Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 27/9/2023 10:2'(GMT+7)

Gìn giữ, phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể Lễ hội đền Đông Cuông

Nghi lễ dâng hương tại Lễ hội Đền Đông Cuông. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Nghi lễ dâng hương tại Lễ hội Đền Đông Cuông. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Với những nét độc đáo, đặc sắc riêng, ngày 16/1/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định đưa Lễ hội đền Đông Cuông vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Nơi thờ chính Mẫu Thượng ngàn

Nằm bên con sông Hồng ngàn năm lịch sử, với gốc đa già hàng trăm năm tuổi, đền Đông Cuông mang vẻ đẹp cổ kính, uy nghi hiện lên giữa một vùng non xanh nước biếc. Đó cũng là nơi thờ chính Mẫu Thượng Ngàn linh thiêng, còn được coi là Bà Mẹ linh thiêng cai quản 81 cửa rừng trên đất Việt.

Đền Đông Cuông được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định là nơi thờ chính Mẫu Thượng ngàn trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; là nơi Mẫu Thượng Ngàn giáng sinh và ngự. Mẫu Thượng Ngàn tại Đông Cuông là đỉnh cao sự ngưng kết, chắt lọc kết hợp giữa tín ngưỡng thờ nữ thần và tín ngưỡng thờ thần rừng, gắn với nền kinh tế nông nghiệp. Mẫu đại diện thần Mẹ ở nơi rừng núi, hòa hợp với cõi trần tục, được dân chúng suy tôn và xếp vào bậc hiển thánh trong đạo Tam phủ.

Bà Lã Thị Liền, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết, theo truyền tụng, đền Đông Cuông trước đây vốn là một ngôi miếu nhỏ thờ thần núi, thần rừng. Ngôi miếu này trở thành đình vào thời Lê và đến triều Nguyễn đổi thành đền. Theo ghi chép của Nhà bác học Lê Quý Đôn trong bộ sách “Kiến văn tiểu lục”, ngôi miếu này thờ Đông Quang công chúa nổi tiếng anh linh, giúp dân lập bản, lập mường, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh, cứu đói.

Theo các truyền thuyết, Đông Quang công chúa là con vua Hùng. Nguồn gốc của bà có thể xuất hiện từ thời Hùng Vương nhưng cũng có thể là người có công cùng chồng là ông Hà Văn Thiên chống giặc ngoại xâm, bảo vệ biên cương vào khoảng thế kỷ XIII đến trước thế kỷ XVIII. Đông Quang công chúa trước khi trở thành Thánh Mẫu Thượng Ngàn đã là vị thần tối linh thiêng ở vùng sông Hồng. Mẫu Thượng Ngàn đã linh ứng giúp vua Lê đánh giặc, phù trợ các triều đình phong kiến và người dân giữ vững an ninh, chủ quyền tại miền biên ải...

Trong tâm thức của người dân nơi đây, Mẫu Thượng ngàn đã trở thành con người thực, gắn liền với sông núi, hóa thân thành thần bản địa để nâng đỡ, che chở cho đồng bào các dân tộc trong vùng, gần gũi, bình dị trong đời sống tâm linh của người dân. Hàng năm, Lễ hội đền được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của tháng Giêng, thu hút đông đảo nhân dân trong cả nước đến dâng hương, vãn cảnh và cầu lộc, cầu tài, cầu may mắn, an yên, quốc thái, dân an, mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh. Lễ hội còn là dịp để nhân dân thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên; đồng thời, giáo dục con cháu về truyền thống của quê hương, tiếp tục gìn giữ và phát huy những di sản vô giá mà cha ông để lại.

Lễ hội được mở đầu bằng một nghi thức đặc biệt của đền Đông Cuông là lễ mổ trâu trắng trước đền. Nghi thức này vừa mang tính cổ xưa lại mang đậm tính tâm linh, song vẫn thể hiện rõ được phong tục tập quán của người Tày khao. Cuộc tế lễ diễn ra vô cùng nghiêm linh, muôn dân trăm họ hướng về cội nguồn để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và bình an hạnh phúc.... 

Ngay sau lễ mổ trâu là lễ rước Mẫu sang sông. Đây cũng là một trong những lễ chính của Lễ hội đền Đông Cuông. Sau khi rước được Mẫu sang sông bằng chiếc thuyền lớn quay trở về bản đền, cũng là lúc dâng hương tế Mẫu. Hàng ngàn người dân trong vùng và du khách thập phương lần lượt dâng hương để cầu mong những điều may mắn sẽ đến với bản thân, bạn bè và gia đình.

Ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch UBND xã Đông Cuông cho biết, sau phần lễ với các nghi thức truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc, phần hội diễn ra với các hoạt động thi đấu thể thao và trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy và các hình thức sinh hoạt đậm chất dân gian như ném còn cũng đã tạo cho Lễ hội thêm phần sinh động. Đặc biệt, hội thi khéo tay làm cốm trong lễ hội Cơm mới là dịp để nhân dân xã Đông Cuông và các xã trong vùng giao lưu, học tập kinh nghiệm trong sản xuất, thắt chặt thêm tình đoàn kết, hướng về một cuộc sống đủ đầy; truyền dạy cho con cháu cách làm cốm truyền thống và chế biến các món ăn từ cốm như: cháo cốm, bánh cốm, chè cốm, xôi cốm, cốm lam, cốm rang… từng bước đưa sản phẩm cốm Đông Cuông trở thành sản phẩm du lịch trong lễ hội Cơm mới.

Phát huy giá trị di sản của lễ hội truyền thống

Chú thích ảnh
Lễ hội truyền thống Đền Đông Cuông giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và thờ Mẫu Thượng Ngàn nói riêng, hệ thống nghi lễ và lễ hội rất phong phú, đa dạng, mang nhiều sắc thái độc đáo có thể dễ dàng phân biệt với các tín ngưỡng và tôn giáo khác. Theo dòng chảy của lịch sử văn hóa tâm linh vùng Bắc Bộ, tín ngưỡng thờ Mẫu ở đền Đông Cuông đã quy tụ sắc màu của rất nhiều thời đại, gắn liền với truyền thuyết và lịch sử của dân tộc. Trong đó, một nghi lễ hết sức đặc biệt là chầu văn - hầu đồng - nghi lễ diễn xướng dân gian mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh. Với nghi lễ này, thông qua các thanh đồng, con người hy vọng sẽ giao tiếp được với các đấng thần linh nhằm gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình.

Ông Vũ Ngọc Ứng, Ban Quản lý Đền Đông Cuông cho hay, trong không gian trang nghiêm, thanh tịnh, khi các thanh đồng hóa thân vào Mẫu Thượng ngàn, các cung văn sẽ kết hợp âm nhạc với các ca từ của hát chầu văn, giai điệu rộn ràng ca ngợi vẻ đẹp thanh cao, sự uy nghi, tối linh, công đức, cũng như những lời khuyên răn đạo lý, thiện tâm của Mẫu, ca ngợi cảnh đẹp của núi rừng, của quê hương, đất nước. Càng cuốn hút hơn khi âm nhạc ấy được phối hợp nhịp nhàng với những điệu múa uyển chuyển, linh hoạt của thanh đồng trong trang phục màu xanh của bà mẹ núi rừng đã góp phần tạo cho nghi thức hầu đồng tại đây sắc màu riêng, thiêng liêng mà cũng không kém phần độc đáo. Từ đó, chuyển tải được sức mạnh và ý nghĩa của Nghi lễ hầu đồng là đáp ứng nhu cầu và khát vọng thường nhật của con người; cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe, cầu cho quốc thái dân an.

Từ khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đền Đông Cuông ngày càng có nhiều khách thập phương đến tham quan, chiêm bái kính Mẫu. Riêng lễ hội Cơm mới được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của tháng Chín âm lịch hàng năm còn có ý nghĩa văn hóa truyền thống hết sức sâu sắc. 

Chị Hà Thị Thanh Hằng (thôn Thác Cái, xã Đông Cuông) chia sẻ, theo phong tục từ lâu đời, vào ngày Mão đầu tiên của tháng Chín âm lịch hàng năm, sau khi đã thu hoạch xong vụ lúa mới, người Tày Khao thường mổ trâu, giã cốm để cúng tổ tiên và dâng Mẫu. Họ quan niệm rằng, Thánh Mẫu và tổ tiên đã phù hộ cho mưa thuận, gió hòa để có được mùa màng bội thu nên khi thu hoạch lúa phải làm cốm để dâng cúng. Việc tổ chức lễ hội Cơm mới không những duy trì nét đẹp văn hóa dân tộc, mà còn là dịp để tiếp tục giáo dục về truyền thống uống nước nhớ nguồn, ân tình của người Tày Khao cũng như các dân tộc Việt Nam tới các thế hệ mai sau.

Theo ông Hà Đức Anh, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, việc Lễ hội truyền thống đền Đông Cuông được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia từ tháng 1/2023, không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là điểm tựa để huyện bảo tồn, phát huy giá trị di sản Lễ hội truyền thống này và các di sản văn hóa trên địa bàn theo phương châm “lấy người dân là trung tâm, là chủ thể của các hoạt động”, “biến di sản thành tài sản” phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Việt Dũng - Thu Nhài (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất