Tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dự kiến
hối thúc những người đồng cấp trong G20 phối hợp tìm giải pháp nhằm bảo
đảm nguồn lực cần thiết giúp các nước đang phát triển phục hồi sau đại
dịch COVID-19.
Cuộc họp của G20 diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Omicron
đang giảm dần ở những quốc gia phát triển nhưng tiếp tục gia tăng ở các
nước đang phát triển. Hội nghị tập trung thảo luận về một loạt vấn đề
nổi trội hiện nay như lạm phát, bình thường hóa các chính sách và chuyển
đổi số nhằm hỗ trợ các nước thành viên trong nhóm phục hồi kinh tế sau
hai năm chịu nhiều khủng hoảng từ đại dịch COVID-19. Ngoài ra, các đại
biểu tham dự hội nghị cũng bàn về sự phát triển và ổn định của thị
trường tài chính toàn cầu.
Một trong những ưu tiên của Mỹ trong cuộc họp G20 lần này là thúc
giục các nước trong nhóm có những điều chỉnh chính sách phù hợp với hoàn
cảnh của từng quốc gia đang phát triển để bảo đảm các nước này có thể
phục hồi toàn diện, đồng thời thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận vaccine phòng COVID-19 đối với những quốc gia nghèo nhất.
Những điều chỉnh này sẽ bao gồm việc ủng hộ những nỗ lực của Ngân
hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Y tế thế giới
(WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong giải tỏa những “nút
thắt” trong tiến trình triển khai vaccine, các biện pháp điều trị và
chẩn đoán COVID-19. Mỹ cũng muốn các nước G20 ủng hộ đề xuất thành lập
một quỹ toàn cầu đặt tại WB chuyên đầu tư vào công tác phòng ngừa và đối
phó đại dịch với chi phí ước tính khoảng 75 tỷ USD.
Các nước đang phát triển đang đối mặt rủi ro ngày càng gia tăng về
tài chính do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và các khoản nợ không minh
bạch. Trong “Báo cáo phát triển thế giới 2022: Tài chính cho sự phục hồi
công bằng”, WB đã cảnh báo, rủi ro có thể đang tiềm ẩn do sự cân đối
thu chi của các hộ gia đình, doanh nghiệp, ngân hàng và chính phủ có mối
quan hệ chặt chẽ với nhau.
Thể chế tài chính quốc tế lưu ý rằng, các khoản nợ xấu và nợ tiềm ẩn ở
mức cao đang làm giảm khả năng tiếp cận tín dụng, tài chính của các hộ
gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp nhỏ một cách không cân xứng.
Theo Chủ tịch WB David Malpass, rủi ro đó đối với các nước đang phát
triển là khủng hoảng lạm phát và lãi suất tăng cao sẽ lan rộng do tài
chính không ổn định.
“Bóng mây u ám” bao phủ đối với lĩnh vực kinh doanh, tài chính ở
nhiều nước đang phát triển khi 46% doanh nghiệp được khảo sát ở các nước
này có khả năng lâm vào tình trạng nợ đọng. Các khoản nợ không thể trả
có thể tăng mạnh và nợ tư nhân có thể nhanh chóng trở thành nợ công khi
các chính phủ đưa ra gói hỗ trợ.
Trước tình trạng này, WB khuyến nghị các nước đang phát triển cần chủ
động quản lý các khoản nợ xấu, cải thiện cơ chế phá sản, tạo điều kiện
thuận lợi cho việc hòa giải mà không cần sự phân xử của tòa án, đặc biệt
là đối với các doanh nghiệp nhỏ và thúc đẩy xóa nợ để giúp giảm nợ tư
nhân.
Trong bối cảnh các điều kiện tài chính toàn cầu ngày càng thắt chặt
và thị trường nợ nội địa thiếu ổn định ở nhiều nước đang phát triển chèn
ép lĩnh vực đầu tư tư nhân và cản trở sự phục hồi, WB hối thúc giới
hoạch định chính sách cần chú trọng đến môi trường tài chính lành mạnh
hơn. Nhằm giúp ổn định tài chính và giảm tác động của đại dịch đối với
đầu tư và thị trường việc làm, ông Malpass nhấn mạnh, điều quan trọng là
chính phủ các nước phải có những điều chỉnh để hướng tới khả năng tiếp
cận tín dụng trên diện rộng và phân bổ vốn theo định hướng tăng trưởng.
Điều này sẽ cho phép các công ty nhỏ, năng động và các lĩnh vực có tiềm
năng tăng trưởng cao gia tăng đầu tư và tạo việc làm.
Sự khác biệt về tốc độ phục hồi sau đại dịch trên toàn cầu khiến giới
quan sát cho rằng, G20 phải đối mặt nhiệm vụ khó khăn trong việc điều
hướng chính sách. Các nhà hoạch định chính sách G20 cần cảnh báo các
quốc gia mới nổi phải chuẩn bị cho những tác động thị trường tiềm ẩn từ
việc các nền kinh tế lớn thắt chặt chính sách tiền tệ, nhằm giảm các
điểm dễ bị tổn thương trong quá trình phục hồi./.