Thứ Bảy, 7/12/2024
Văn hóa - Xã hội
Thứ Tư, 13/3/2024 15:1'(GMT+7)

Gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa để đưa Nam Định phát triển nhanh và bền vững

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Nhà truyền thống ngành dệt may Việt Nam tại thành phố Nam Định. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Nhà truyền thống ngành dệt may Việt Nam tại thành phố Nam Định. (Ảnh: TTXVN)

GIỮ GÌN, BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ ĐẶC SẮC CỦA VĂN HÓA

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, trong đó yếu tố cốt lõi là các giá trị văn hóa được con người sáng tạo và kết tinh trong quá trình lịch sử, hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng xây dựng, phát triển văn hóa, con người trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Là người dành rất nhiều sự quan tâm cho việc giữ gìn và phát triển văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều bài viết, bài phát biểu về văn hóa, trở thành những tư tưởng lớn để các cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân thực hiện, góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Xuyên suốt bài phát biểu, Tổng Bí thư nhấn mạnh đến vai trò, sứ mệnh của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh có những thời cơ và thách thức mới.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “phải soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Đồng thời, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ của cả nước chung tay thực hiện, tạo bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nam Định là tỉnh có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc, truyền thống yêu nước và cách mạng, có diện tích tự nhiên gần 1.700km2, dân số gần 2 triệu người (tỷ lệ công giáo chiếm 25 % dân số) với 10 huyện, thành phố và 226 xã, phường, thị trấn. Quê hương Nam Định có nhiều nhà văn hóa lớn, nhiều bậc hiền tài, khoa bảng, những chiến sĩ cách mạng tiền bối và nhiều nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta. Nam Định cũng là tỉnh có nhiều di sản văn hóa, trong đó nổi bật là những di sản có giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, như lễ hội Đền Trần, Phủ Dầy và những vùng văn hóa dân gian cổ truyền, như: hát chèo, rối nước, rối cạn, hát chầu văn và nhiều làng nghề truyền thống (đúc đồng, dệt, chạm khắc, sơn mài…).

Đặc biệt, Nam Định chính là quê hương, nơi phát tích của vương triều Trần - triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam; nơi phát sinh, hội tụ, lan tỏa thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, được Ủy ban Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xét duyệt và ghi danh vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (tháng 12/2016).

Là một tỉnh giàu truyền thống văn hóa cách mạng, trải qua tiến trình lịch sử đã hình thành nhiều giá trị văn hóa phong phú, thể hiện sinh động qua hệ thống văn hóa vật thể và phi vật thể với hơn 100 lễ hội truyền thống diễn ra hằng năm, Nam Định có gần 1.400 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần và chùa Phổ Minh; Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Keo Hành Thiện), 1 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; hơn 25.000 tài liệu, hiện vật, 5 nhóm bảo vật quốc gia đang trưng bày, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Nam Định.

Với nguồn tài nguyên văn hóa vô giá, chứa đựng giá trị tốt đẹp của vùng đất nơi đây, tỉnh đã tăng cường đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm cho sự phát triển ổn định và bền vững của tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh đã tích cực triển khai, tổ chức thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy thế mạnh, đặc trưng văn hóa của Nam Định, như: Đẩy nhanh dự án xây dựng Khu trung tâm Lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần với tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng, Khu di tích quần thể Phủ Dầy, Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Định đến năm 2030”, dự án cải tạo nâng cấp một số hạng mục quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh… Các địa phương trong tỉnh tăng cường xây dựng các nhà truyền thống, phòng truyền thống, nhà trưng bày nhằm lưu giữ và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa của quê hương, giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lòng yêu nước và nhân cách cho thế hệ trẻ.

Tận dụng nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng với nhiều danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật, tỉnh đẩy mạnh khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa để quảng bá, thu hút khách đến địa phương thông qua tổ chức các lễ hội truyền thống, như lễ hội khai ấn Đền Trần, lễ hội Phủ Dầy, lễ hội chùa Cổ Lễ, lễ hội chợ Viềng… được tổ chức thường niên, nhận được sự quan tâm, tham gia, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương tham quan, du lịch. Đây là kênh quảng bá giá trị văn hóa, tinh thần của cộng đồng trên địa bàn, qua đó góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc và đặc trưng văn hóa của con người Nam Định đến với đông đảo bạn bè trong và ngoài nước.

Xác định rõ văn hóa bao gồm cả văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, văn hóa cá nhân, văn hóa cộng đồng, Nam Định thường xuyên quan tâm chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Hiện nay, 100% số xã, phường, thị trấn, làng, thôn, xóm trong tỉnh có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa; gần 1.500 hương ước, quy ước làng, thôn, xóm, tổ dân phố được tỉnh phê duyệt. Phong trào văn hóa, thể thao phát triển mạnh mẽ với hơn 900 đội văn nghệ, câu lạc bộ văn hóa duy trì hoạt động ở địa bàn dân cư; gần 1.700 câu lạc bộ thể thao, thu hút số người tham gia luyện tập thường xuyên đạt trên 36% dân số. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Toàn tỉnh có 87% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 97% số thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa và trên 85% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư, bài trừ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội, khơi dậy lối sống văn hóa lành mạnh, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau cùng phát triển kinh tế ngày càng lan tỏa rộng khắp, qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh nông thôn, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường.

Lễ rước kiệu Ngọc Lộ - mở đầu cho Lễ hội Khai ấn Đền Trần xuân Giáp Thìn 2024 tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. (Nguồn: thanhpho.namdinh.gov.vn)

XÂY DỰNG CON NGƯỜI PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU, NHIỆM VỤ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Trong 6 nhiệm vụ Tổng Bí thư nêu trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc để chấn hưng văn hóa dân tộc, nổi lên và xuyên suốt chính là vấn đề xây dựng con người. Con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của mọi quá trình xây dựng, phát triển văn hóa. Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người phải được xem là tài sản, phải được khơi dậy và phát huy, nhất là việc khơi dậy lòng tự hào dân tộc, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước hùng cường, thịnh vượng, phát triển trong mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Con người cần được chăm lo bằng những chính sách cụ thể để ngày càng hoàn thiện hơn về tri thức, kỹ năng, cảm xúc, thể chất.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách tập trung xây dựng con người Nam Định phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, tri thức, thể chất, tâm hồn và trách nhiệm xã hội. Đặc biệt, Nam Định chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Tỷ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo đạt trên 75%.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức được chú trọng, chất lượng ngày càng nâng lên. Ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh - nhân tố quan trọng trong sự nghiệp trồng người với mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” - được đặc biệt quan tâm và đạt kết quả nổi bật với thành tích gần 30 năm liên tục trong tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục; nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Trong 9 năm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, Nam Định luôn nằm trong 3 tỉnh đứng đầu toàn quốc về điểm trung bình các môn thi, trong đó có 6 năm đứng thứ nhất. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng con người Nam Định đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, Nam Định thường xuyên chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật, nhất là lực lượng trẻ. Nhiều tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và từ các phong trào thi đua yêu nước của các địa phương, đơn vị được biểu dương, khen thưởng kịp thời, tạo sự lan tỏa trong đời sống xã hội, cộng đồng dân cư, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Với việc cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực văn hóa, nhất là vận dụng những tư tưởng chỉ đạo về văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển theo hướng bền vững.

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh những năm gần đây luôn cao hơn mức trung bình toàn quốc. Năm 2023, tổng sản phẩm GRDP đạt 10,19%, đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay (đứng thứ 6 toàn quốc), thu ngân sách vượt 10 nghìn tỷ đồng (đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra). Đã thu hút được một số tập đoàn lớn, công nghệ cao phát triển xanh, bền vững vào tỉnh.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 1,32%.

Công tác xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh thực hiện; đến nay, toàn tỉnh đã có 191/204 xã, thị trấn (đạt 93,6%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đặc biệt, trong năm 2023, tỉnh tổ chức thành công chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Nam Định. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên được nâng cao; hệ thống chính trị ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu quả; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

ĐỂ VĂN HÓA THỰC SỰ LÀ SỨC MẠNH NỘI SINH, LÀ ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN

Trước yêu cầu tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự là “sức mạnh nội sinh”, là “động lực phát triển” và “phải soi đường cho quốc dân đi”; giúp khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI, phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định xác định, thời gian tới tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ mới; quan tâm xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo… để nâng cao sức mạnh nội sinh, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống, nhất là trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào là lợi thế lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để phát huy tối đa sức mạnh và giá trị văn hóa, Nam Định cần thực hiện nghiêm khung khổ pháp lý, thể chế về văn hóa; rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt cơ chế, chính sách; ưu tiên phát triển một số lĩnh vực văn hóa mà tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế trên cơ sở gắn kết với sự phát triển của các tỉnh, thành phố lân cận và vùng nam đồng bằng sông Hồng. Chú trọng xây dựng cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động tốt mọi nguồn lực để đầu tư phát triển văn hóa, con người.

Thứ ba, huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; khai thác tiềm năng di tích gắn kết giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Chủ động tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc nói chung, văn hóa Nam Định nói riêng. Đổi mới các hoạt động văn hóa phù hợp với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của thời kỳ chuyển đổi số và phát triển công nghiệp văn hóa.

Thứ tư, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phải hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Tăng cường giới thiệu, quảng bá văn hóa, hình ảnh vùng đất, lịch sử, con người tỉnh Nam Định, tạo vị thế, sức mạnh nội sinh trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, qua đó đẩy mạnh thu hút xúc tiến đầu tư vào tỉnh. Khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân chủ động tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng, qua đó phát huy năng lực sáng tạo các giá trị văn hóa mới; từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn.

Thứ năm, quan tâm phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu của cơ quan chuyên trách và cán bộ làm công tác văn hóa, góp phần đưa những quan điểm chỉ đạo, nội dung, chương trình hành động thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về văn hóa thành hiện thực. Chú trọng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa đáp ứng ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới./.

PHẠM GIA TÚC
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định

(Nguồn: TC Cộng sản)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất