Chương trình biểu diễn Chầu văn - hầu đồng
nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu đã diến ra tối 26/2 tại phủ
Tiên Hương thuộc Quần thể Di tích Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản,
tỉnh Nam Định. Chương trình thu hút hơn 20 vị đại sứ, đại diện, trưởng
đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng các nhà nghiên cứu văn
hóa, tín ngưỡng trong nước tham dự.
Đây là hoạt động nằm trong Chương trình “Một hành trình 3 đạo” gồm: đạo Mẫu, đạo Thiên Chúa và đạo Phật do Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với các địa phương tổ chức. Chương trình góp phần giới thiệu những nét đẹp, giá trị văn hóa, tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Tại chương trình, thanh đồng Trần Thị Huệ đã biểu diễn giới thiệu với các đại biểu tham dự lối diễn xướng hầu đồng gồm các giá đồng: Quan Tam Phủ, Quan Tuần Tranh, Chầu Đệ Nhất, Chầu Đệ Nhị, Ông Hoàng Bơ, Chầu Bát, Ông Hoàng Mười...
Tham dự sinh hoạt tín ngưỡng cùng với người dân địa phương, các vị đại sứ, đại diện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam bày tỏ sự thích thú, ấn tượng với trang phục, âm nhạc, cách thức biểu diễn Chầu văn - nghi lễ vừa linh thiêng vừa gần gũi với đời sống này.
Theo bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu đã khẳng định, đề cao vai trò, vị trí của người phụ nữ. Tín ngưỡng này cũng tích hợp nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt đậm tính nhân văn, thể hiện ở sự tôn kính với tổ tiên, ông bà, những người anh hùng có công với nước.
Ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ, ông đã đọc tài liệu giới thiệu nghi lễ Chầu văn - hầu đồng nhưng khi trực tiếp xem, nghe biểu diễn thì mới cảm nhận hết được sự hấp dẫn, cuốn hút của các điệu nhạc, lời hát và hiểu thêm về nền văn hóa Việt Nam.
Ông Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết: Ngoài mục đích giới thiệu nét đẹp, sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân, Chương trình “Một hành trình 3 đạo” còn góp phần giúp các đại biểu hiểu thêm về đất nước, con người và tự do tín ngưỡng ở Việt Nam.
Thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu gắn với đời sống tâm linh người Việt, hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng về sức khỏe, may mắn. Tâm là giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu...
Tháng 3/2014, Việt Nam đã gửi hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dự kiến hồ sơ này sẽ được UNESCO xem xét, đánh giá vào tháng 12/2016./.
Vũ Văn Đạt/TTXVN