Thứ Sáu, 22/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Năm, 13/9/2018 15:43'(GMT+7)

Giữ gìn hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

ĐẤU TRÁNH VỚI CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC

Cách đây không lâu, trên facebook xuất hiện hình ảnh một thanh niên mặc quân phục chiến sĩ có hành vi khiếm nhã xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức ảnh này được lan truyền trên mạng và bị những kẻ xấu đơm đặt, xuyên tạc về hình ảnh người lính, thậm chí còn quy chụp tư tưởng, phẩm chất, tác phong của cả lực lượng quân đội. Cơ quan điều tra vào cuộc đã xác minh, cậu thanh niên trong ảnh kia không phải là chiến sĩ tại ngũ, và đặc biệt, bức ảnh kia không phải là ảnh gốc, mà đã được cắt ghép với ý đồ xấu.

Trên trang Youtube xuất hiện clip ghi lại cảnh một sĩ quan có những hành động và lời lẽ thiếu chuẩn mực với lái xe công-ten-nơ đang đỗ trong khu vực đơn vị quản lý. Tất nhiên, theo điều lệnh, tác phong của người sĩ quan kia là không đúng, đáng phê phán. Song, điều đáng lên án ở đây là đoạn clip ấy đã bị cắt cúp, không đăng nguyên văn nội dung câu chuyện, mà chỉ có đoạn gây bất lợi cho người sĩ quan và đồng đội. Thực tế, tài xế công-te-nơ đã vi phạm khu vực quân sự, dừng đỗ xe trái phép. Sau khi được nhắc nhở, lái xe không những không tuân thủ mà còn khiêu khích, cố tình "gài bẫy" sĩ quan kia để quay phim, tung lên mạng nhằm làm mất uy tín, hình ảnh của quan đội. Sau khi điều tra, đã phát hiện đối tượng có chủ đích từ trước, do tư thù cá nhân nên cố tình dàn cảnh để hạ uy tín của quân nhân kia.

Những vụ cố tình cắt cúp, bóp méo sự thật, thậm chí  dàn dựng hình ảnh để bêu xấu hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ kể trên ngay sau đó đều bị bóc trần, kẻ chủ mưu đều bị vạch mặt. Bởi, xét đến cùng, sự thật chỉ có một, dù có dàn dựng tinh vi đến đâu, sẽ đến lúc "cái kim trong bọc cũng đến ngày lòi ra". Nhưng qua đây, chúng ta cũng nhận thức rõ âm mưu cùng những thủ đoạn của các thế lực chống phá. Bởi hiện nay, quân đội đang là một trong những mục tiêu chống phá chủ yếu của kẻ xấu. Và cách chúng thường dùng nhất là bóp méo, bôi xấu, xuyên tạc rồi phát tán trên các mạng xã hội. 

TỰ GIỮ GÌN HÌNH ẢNH BỘ ĐỘI

Bên cạnh việc bị đối tượng xấu cố tình xuyên tạc, bôi nhọ, cũng có một thực tế đáng suy nghĩ, đó là, vẫn còn những hình ảnh do chính quân nhân tạo ra và trực tiếp chia sẻ. Điển hình như hình ảnh nhóm chiến sĩ giết thú rừng rồi chụp ảnh và đưa lên facebook. Hay gần đây  là đoạn clip quay cảnh một nhóm 4-5 chiến sĩ "ma cũ" dằn mặt chiến sĩ mới.  Thỉnh thoảng còn xuất hiện hình ảnh bộ đội vi phạm quy định cấm uống rượu, hay hình ảnh lái xe quân sự vi phạm Luật giao thông, lấn làn, chạy quá tốc độ bị tung lên các trang diễn đàn mở. Những hình ảnh đó, tuy ít nhưng  bị các thế lực xấu xuyên tạc, đơm đặt, nâng cao quan điểm, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cả lực lượng quân đội. 

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc quản lý,  ngăn chặn các hành vi chống phá trên mạng xã hội không hề đơn giản, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi các trang mạng xã hội, diễn đàn mở được lập ra ngày càng nhiều, trình độ nhận thức, kiến thức về sử dụng mạng xã hội của đại bộ phận người dân còn hạn chế. Trong khi chờ các cơ quan chức năng có các biện pháp  phòng, chống hữu hiệu, mỗi đơn vị, cá nhân cần phải chủ động có các biện pháp tích cực để giữ gìn hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, chống lại các luận điệu xuyên tạc, sai trái, bóp méo sự thật của các thế lực chống phá. Mỗi quân nhân phải rèn luyện được tính cách bình tĩnh, thận trọng, tỉnh táo khi nhìn nhận, đánh giá, bình luận, chia sẻ các thông tin, sự việc liên quan đến Đảng, Nhà nước, Quân đội. Muốn có được điều đó, ngoài việc rèn luyện cho mình khả năng phán đoán, cảm nhận tinh tế, mỗi quân nhân cần không ngừng nâng cao kiến thức lịch sử, xã hội, có hiểu biết nhất định về khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Cùng với những hình ảnh sai sự thật, các kẻ xấu còn sử dụng thủ đoạn bịa đặt, dựng chuyện, xuyên tạc, xét lại lịch sử, gây hoang mang cho dư luận xã hội, nhất là giới trẻ. Vì vậy, nếu không có kiến thức lịch sử và bản lĩnh, lập trường tư tưởng vững vàng, quân nhân trẻ rất dễ bị lung lạc, có suy nghĩ, cách hiểu sai về chính bản thân lực lượng mình. Từ đó, rất dễ bị dao động, tự chuyển hóa, diễn biến trong tư tưởng, lập trường, quan điểm. 

Cùng với việc tự rèn luyện, trang bị kiến thức cho mình, các đơn vị cần chủ động tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức lịch sử về quân đội, kịp thời thông tin các vấn đề nóng về chính trị, kinh tế, xã hội giúp các chiến sỹ nắm chắc, từ đó “miễn dịch” trước các luồng thông tin trái chiều. Ngoài ra, chỉ huy các đơn vị cần xây dựng quy định sử dụng điện thoại, các thiết bị phát tin, lưu trữ thông tin của bộ đội, nhất là hạ sĩ quan, chiến sĩ. Cần hướng dẫn chiến sỹ trẻ sử dụng hiệu quả mạng xã hội bằng cách kết hợp hài hòa giữa đấu tranh chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch với lan tỏa các thông tin chuẩn mực, có tính xây dựng, tích cực, ca ngợi hình ảnh cao đẹp của lực lượng vũ trang. 

Cùng với đấu tranh chống các hành vi xuyên tạc, bóp méo sự thật, bản thân mỗi quân nhân cũng phải thận trọng với việc sử dụng hình ảnh cá nhân mình và tập thể, đồng chí, đồng đội; nhất là khi mặc quân phục, tham gia huấn luyện. Tuyệt đối không chụp ảnh đồng đội, đơn vị để đăng lên trang cá nhân hoặc chia sẻ trên các diễn đàn dưới bất cứ hình thức nào, khi chưa được phép của chỉ huy có thẩm quyền. Quan trọng hơn, mỗi quân nhân, mỗi đơn vị không được phép lơ là, xao nhãng việc tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất người quân nhân cách mạng; giữ gìn và phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ./.

Chiến Văn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất