Chương trình có sự tham gia của Đại sứ vì phụ nữ và trẻ em gái của Australia Natasha Stott Despoja.
Dự án WEAVE được Chính phủ Australia tài trợ, do liên minh ba tổ chức
phi chính phủ tại Việt Nam là CARE International, Oxfam và SNV thực
hiện.
Dự án WEAVE sẽ hỗ trợ nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ dân tộc
thiểu số trong chuỗi giá trị sản phẩm lợn, quế và chuối thông qua thúc
đẩy bình đẳng giới giữa phụ nữ và nam giới ở cấp hộ gia đình và nhóm sản
xuất; tăng cường kỹ năng sản xuất và khả năng thương thuyết; kết nối
nông dân với doanh nghiệp và đối thoại chính sách với Nhà nước nhằm cải
thiện các chính sách hỗ trợ người sản xuất.
Phát biểu trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam trên cương vị Đại
sứ vì phụ nữ và trẻ em gái, bà Natasha Stott Despoja cho rằng: "Bình
đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là những ưu tiên hàng đầu tại
Australia, cũng như trong chính sách đối ngoại, ngoại giao kinh tế và
chương trình viện trợ phát triển của chúng tôi. Dự án WEAVE được khai
trương hôm nay là sáng kiến mới nhất trong những nỗ lực không ngừng của
Australia nhằm nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam."
Dự án WEAVE phát huy thế mạnh và kinh nghiệm nhiều năm của ba tổ chức
trên trong các dự án hỗ trợ nâng cao năng lực kinh tế và xã hội cho phụ
nữ vùng Tây Bắc, một trong những khu vực nghèo nhất cả nước.
Thông qua tập huấn và hướng dẫn thực hành, dự án sẽ nâng cao năng lực
cho người tham gia về kỹ năng tiếp thị, kiến thức tài chính, lập kế
hoạch kinh doanh, khả năng thương thuyết và hiểu biết pháp lý.
Đặc biệt, cách tiếp cận của dự án WEAVE sẽ giúp người tham gia hiểu
và thách thức vai trò, trách nhiệm về giới, vấn đề đang khiến cho phụ nữ
không được hưởng lợi đầy đủ từ những chuỗi giá trị mà họ tham gia. Ba
chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp gồm: lợn, quế và chuối được lựa chọn
căn cứ vào tiềm năng đóng góp về xã hội, sinh thái và kinh tế của ba
ngành hàng này đối với cộng đồng địa phương.
Dự án được thiết kế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra những mối
liên kết mới giữa người sản xuất và các thành phần khác trong chuỗi giá
trị.
Hơn 1.800 phụ nữ và nam giới, phần lớn là người dân tộc thiểu số, sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ dự án.
Được khởi động từ giữa tháng 8 năm nay, dự án sẽ được triển khai
trong ba năm tại Lào Cai và Bắc Cạn, hai tỉnh Tây Bắc thuộc địa bàn dự
án, là những tỉnh khó khăn. Đói nghèo và bất bình đẳng vẫn tồn tại, và
những phụ nữ dân tộc thiểu số - thành phần tham gia chủ yếu trong dự án
WEAVE - đang phải đối mặt với những rào cản về xã hội và kinh tế
Người trồng chuối ở Bắc Cạn, rất nhiều trong số đó là phụ nữ, thường
bị ép giá do phụ thuộc vào người vận chuyển, thương lái và đơn vị xuất
khẩu, và họ có ít cơ hội thương lượng. Những khó khăn mà người trồng
chuối đang gặp phải trong sản xuất, bảo quản và tiếp cận thị trường đồng
nghĩa với việc đầu tư vào ngành hàng này chậm mang lại lợi nhuận. Những
người sản xuất quế cũng gặp các vấn đề tương tự. Tại Lào Cai, phụ nữ
tham gia phần lớn vào sản xuất quế nhưng không được hưởng lợi đẩy đủ vì
rất nhiều trong số họ thiếu kỹ năng sản xuất, tiếp thị và kinh doanh.
Người chăn nuôi lợn quy mô nhỏ, chủ yếu là phụ nữ đang đóng góp phần
lớn vào sản lượng thịt lợn của tỉnh Lào Cai. Họ đang phải nỗ lực hết sức
để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nguồn thịt lợn sạch nhưng đồng
thời lại chịu áp lực cạnh tranh từ các nhà sản xuất nước ngoài và các
trang trại xuất lợn quy mô lớn được Chính phủ ưu tiên phát triển.
Trong mỗi chuỗi giá trị, tiềm năng của phụ nữ bị hạn chế do những bất
bình đẳng trong phân chia vai trò và trách nhiệm giữa nam và nữ - vấn
đề đang tạo thêm gánh nặng việc nhà cho người phụ nữ; khiến phụ nữ không
được tham gia vào các quyết định trong gia đình và trong sản xuất cũng
như cản trở họ tham gia các công việc tạo thu nhập. Thông qua các hoạt
động và thảo luận dành cho cả phụ nữ và nam giới, dự án sẽ thúc đẩy bình
đẳng giữa nam và nữ để phụ nữ có thể tăng thu nhập từ công việc của họ
trong các chuỗi giá trị chuối, quế và lợn.
Chính phủ và các tỉnh miền núi phía bắc đã ban hành một số chính sách
thúc đẩy phát triển kinh doanh trong nông nghiệp và hỗ trợ phát triển
kinh tế xã hội. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế trong việc xây dựng và
triển khai chính sách, đặc biệt về: hòa nhập xã hội và bình đẳng giới;
hướng dẫn và nguồn lực để thực hiện chính sách chưa đầy đủ; nhận thức
của người sản xuất nhỏ về những chính sách này.
Những bài học kinh nghiệm của dự án WEAVE sẽ được tài liệu hóa để vận
động dựa trên bằng chứng cho các chính sách nhằm nâng cao vai trò của
phụ nữ trong phát triển kinh tế địa phương và trong những chuỗi giá trị
hiện có.
Với sự hỗ trợ tài chính 2,5 triệu AUD từ Chính phủ Australia, dự án
này sẽ là tiền đề cho một chương trình viện trợ mới của Australia nhằm
nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ tại khu vực Tây Bắc của Việt Nam
trong những năm tới, bà Đại sứ Natasha Stott Despoja cho hay.
Cũng trong chuyến thăm ba ngày tới Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, bà
Natasha Stott Despoja sẽ gặp gỡ nhiều tổ chức và các cá nhân đang hoạt
động trên lĩnh vực giải quyết những vấn đề bất bình đẳng giới và thúc
đẩy quyền của phụ nữ như Trung tâm Phụ nữ trong chính trị và hành chính
công (WiPPA), Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ
Việt Nam (CWD), các nữ đại biểu Quốc hội, Hội Nữ doanh nhân TP Hồ Chí
Minh (HAWEE). Công việc của các tổ chức và cá nhân này cũng tương tự ba
ưu tiên trong chiến lược của Australia về bình đẳng giới bao gồm nâng
cao tiếng nói của phụ nữ trong việc ra quyết định và lãnh đạo; thúc đẩy
trao quyền kinh tế của phụ nữ và chấm dứt nạn bạo hành đối với phụ nữ và
trẻ em gái.
Bà mong muốn, trong tương lai, hai nước Việt Nam và Australia có thêm
nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa để cùng tiếp tục nâng cao vị thế cho phụ
nữ.