Trong đó, vụ việc thu hút sự
quan tâm đặc biệt của dư
luận là ông Đinh La Thăng
bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, cho
thôi chức đại biểu Quốc hội và bị
đề nghị truy tố, bắt tạm giam. Dư
luận quan tâm bởi lẽ, đây là lần
đầu tiên, một cá nhân từng giữ
chức Ủy viên Bộ Chính trị - một vị
trí lãnh đạo cấp cao của Đảng, đã
sa vào vòng lao lý. Việc ông Thăng
bị tạm giam không chỉ là hệ quả
tất yếu của hàng loạt sai phạm
trong quản lý kinh tế, gây hậu quả
nghiêm trọng trong thời gian ông
này giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng
quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia
Việt Nam (PVN), mà còn là minh
chứng khẳng định ý chí, quyết tâm
và nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân,
đặc biệt là Ban Chấp hành Trung
ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và
người đứng đầu Đảng ta trong việc
ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng,
lãng phí, góp phần làm trong sạch
bộ máy Đảng, Nhà nước.
NHỮNG TIẾNG NÓI LẠC
LÕNG CẦN PHẢI PHÊ PHÁN,
BÁC BỎ
Trong khi đông đảo cán bộ,
đảng viên và nhân dân ta đã bày
tỏ sự đồng tình và ủng hộ quyết
định công minh của Đảng và Nhà
nước ta; đồng thời, khẳng định
niềm tin vào công lý của chế độ
ta, thì các thế lực thù địch, phản
động và thành phần bất mãn,
cơ hội chính trị lại tung tin hoài
nghi, phủ nhận công cuộc đấu
tranh phòng chống tham nhũng
của Đảng, Nhà nước. Họ rêu
rao rằng, sự “bắt bớ này là cuộc
thanh trừng nội bộ”, là “đấu đá
giữa các phe nhóm lợi ích trong
Đảng Cộng sản”, là “sự triệt hạ các
đối thủ chính trị trước thềm Đại
hội Đảng sắp tới”, thậm chí có kẻ
còn xuyên tạc, bịa đặt: “Có người
chống tham nhũng dù bản thân
họ không dính vào tham nhũng
kinh tế, nhưng lại sa vào tham
nhũng quyền lực chính trị”. Thô
thiển hơn, có kẻ suy luận là cuộc
chiến chống tham nhũng gần
đây của Việt Nam cũng chẳng
qua chỉ là “học mót” chiến dịch
“đả hổ diệt ruồi” từ một nước
láng giềng(!)… Từ những ý kiến,
bình luận ác ý đó, họ lái sang ý
đồ chính trị thông qua những lập
luận “sặc mùi” chống phá, kiểu
như: “Muốn xóa bỏ tận gốc căn
nguyên của tham nhũng ở Việt
Nam, phải thay đổi thể chế chính
trị bằng cách xây dựng một chế
độ đa đảng, xã hội dân sự, vì còn
chế độ “độc đảng” là còn nguồn
cơn xảy ra những đại án tham
nhũng, quyền lợi chỉ thuộc về
một bộ phận tinh hoa, còn đại bộ
phận người dân vẫn đói nghèo, xã
hội không thể phát triển được”(!).
Không phải bây giờ, mà trước
bất cứ sự kiện, vấn đề lớn nào
diễn ra trong nước, thu hút sự
quan tâm của dư luận xã hội,
một số cơ quan truyền thông ở
hải ngoại thiếu thiện chí với Việt
Nam cũng đều a dua, hùa theo
những kẻ tự xưng là “nhà hoạt
động nhân quyền”, “nhà đấu
tranh dân chủ”, “nhà báo tự do”
ở trong nước. Sau khi “nghe hơi
nồi chõ” thông tin, họ đồng loạt
“kẻ tung người hứng”, “mượn gió
bẻ măng”, “đục nước béo cò” để
cùng chĩa “mũi dùi” vào Đảng,
Nhà nước và chế độ ta. Chiêu trò
này tuy không có gì mới, nhưng
nó được lặp đi lặp lại càng chứng
tỏ họ đã “vạch áo cho người xem
lưng”, tự bộc lộ rõ động cơ, mưu
đồ chính trị nham hiểm.
Vì vậy, bên cạnh việc đặt niềm
tin vào kỷ luật công minh của Đảng, pháp luật của Nhà nước,
chúng ta cần tỉnh táo, cảnh giác
phòng ngừa, làm thất bại mọi
âm mưu, thủ đoạn của các thế
lực thù địch, phản động, cơ hội
chính trị, lợi dụng công cuộc đấu
tranh phòng chống tham nhũng
của Đảng, Nhà nước ta để tung ra
những ý kiến bình luận sai trái,
lệch lạc, cố tình bôi nhọ, bóp méo
sự thật, lái dư luận vào những ý
đồ đen tối.
KIÊN QUYẾT XỬ LÝ NGHIÊM
NHỮNG CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN
THOÁI HÓA, BIẾN CHẤT
Đã từ lâu, Đảng ta xác định
công cuộc đấu tranh phòng,
chống tham nhũng là một cuộc
đấu tranh lâu dài, gian khổ,
nhưng cũng là nhiệm vụ thường
xuyên, cấp bách. Cách đây 11
năm, ngày 21-8-2006, Trung
ương Đảng khóa X đã ban hành
Nghị quyết số 04-NQ/TW về
“Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
đối với công tác phòng, chống
tham nhũng, lãng phí”. Quốc hội
cũng đã thông qua Luật phòng,
chống tham nhũng từ năm 2005.
Việc Đảng ta tái lập Ban Nội
chính Trung ương, thành lập Ban
chỉ đạo Trung ương về phòng
chống tham nhũng cũng không
ngoài mục đích nhằm ngăn ngừa,
đẩy lùi tình trạng tham nhũng,
không để cho “quốc nạn” này cản
trở công cuộc xây dựng, bảo vệ và
phát triển đất nước.
Không có “vùng cấm”, “vùng
nể”, “vùng né”; không có trường
hợp ngoại lệ; không bị bất cứ
sức ép và sự can thiệp nào là
những dấu ấn nổi bật trong cuộc
chiến phòng, chống tham nhũng
những năm gần đây. Điều đó
được thể hiện rõ nét, nhất là từ
đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII
(1-2016) đến nay, Đảng ta đã kỷ
luật hơn 20 cán bộ cao cấp từ mức
khiển trách trở lên. Đó là những
cán bộ lãnh đạo đương chức ở
các địa phương: Thành phố Hồ
Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng,
Đồng Nai, Hậu Giang và cán bộ
lãnh đạo các bộ: Công Thương,
Nội vụ; lãnh đạo Liên minh hợp
tác xã Việt Nam và lãnh đạo Quân
khu 1. Không những vậy, một số
cán bộ cấp cao nghỉ hưu cũng bị
xử lý kỷ luật do những sai phạm
trong thời gian đương chức như
nguyên lãnh đạo các tỉnh, thành
phố: Hậu Giang, Bình Định, Gia
Lai, Vĩnh Phúc, Đắc Nông, Hải
Phòng và nguyên lãnh đạo: Ban
Tổ chức Trung ương, Bộ Công
Thương, Bộ Tài nguyên và Môi
trường, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.
Ngoài ra, hàng loạt cán bộ đương
chức hay từng giữ chức vụ chủ
tịch hội đồng thành viên, tổng
giám đốc của nhiều tập đoàn
kinh tế lớn cũng bị xử lý kỷ luật;
có người đã bị khởi tố hình sự,
bắt tạm giam. Đấy là chưa kể
trong năm 2016, cấp ủy, Ủy ban
Kiểm tra các cấp đã xử lý kỷ luật
hơn 18.800 đảng viên, trong đó
có gần 1.700 đảng viên bị khai
trừ ra khỏi Đảng. Nguyên nhân
chủ yếu của những đảng viên
bị loại khỏi đội ngũ là do tham
nhũng hoặc suy thoái nghiêm
trọng về tư cách đảng viên. Năm
2017 cũng là năm có nhiều tổ
chức đảng bị xử lý kỷ luật; trong đó, có hai tập thể ban thường vụ
cấp ủy cấp tỉnh bị Trung ương
thi hành bằng hình thức cảnh
cáo, đó là Ban Thường vụ Thành
ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020
và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh
Phúc nhiệm kỳ 2010-2015.
Cách đây 23 năm, tại Hội nghị
đại biểu toàn quốc giữa nhiệm
kỳ khóa VII (1-1994), Đảng ta đã
nhận định, tham nhũng là một
trong bốn nguy cơ liên quan đến
sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Với quyết tâm làm trong sạch bộ
máy, củng cố niềm tin trong nhân
dân, ngoài ban hành Quy định
số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 về
“Những điều đảng viên không được
làm”, trong hai nhiệm kỳ liên tiếp,
Đảng ta đã ban hành Nghị quyết
Trung ương 4 khóa XI “Một số
vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng
hiện nay” (năm 2011) và Nghị
quyết Trung ương 4 khóa XII về
“Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn
Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống, những biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong
nội bộ” (năm 2016). Trong Nghị
quyết Trung ương 4 khóa XII,
lần đầu tiên Đảng ta đã nêu ra 27
biểu hiện suy thoái cụ thể về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
và những biểu hiện “tự diễn biến,
tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc
nhận diện, tìm ra nguyên nhân
cũng như đề xuất các giải pháp
nhằm đấu tranh ngăn chặn, loại
bỏ 27 biểu hiện suy thoái của một
bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng
viên là góp phần cắt bỏ những
“ung nhọt” trong bộ máy Đảng,
Nhà nước, từ đó làm cho “cơ thể”
của Đảng, Nhà nước trở nên khỏe
khoắn, lành mạnh hơn.
NIỀM TIN VÀO KỶ LUẬT
CÔNG MINH CỦA ĐẢNG,
PHÁP LUẬT CỦA NHÀ NƯỚC
Với mục đích củng cố, tăng
cường sức mạnh nội lực của Đảng,
mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành
Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý
kỷ luật đảng viên vi phạm. Khoản
đầu tiên của Điều 2 về nguyên
tắc xử lý kỷ luật nêu rõ: “Tất cả
đảng viên đều bình đẳng trước kỷ
luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ
cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật
của Đảng đều phải được xem xét,
xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp
thời”. Nguyên tắc xử lý kỷ luật
này không chỉ là lời cảnh tỉnh,
cảnh báo đối với những đảng
viên có biểu hiện “nhúng chàm”
phải sớm tự giác gột rửa, “cải tà
quy chính” để tránh rơi vào vòng
lao lý; mà còn khẳng định Đảng
ta tiếp tục đề cao kỷ luật, siết chặt đội ngũ và sẽ không dung tha cho
bất cứ cán bộ, đảng viên nào cố
tình sai phạm, nhất là sa ngã vào
con đường thoái hóa, biến chất,
tham nhũng, lãng phí, gây tác
động tiêu cực đến sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Pháp luật bất vị thân. Bằng
việc kiên quyết “nói không” với
tham nhũng; xử lý kịp thời, thích
đáng đối với tất cả các trường
hợp cán bộ các cấp sai phạm,
Đảng ta đã và đang thể hiện
tinh thần của “một Đảng tiến
bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân
chính” như Bác Hồ mong muốn.
Điều có ý nghĩa hơn là, mỗi bước
chuyển biến trong phòng, chống
“quốc nạn” tham nhũng là một
lần nhân lên niềm tin trong
nhân dân đối với Đảng ta và chế
độ ta. Đó là cơ sở để chúng ta tin
vào sức mạnh kỷ luật của Đảng.
Bởi vì, với tư cách là đại biểu cho
lợi ích trung thành của giai cấp
công nhân, nhân dân lao động
và của dân tộc, trong lịch sử gần
90 năm xây dựng, phát triển và
trưởng thành, mỗi quyết định
sáng suốt, kịp thời của Đảng đều
có tác động tích cực đến niềm tin
của nhân dân. Từ niềm tin đó,
sức mạnh của nhân dân được
nhân lên, sẽ đủ sức “dời non
lấp biển”, sát cánh, đồng lòng
với Đảng trên con đường hướng
tới mục tiêu xây dựng đất nước
Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh”. Tin tưởng vào
Đảng là niềm tin chính nghĩa, là
tin vào những giá trị cao đẹp mà
Đảng đã và đang mang lại cho
toàn dân ta.
Cũng cần nhắc lại rằng, tuy
công tác phòng, chống tham
nhũng của Đảng, Nhà nước đã đi
đúng hướng và đang có những
chuyển biến rất quan trọng;
nhưng chúng ta cũng không
được phép chủ quan, sớm thỏa
mãn, hài lòng với những kết quả
đã đạt được. Vì cuộc đấu tranh
phòng, chống tham nhũng liên
quan đến con người, tổ chức
bộ máy, nhất là đụng chạm đến
những cán bộ có chức, có quyền,
do đó, đòi hỏi chúng ta phải có
những giải pháp đồng bộ cả về
giáo dục, chính trị, hành chính,
kinh tế, cơ chế, chính sách, pháp
luật… Mọi biểu hiện nóng vội,
muốn đốt cháy giai đoạn, cũng
như thái độ cầm chừng, chậm
trễ, lơ là trong “cuộc chiến” đầy
cam go, phức tạp, nhạy cảm này
đều không đúng với tinh thần,
phương châm phòng, chống
tham nhũng của Đảng, Nhà
nước ta.
Điều quan trọng nhất lúc này
đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên,
ngoài việc chung tay, góp sức với
toàn Đảng, toàn dân, toàn quân
kiên quyết đẩy lùi “quốc nạn”
tham nhũng, thì bản thân mỗi
người phải thường xuyên tự giác
tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách
mạng, gương mẫu thực hành
cần, kiệm, liêm, chính, chí công
vô tư. Bởi rằng Chủ tịch Hồ Chí
Minh từng khẳng định: “Đảng
viên và cán bộ cũng là người. Ai
cũng có tính tốt và tính xấu. Song
đã hiểu biết, đã tình nguyện vào
một Đảng vì dân, vì nước, đã là
một người cách mạng thì phải
cố gắng phát triển những tính
tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì
tính xấu của một người thường
chỉ có hại cho người đó; còn tính
xấu của một đảng viên, một cán
bộ sẽ có hại đến Đảng, sẽ có hại
đến nhân dân”(1).
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.
Chính trị quốc gia - Sự Thật, xuất
bản lần thứ 3, H, 2011, t. 5, tr. 294.
Nguyễn Văn Hải