(TCTG) - Đó là nội dung được đề cập đến tại Hội nghị quốc tế chuyên đề chăm sóc vết thương khai mạc sáng 1/11 tại Hà Nội.
Hội nghị có sự tham dự của đông đảo đại diện các tổ chức, bệnh biện, trường đại học quốc tế và trong nước, đại diện cho đội ngũ điều dưỡng của Việt Nam hiện công tác tại các bệnh viện Trung ương và địa phương.
Hội nghị góp phần thực hiện mục tiêu làm tốt công tác chăm sóc toàn diện đối với người bệnh của các điều dưỡng, học hỏi, cập nhật kiến thức mới, tiên tiến, tăng cường hợp tác quốc tế, kết hợp chuyên gia nước ngoài.
Hội nghị đã nghe nhiều báo cáo khoa học và chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu trong nước và quốc tế về chăm sóc vết thương của điều dưỡng như: Kinh nghiệm chăm sóc vết thương mạn tính của Helen Edwards, đến từ Đại học công nghệ Queensland, Úc; Điều trị các vết thương viêm loét động mạch giai đoạn IV của Josiane Bourinat, bệnh viện Limoges, Pháp; Nâng cao chất lượng chăm sóc của điều dưỡng của Genevieve Gray, Giám đốc dự án tăng cường năng lực điều dưỡng tại Việt Nam; Chuẩn năng lực điều dưỡng Việt Nam của Ths Nguyễn Bích Lưu, Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam…
Cán bộ điều dưỡng có vai trò quan trọng trong công tác khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng điều trị, dinh dưỡng, giảm tỷ lệ tử vong cho người dân trong cả nước. Tuy nhiên, tính khắc nghiệt về đội ngũ điều dưỡng chuyên nghiệp là rất cao trong khi đó, chất lượng đào tạo đội ngũ điều dưỡng các trường ngoài công lập và công lập chưa đồng đều, nhất là chất lượng trong thực hành của học viên. Vấn đề đặt ra là cần xây dựng đội ngũ điều dưỡng chuyên nghiệp để đáp ứng chất lượng chăm sóc, khám chữa bệnh.
Theo Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam Nguyễn Bích Lưu, các thách thức đối với đội ngũ điều dưỡng Việt Nam hiện nay là: Yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế; đòi hỏi về nhu cầu chăm sóc; thiếu giáo viên chuyên ngành (70% giáo viên là nghề khác); thiếu, mất cân đối trình độ giáo dục giữa vùng, miền, cấp độ bệnh viện; chưa phân biệt rõ phạm vi thực hành theo văn bằng đào tạo, thậm chí chưa làm đúng chức năng nghề nghiệp.
Đặc biệt, thách thức lớn là đội ngũ điều dưỡng chưa đáp ứng được các chuẩn nghề nghiệp theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Giáo dục điều dưỡng dựa vào năng lực; trình độ tối thiểu (cao đẳng, đại học); khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học. Trong bối cảnh chung đó, nhu cầu chuẩn hóa về hệ thống đào tạo, giáo viên, chương trình đào tạo, cơ sở trường, bệnh viện thực hành và chuẩn đầu ra là rất cao.
Nhiều tính mạng có thể được cứu vớt và nhiều bệnh tật có thể phòng ngừa hoặc quản lý được bằng những can thiệp do người điều dưỡng và hộ sinh thực hiện với những chi phí không nhiều và những kỹ thuật không khó. Trong khi đó, lực lượng lao động điều dưỡng và hộ sinh đang thiếu và chưa được đào tạo đầy đủ ở nhiều nơi trên thế giới.
WHO |
Theo so sánh nhân lực y tế giữa các nước Đông Nam Á, tỷ lệ điều dưỡng và hộ sinh/ vạn dân của Việt Nam là 11,7, cao hơn tỷ lệ của Indonesia, Campuchia và Lào và thấp hơn nhiều so với của Thái Lan (28) và Philipin (61).
Theo số liệu chung về trình độ điều dưỡng theo tuyến của Việt Nam, điều dưỡng trình độ trên đại học gần như không có. Xét theo tuyến, ở tuyến trung ương, điều dưỡng trình độ trên đại học chiếm 0,1%, khối tư nhân tỷ lệ này cũng là 0,1%. Tuyến tỉnh, huyện, ngành không có điều dưỡng trình độ trên đại học. Trên phạm vi cả nước, điều dưỡng có trình độ đại học chiếm 5%; cao đẳng 4,5%; trung học 85,9% và sơ học 4,3%.
Hiện nay, WHO khuyến cáo chương trình đào tạo cần xây dựng dựa vào năng lực. Các nước ASEAN yêu cầu các nước thành viên thực hiện cam kết công khai chuẩn năng lực và chương trình đào tạo điều dưỡng. Bên cạnh đó, nhu cầu hội nhập là tất yếu, có thể di chuyển điều dưỡng đến các nước thiếu, cần công nhận lẫn nhau…
Dương Ngọc