Thứ Bảy, 9/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 16/1/2014 22:18'(GMT+7)

Giới chức Mỹ đề nghị bỏ luật can thiệp quân sự vào Iraq

Binh lính Iraq kiểm tra phương tiện giao thông tại một trạm kiểm soát nằm phía đông thủ đô Baghdad ngày 10/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Binh lính Iraq kiểm tra phương tiện giao thông tại một trạm kiểm soát nằm phía đông thủ đô Baghdad ngày 10/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu trước báo giới, nghị sỹ Cộng hòa Rand Paul, người đứng đầu đề xuất trên, cho biết mặc dù cách đây hai năm, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố kết thúc sứ mệnh chiến đấu của Mỹ tại Iraq, song đạo luật AUMF vẫn có thể cho phép các tổng thống Mỹ tương lai quyền phát động chiến tranh nhằm vào nước này.

Do đó, ông Paul cho rằng đã đến lúc xóa bỏ đạo luật AUMF nhằm chính thức khép lại cuộc chiến tại Iraq trong bối cảnh Washington đã rút toàn bộ binh lính ra khỏi quốc gia này hồi năm 2011.

Đề xuất trên ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ của Nhà Trắng và đa số nghị sỹ Quốc hội. Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Caitlin Hayden cho biết Nhà Trắng ủng hộ việc thu hồi AUMF đối với Iraq bởi đạo luật này không còn cần thiết trong các hoạt động của Chính phủ Mỹ trong tương lai.

Đồng ý với quan điểm trên, nghị sỹ đảng Dân chủ Ron Wyden, một trong 23 thượng nghị sỹ phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Iraq, cho rằng trong bối cảnh các cuộc xung đột sắc tộc và tình trạng bạo lực vẫn đang tiếp diễn tại quốc gia Trung Đông này, chính người dân Iraq, chứ không phải quân đội Mỹ, phải đưa ra các quyết định quan trọng nhằm khôi phục nền an ninh cũng như mang lại hòa bình và sự thịnh vượng cho quốc gia của mình.

Trước đó, hồi đầu tháng này, Chính quyền Tổng thống Obama chính thức tuyên bố sẽ không đưa quân trở lại Iraq, song vẫn cân nhắc kế hoạch xây dựng chương trình huấn luyện mới cho các lực lượng tinh nhuệ của nước này tại một nước thứ ba nhằm tìm cách giúp Bagdad đẩy lùi chiến dịch tấn công của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda gần khu vực biên giới phía Tây nước này.

Cuộc chiến lật đổ chế độ của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein do chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống George Bush phát động hồi năm 2003 đã để lại một đất nước bị tàn phá nặng nề, hàng nghìn dân thường và binh lính thiệt mạng, và những khoản chi phí khổng lồ cho ngân sách của Mỹ.

Đã có tổng cộng 4.488 lính Mỹ và 3.400 nhà thầu Mỹ thiệt mạng, hàng trăm nghìn lính Mỹ bị thương vong và bệnh tật hành hạ, trong khi có ít nhất 134.000 thường dân Iraq thương vong.

Cuộc chiến cũng đã làm tăng chủ nghĩa khủng bố không chỉ ở Irắc mà khắp các nước trong khu vực. Hơn 10 năm đã trôi qua, song tình hình an ninh tại quốc gia Trung Đông này vẫn còn nhiều bất ổn khi tình trạng bạo lực tiếp tục leo thang và làn sóng đánh bom khủng bố bùng phát./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất