vẫn ở cấp độ cao (trên 30%).

Nguy cơ bị nhiều bệnh mãn tính

Bà Nguyễn Thị Lâm – Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, những trẻ bị suy dinh dưỡng ở thể thấp còi có nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.

Bà Lâm dẫn chứng, rất nhiều các nghiên cứu trên thế giới cũng đã nghiên cứu và cho thấy, những trẻ em từ giai đoạn trong bụng mẹ đến những tháng đầu đời có ảnh hưởng khá nhiều đến tình trạng sức khỏe khi trưởng thành.

Chẳng hạn như những trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, nó phản ánh quá trình thiếu ăn kéo dài, và trẻ thường hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Vì vậy, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng phát triển của các cháu.

Theo bà Lâm, nhiều trẻ nhỏ hồi bé bị suy dinh dưỡng thấp còi sau này lớn lên có liên quan đến tỷ lệ thừa cân béo phì, các bệnh về tim mạch, tiểu đường...

Bà Lâm phân tích, khi trong điều kiện thiếu ăn kéo dài như vậy khiến cho cơ thể của trẻ thích nghi với điều kiện thiếu ăn thường xuyên và có tính chất tiết kiệm sử dụng năng lượng, các chất dinh dưỡng. Vì vậy, khi mà chế độ ăn sau này dư thừa một chút thì cơ thể những vẫn ở trong tình trạng tiết kiệm như vậy.

Do đó, những người đó họ không có tiêu tốn năng lượng nhiều do đó họ dễ bị tích lũy thừa năng lượng như thừa cân, béo phì. Và khi bị thừa cân béo phì thì người đó sẽ có nguy cơ các bệnh tim mạch, tiểu đường.

“Thực tế hiện nay cho thấy, thường bệnh tiểu đường chỉ xảy ra ở những người béo, tuy nhiên ở Việt Nam có khá nhiều trường hợp người gầy cũng mắc bệnh này, phải chăng là do bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi từ hồi nhỏ” – Bà Lâm cho hay.

Vì vậy, để phòng chống nhiều loại bệnh cho trẻ nhỏ, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên các bậc phụ huynh luôn quan tâm đến bữa ăn của trẻ nhỏ, với đầy đủ chất dinh dưỡng để tránh tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi./.

Suy dinh dưỡng thấp còi biểu hiện tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài, ảnh hưởng đến chiều cao và là chỉ tiêu quan trọng nhất của chất lượng dinh dưỡng.

Suy dinh dưỡng thấp còi là chỉ tiêu đánh giá dinh dưỡng kém trong giai đoạn bào thai và giai đoạn 2-5 năm đầu tiên của trẻ em.

Thùy Giang (Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất