Chủ Nhật, 24/11/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 28/2/2024 9:24'(GMT+7)

Đổi mới cơ chế đặt hàng, tài trợ phim bằng ngân sách

Cảnh trong phim "Đào, Phở và Piano".

Cảnh trong phim "Đào, Phở và Piano".

Ngay cận kề Tết Giáp Thìn, ngày 6/2 (27 tháng Chạp) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó hai bộ phim truyện "Đào, Phở và Piano", "Hồng Hà nữ sĩ" chính thức nhập "đường đua" phim Tết 2024 cùng với 4 bộ phim tư nhân đầu tư sản xuất là "Mai", "Gặp lại chị bầu", "Trà" và "Sáng đèn". Quyết định của Bộ VHTTDL đưa ra vào thời điểm sát Tết khiến nhiều người bất ngờ và có phần hồi hộp bởi trong cuộc đua phim Tết, vì những lý do chủ quan và khách quan trong việc sản xuất và phát hành, các phim Nhà nước đặt hàng được đánh giá là có phần lép vế hơn.

Thật bất ngờ, cùng với sức nóng của phim "Mai", những ngày qua bộ phim "Đào, Phở và Piano" - lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946, đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội - đã gây "sốt" trong cộng đồng.

Quyền Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia (NCC) Vũ Đức Tùng cho biết, tính đến sáng ngày 18/2, sau 9 ngày khởi chiếu, bộ phim "Đào, Phở và Piano" (từng nhận Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23) đã nhận được lượng đặt vé tăng đột biến. Liên tục các ngày tiếp theo, bộ phim đều trong tình trạng "cháy vé".

Theo số liệu từ YouNet Media (một thành viên của YouNet Group, công ty hàng đầu cung cấp giải pháp phân tích dữ liệu mạng xã hội tại Việt Nam), trong ngày 20/2, "Đào, Phở và Piano" đã vượt qua "Mai", trở thành phim hot nhất mạng xã hội hiện nay. Tác phẩm tạo ra 152,9 nghìn lượt thảo luận trong 24 giờ. Do phim hiện chỉ chiếu duy nhất tại NCC nên nhiều khán giả trên cả nước đã bày tỏ nguyện vọng bộ phim được phổ biến rộng rãi tại các cụm rạp khác để mình có cơ hội được thưởng thức. Trước thành công bất ngờ trong việc phát hành phim "Đào, Phở và Piano", Cục Điện ảnh đã có đề xuất với Bộ VHTTDL về việc phát hành bộ phim "Đào, Phở và Piano" trên toàn quốc.

Ngày 20/2 thông tin với báo chí, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết, Cục đang triển khai ký hợp đồng với 2 đơn vị là Beta Media và Cinestar để phát hành bộ phim trong vòng 1 tháng. Có thể thấy đây là hiện tượng chưa từng xảy ra đối với phim sử dụng ngân sách nhà nước. Từ đây cũng đặt ra những vấn đề rất cấp thiết đối với việc tìm đầu ra cho phim Nhà nước đặt hàng.

Thực tế cho thấy thời gian qua không ít bộ phim sử dụng ngân sách nhà nước như: "Đừng đốt", "Sống cùng lịch sử", "Truyền thuyết về Quán Tiên", "Bình minh đỏ", "Đào, Phở và Piano", "Hồng Hà nữ sĩ",… được giới chuyên môn ghi nhận, thậm chí giành được những giải thưởng uy tín tại các kỳ liên hoan phim song lại chưa tạo được hiệu ứng tốt về mặt thị trường.

Có những phim chỉ phát hành, phổ biến vào các dịp kỷ niệm, liên hoan phim, hoặc được chuyển về các địa phương để chiếu phục vụ miễn phí cho người dân, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền. Dù mục tiêu quan trọng nhất vẫn là thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, nhưng việc nhiều bộ phim không thể ra rạp dù với bất kỳ lý do nào cũng là điều vô cùng đáng tiếc.

Phát biểu tại hội thảo "Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam" do Bộ VHTTDL tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 tổ chức vào tháng 11/2023, ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần phim Giải Phóng thẳng thắn chỉ ra rằng dù là phim làm ra nhằm phục vụ mục đích chính trị nhưng nếu không đến được với khán giả thì chưa thể coi là đã hoàn thành nhiệm vụ. Hiện con đường đưa phim được sản xuất từ vốn đầu tư của Nhà nước ra rạp đang gặp không ít rào cản, dẫn đến tình trạng nhiều bộ phim sau khi chiếu trong quy mô hạn hẹp đành cất kho. Theo phân tích của các chuyên gia thì việc phát hành các phim này phải xin ý kiến của cơ quan chức năng do đây là phim sản xuất theo đặt hàng, và các hãng chỉ sản xuất, gia công theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; phim hoàn toàn không có kinh phí cho việc phát hành phổ biến. Việc Nhà nước bỏ tiền sản xuất phim nhưng chưa tính tới phát hành hoặc chỉ chiếu vào những dịp đặc biệt đây là một trong những nguyên nhân khiến đầu ra của phim Nhà nước đặt hàng bị tắc như bấy lâu nay.

Trong khi đó các nhà sản xuất phim tư nhân luôn dành một khoản kinh phí đáng kể cho công tác phổ biến, phát hành, đồng thời coi đây là một khâu quan trọng, được tiến hành song song với hoạt động sản xuất phim. Chính vì thế, ngay từ lúc khởi động dự án phim công tác quảng bá đã được đẩy mạnh, thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận. Lợi thế về thông tin, với những cách thức quảng bá phù hợp đã mang lại hiệu quả rất lớn cho không ít bộ phim, nhất là trong thời buổi cạnh tranh thông tin diễn ra sôi động như hiện nay. Từ thực tế này đặt ra yêu cầu cần sớm có cơ chế giải quyết những bất cập trong việc "thông đường", nhằm nỗ lực đưa phim sử dụng ngân sách nhà nước sớm ra rạp. Đây vừa là mong mỏi của các nhà làm phim vừa là nhu cầu của công chúng.

Tuy nhiên, đưa được phim ra rạp mới chỉ là bước đầu tiên, điều quan trọng hơn đó chính là chất lượng của các bộ phim mới giúp bộ phim xác lập được chỗ đứng trong lòng khán giả. Cần thẳng thắn nhìn nhận một số phim đặt hàng do nguồn kinh phí hạn hẹp, do áp lực về nội dung, thông điệp truyền tải nhằm thực hiện mục đích tuyên truyền, nên cách thể hiện đôi khi còn khá khiên cưỡng, cứng nhắc, áp đặt, chưa thật sự hấp dẫn.

Vậy nên đã dẫn đến tình trạng có phim dù được đưa ra rạp song không thu hút được khán giả đến xem. Tất nhiên vì nhiệm vụ chính trị được giao không thể yêu cầu các phim được đặt hàng phải đạt mục tiêu "ăn khách", tìm mọi cách thu hồi vốn, tuy vậy việc những sản phẩm này chưa đến được với rộng rãi công chúng thật sự là điều rất đáng tiếc, vì vừa nguy cơ lãng phí về công sức, tiền bạc, vừa không đạt được mục đích tuyên truyền.

Mặt khác, với tư cách là một sản phẩm văn hóa nên một bộ phim dù là của Nhà nước hay của tư nhân sản xuất đều phải tuân theo quy luật thị trường, chấp nhận sự đánh giá của dư luận. Một sản phẩm kém chất lượng sẽ không thể kéo người xem đến rạp, dù là chiếu miễn phí.

Do đó áp lực với các nhà làm phim được đặt hàng càng tăng lên gấp bội. Tuy nhiên thử thách càng lớn thì càng tạo cơ hội cho những nhà làm phim có bản lĩnh, tài năng được thử sức và khẳng định mình. Nhìn rộng ra các nền điện ảnh trên thế giới không ít bộ phim sử dụng ngân sách đã được làm rất lôi cuốn, đáp ứng tốt cả tiêu chí nghệ thuật và thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

"Cơn sốt" hiện nay với phim "Đào, Phở và Piano" có thể coi như một cú huých đối với dòng phim sử dụng ngân sách nhà nước, giúp mở ra những hướng đi mới cho công tác phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách. Chưa vội bàn đến vấn đề thu hồi vốn vì điều này phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng xét trong bối cảnh thị trường thì việc đưa bộ phim có chất lượng ra rạp, được công chúng chấp nhận là một thành công cần được ghi nhận.

Từ trường hợp của "Đào, Phở và Piano" trước tiên cần ghi nhận sự mạnh dạn cũng như quyết tâm của Bộ VHTTDL khi đưa hai phim Nhà nước đặt hàng ra rạp vào đúng ngày mồng 1 Tết Giáp Thìn, giúp xóa bỏ định kiến vốn tồn tại lâu nay trong xã hội đó là phim Nhà nước đặt hàng chỉ thuần túy để phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Mục tiêu của Bộ VHTTDL đối với phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước hoàn toàn đúng đắn, đó là phải tối ưu hóa các phương thức phát hành phổ biến, đồng thời cân đối giữa hai nhiệm vụ phục vụ chính trị và phát hành thương mại; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phát hành, phổ biến phim nói riêng và hoạt động điện ảnh nói chung trong giai đoạn hiện nay.

Từ chỉ đạo kịp thời của cơ quan chủ quản, cũng cần khẳng định vai trò của Cục Điện ảnh và NCC trong việc chủ động đề xuất những cách làm sáng tạo, kịp thời nắm bắt tình hình để có những tư vấn, điều chỉnh kế hoạch linh hoạt giúp việc phổ biến phim đạt hiệu quả tốt. Bên cạnh đó cần thấy rằng công tác truyền thông, quảng bá, nhất là trên nền tảng mạng xã hội đóng một vai trò quan trọng trong việc lan tỏa thông tin và kéo người xem đến rạp.

Việc thí điểm thành công phim sử dụng ngân sách trong mùa phim Tết 2024 chắc chắn sẽ giúp các cơ quan chức năng cũng như nhà hoạch định chính sách có cơ sở tin cậy để xây dựng cơ chế khai thác hiệu quả đối với các phim sử dụng ngân sách trong giai đoạn tiếp theo.

Trường hợp "Đào, Phở và Piano" cho thấy trong bối cảnh hiện nay cần đặt ra yêu cầu phải thay đổi quyết liệt cách đầu tư và cách sử dụng tiền đầu tư sao cho hiệu quả đối với các phim sử dụng ngân sách nhà nước, cụ thể như vấn đề phân bổ hợp lý chi phí sản xuất phim với chi phí quảng bá, phát hành. Đồng thời, cần có cơ chế phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các đơn vị phát hành phim tư nhân cùng tham gia.

Một vấn đề cũng rất cần được tính tới đó là thay vì phim được Nhà nước đặt hàng và đầu tư toàn bộ chi phí thì cần mở rộng hình thức hợp tác công-tư. Nghĩa là Nhà nước và các đơn vị làm phim tư nhân cùng hợp tác, sản xuất phim, điều này sẽ làm giảm gánh nặng lên ngân sách nhà nước, vừa huy động được thế mạnh của các đơn vị làm phim tư nhân, giúp phát huy tư duy, năng lực sáng tạo của các nghệ sĩ cũng như thúc đẩy tính hiệu quả của việc xã hội hóa việc sản xuất phim.

Ý kiến của đạo diễn Charlie Nguyễn rất xác đáng khi cho rằng: "Khi phải chịu sức ép về doanh thu, chịu trách nhiệm về đồng tiền bỏ ra làm phim, mỗi đạo diễn sẽ nỗ lực cố gắng, tìm tòi để làm ra tác phẩm tốt nhất có thể". Đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy nền điện ảnh nước nhà ngày càng phát triển và thật sự trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn./.

THI PHONG (nhandan.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất