Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 11/11/2008 13:52'(GMT+7)

Giữ ổn định thị trường tiền tệ, chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế


PV: Thưa đồng chí, trước tình hình khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, hệ thống ngân hàng đã thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ, kinh tế vĩ mô như thế nào?

Ð/c Nguyễn Văn Giàu: Cuộc khủng khoảng tài chính tại Mỹ đã nhanh chóng lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Mặc dù, Mỹ đã công bố và triển khai gói giải pháp trị giá 700 tỷ USD, Chính phủ và Ngân hàng trung ương các nước khác đã thực hiện nhiều biện pháp giải cứu, nhưng thị trường tài chính, tiền tệ thế giới vẫn diễn biến phức tạp và có nguy cơ dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu. Do nền kinh tế nước ta đã hội nhập kinh tế quốc tế, khủng hoảng tài chính và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới sẽ tác  động  nhất  định đối với kinh tế nước ta, trước hết là giá cả hàng hóa, hoạt động xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối, du lịch.

Trước những tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, NHNN điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để tiếp tục kiềm chế lạm phát, chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế, bằng việc giữ ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm sự an toàn của các tổ chức tín dụng; đồng thời có các chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ sản xuất khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh; kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng năm 2008 ở mức hợp lý, bảo đảm  khả năng thanh khoản cho các tổ chức tín dụng ở mức cao, giảm dần lãi suất cho vay. Tỷ giá phù hợp với quan hệ cung-cầu thị trường nhằm thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu.

PV:  Trong hơn một tháng gần đây, NHNN đã thực hiện những giải pháp về lãi suất, tỷ giá, dự trữ bắt buộc, được các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp và dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao. Vậy mục tiêu và những tác động tích cực của các giải pháp đó là gì, thưa đồng chí?

Ð/c Nguyễn Văn Giàu: Trong những tháng đầu năm 2008, lạm phát diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng, NHNN đã thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm ưu tiên thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đã đạt được những kết quả tích cực. Hiện nay, kinh tế vĩ mô có xu hướng ổn định, lạm phát được kiềm chế, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hộ sản xuất gặp khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Vì thế, hơn một tháng gần đây, các công cụ chính sách tiền tệ đã được điều hành một cách linh hoạt nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay và tăng tín dụng đối với nền kinh tế, hỗ trợ vốn các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản xuống còn 12%, giảm lãi suất tái cấp vốn xuống 13%/năm, lãi suất tái chiết khấu xuống 11%/năm và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 1% đối với dự trữ bắt buộc bằng VND và 2% đối với dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ; nới rộng biên độ tỷ giá mua-bán USD của các NHTM so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên Ỷ3% từ ngày 7-11-2008. Các biện pháp này đã làm cho lãi suất cho vay tiền đồng giảm từ 21%/năm xuống 18%/năm, hầu hết các NHTM nhà nước đang áp dụng lãi suất cho vay ở mức từ 15 đến 16%/năm, riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn áp dụng lãi suất cho vay hộ sản xuất 14,4%/năm và lãi suất cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động ở khu vực nông thôn là 15%/năm, áp dụng từ ngày 10-11-2008; tỷ giá tiếp tục tăng nhẹ và xu hướng ổn định, vốn khả dụng của TCTD và vốn cho vay tăng lên.

Mục đích của các điều chỉnh cần thiết này là hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất có điều kiện duy trì và mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, việc nới rộng biên độ tỷ giá sẽ tạo điều kiện để tỷ giá điều chỉnh linh hoạt, phản ánh sát tình hình cung cầu ngoại tệ trên thị trường, góp phần hạn chế nhập siêu và thúc đẩy xuất khẩu, bảo đảm tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, phù hợp bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế.

PV: Tỷ giá USD/VND ngoài thị trường tự do mấy ngày gần đây đã lên hơn 17.000 đ/USD. Ðồng chí có ý kiến gì về vấn đề này và quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về điều hành tỷ giá từ nay đến cuối năm?

Ð/c Nguyễn Văn Giàu: Việc tỷ giá trên thị trường tự do trong những ngày gần đây cao hơn trần cho phép của tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng, phần lớn là do tác động của những yếu tố tâm lý và đầu cơ. Hơn nữa, khối lượng giao dịch trên thị trường tự do chiếm tỷ trọng nhỏ. Do đó, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. NHNN cũng đang có chủ trương thu hẹp thị trường này. Qua phân tích diễn biến cung - cầu ngoại tệ trên thị trường tại thời điểm hiện nay, cũng như trong thời gian tới, thì tỷ giá sẽ ổn định trở lại trong phạm vi biên độ mới (Ỷ3). Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn đủ khả năng can thiệp để nhanh chóng bình ổn thị trường.

PV:  Thưa đồng chí, hiện nay, lãi suất cho vay là 18% giảm 3% so với giữa năm nay, nhiều ngân hàng cho vay lãi suất 14 đến 15% đối với hộ nông dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu nhưng một số doanh nghiệp phản ánh là lãi suất cho vay thực tế vẫn còn cao so khả năng trả nợ của họ. Ý kiến của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

Ð/c Nguyễn Văn Giàu: Trong quá trình chỉ đạo điều hành, NHNN luôn bám sát tình hình tiền tệ, kinh tế trong và ngoài nước, cung - cầu vốn tín dụng trên thị trường để kịp thời điều chỉnh lãi suất cơ bản và các lãi suất chủ đạo khác một cách linh hoạt phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế và mục tiêu của Chính phủ đề ra.

Thời gian qua, sau khi NHNN điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản, lãi suất cho vay của các TCTD cũng đã giảm dần. Trong nền kinh tế thị trường, TCTD hoạt động với tư cách là doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, là người đi vay để cho vay, vì vậy, các TCTD cũng phải tính toán hài hòa giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay để bảo đảm vừa huy động được vốn, vừa bù đắp được chi phí hoạt động và có lãi. Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát, các TCTD sẽ xem xét giảm lãi suất huy động xuống dần mức hợp lý. Trên cơ sở đó sẽ giảm lãi suất cho vay như phần chúng tôi trình bày ở trên. Chúng ta đã biết trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực nhất là xem xét toàn bộ chi phí đầu vào từ tiết kiệm nguyên vật liệu, chi phí quản lý, dự trữ tồn kho nguyên liệu, thành phẩm và cả việc vay vốn ở mức hợp lý để duy trì phát triển và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

PV: Ðối với các dự án bất động sản việc tiếp cận vốn của ngân hàng còn khó khăn, ý kiến của đồng chí về vấn đề này như thế nào? Xin đồng chí cho biết cụ thể về thực trạng cho vay kinh doanh bất động sản hiện nay?

Ð/c Nguyễn Văn Giàu: Ðối với thị trường bất động sản, như chúng ta đã biết, biến động tăng giảm nhanh ở những tháng cuối năm 2007 và 3 tháng đầu năm 2008 và giảm dần từ tháng tư đến nay, nhìn tổng quan thị trường này có nhiều nhận định đánh giá khác nhau. Nhưng phần đông ý kiến cho rằng việc tăng trưởng nhanh do có bộ phận kinh doanh mang tính đầu cơ chứ chưa hoàn toàn do quan hệ cung cầu trên thị trường... Chúng tôi cung cấp vài số liệu về việc cho vay các dự án bất động sản, dư nợ hiện nay là 115.000 tỷ đồng, chiếm 9,15% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng. Riêng cho vay bất động sản của các NHTM trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, địa bàn sôi động nhất, tính đến cuối tháng 10-2008, dư nợ cho vay bất động sản là 61 nghìn tỷ, chiếm 15% tổng dư nợ trên địa bàn thành phố. Trong đó, chia ra 9 nhóm đối tượng, gồm: Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất là 5.640 tỷ đồng; khu công nghiệp, khu chế xuất 1.380 tỷ đồng; khu đô thị mới 6.093 tỷ đồng; cao ốc cho thuê 5.773 tỷ đồng; trung tâm thương mại 2.439 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa nhà ở 18.506 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa nhà để bán lại 9.587 tỷ đồng; cho vay quyền sử dụng đất 5.551 tỷ đồng và kinh doanh bất động sản khác là 6.237 tỷ đồng. Trong năm 2008, trên địa bàn các NHTM đã ký cam kết cho vay 14.388 tỷ đồng với 151 dự án, đến nay đã giải ngân 9.320 tỷ đồng, số chưa giải ngân 5.003 tỷ đồng, trong đó, 56 dự án giải ngân 100%; 57 dự án giải ngân còn lại dưới 10 tỷ đồng; theo báo cáo tổng hợp của NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, các dự án vẫn đang tiếp tục giải ngân. Tuy nhiên, cũng có vài dự án chưa bố trí được nguồn vốn và do chưa hoàn thành công tác giải tỏa đền bù,... những khó khăn này sẽ được xem xét giải quyết cụ thể từng dự án trong thời gian tới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

THÙY VÂN Báo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất