Thứ Năm, 28/11/2024
Môi trường
Thứ Tư, 23/2/2011 21:30'(GMT+7)

Giúp nông dân ứng phó biến đổi khí hậu

Vụ hè thu 2009, mưa kéo dài làm nhiều cánh đồng tại ĐBSCL chìm trong biển nước.

Vụ hè thu 2009, mưa kéo dài làm nhiều cánh đồng tại ĐBSCL chìm trong biển nước.

Cuối năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện chương trình này, nhiều giải pháp trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa đã bước đầu được triển khai.

Đổi mới cách thức canh tác và giống lúa

Được đánh giá là một trong nhưng giải pháp hàng đầu để ngành nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, các hệ thống canh tác mới đã được bước đầu triển khai tại Việt Nam.

Mới đây nhất, dự án “Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sử dụng đất ở đồng bằng sông Cửu Long: Sự thích ứng của hệ thống canh tác trên nền lúa” đã được khởi động với Hội thảo ngày 22/2 do Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR), Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) tổ chức tại Cần Thơ.

Mục đích chính của dự án nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống canh tác lúa đồng bằng sông Cửu Long thông qua việc cung cấp công nghệ và kỹ thuật mới. Thời gian thực hiện dự án là bốn năm (từ năm 2011-2014) tại bốn tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, gồm An Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang và Cần Thơ.

Còn tại phía Bắc, chương trình "Tăng cường năng lực cho nông dân trồng lúa quy mô nhỏ miền Bắc” đã hỗ trợ mở rộng ứng dụng về hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI)  tại 6 tỉnh điểm là Hà Nội, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Tới thời điểm cuối vụ đông xuân 2009 có trên 264.000 nông dân áp dụng toàn phần và từng phần SRI trên 85.422 ha tại 21 tỉnh miền Bắc; trong đó tại 6 tỉnh chương trình hỗ trợ, số nông dân áp dụng và diện tích áp dụng chiếm 43%. Mô hình hệ thống SRI ứng dụng kỹ thuật mới để giảm mật độ gieo cấy, giảm nước tưới, giảm phân hóa học và thuốc trừ sâu.

Theo bà Lê Minh, điều phối viên quốc gia, đại diện Oxfam Mỹ, so với biện pháp canh tác truyền thống, SRI tiết kiệm được 80-90% giống, giảm được 50% lượng phân bón, thuốc trừ sâu, 40% nước, giảm phát thải khí methane từ đất… tăng thu nhập thêm khoảng 1,8-3,5 triệu đồng trên một ha mỗi vụ lúa.

Trong khi đó, TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cũng cho biết, tùy từng giống lúa, hiện Viện đang nghiên cứu, bổ sung thêm các yếu tố chống chịu và giảm nhẹ thiệt hại do biến đổi khí hậu, chẳng hạn có thể chịu được độ mặn 5- 6 phần nghìn (so với 1- 2 phần nghìn như trước kia), chịu khô hạn hoặc ngập úng đến vài tuần...

Cấp bách nâng cấp hệ thống thủy lợi cho 2 vựa lúa

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong đó, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập chìm nhiều nhất. Nông nghiệp, nông dân và an ninh lương thực cũng được đánh giá là những đối tượng và lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất.

(Nguồn: Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu)

Một giải pháp căn cơ khác để ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề thủy lợi. Năm 2010, Tổng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức các hội thảo về quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng trong điều kiện biến đổi khí hậu - nước biển dâng.

Tại đồng bằng sông Hồng, các chuyên gia thủy lợi cho rằng, vấn đề mấu chốt mang tính chiến lược của quy hoạch thủy lợi là phải bảo đảm an ninh dòng chảy.

Tại các cửa sông và tỉnh ven biển như Nam Định, Thái Bình... phải xây dựng hệ thống cống, đập để chống nước biển dâng và xâm ngập mặn; nâng cấp và hoàn thiện đê biển và các cống dưới đê; dọc ven biển cần phải bổ sung trồng thêm rừng ngập mặn.

Còn đồng bằng sông Cửu Long, theo quy hoạch nêu ra tại hội thảo, sẽ gồm 5 vùng thủy lợi: Đông Vàm Cỏ Đông; Tả sông Tiền; Tứ giác Long Xuyên; giữa sông Tiền- sông Hậu và bán đảo Cà Mau, với 23 tiểu vùng và 119 khu dự án.

Các chuyên gia cho rằng quy hoạch thủy lợi hoàn chỉnh cho khu vực này phải là hệ thống đa mục tiêu, phục vụ cho sản xuất và dân sinh.

Mới đây nhất, trong cuộc họp diễn ra ngày 16/2 vừa qua của Ban Chỉ đạo quốc gia Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ rõ, Việt Nam cần phải tiến hành đồng bộ các chương trình, trong đó cần cấp bách hoàn thiện 2 dự án lớn về cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi tại 2 đồng bằng này.

Không chỉ thích ứng

Nhìn ở một khía cạnh khác, không chỉ thích ứng với biến đổi khí hậu, người nông dân cũng phải góp phần hạn chế sự gia tăng của chính hiện tượng này. Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, bên cạnh các quy trình sản xuất thân thiện, nông dân còn phải biết giảm thiểu việc thải khí methane mà cách làm hay nhất là dùng rơm rạ để chăn nuôi, dùng phân chuồng để làm khí đốt sinh học.

Một tín hiệu vui trong vấn đề này là cuối năm 2010, chương trình Khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm công trình khí sinh học thứ 100.000.

Được thực hiện từ cuối năm 2003, Chương trình do Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện với sự giúp đỡ của Chính phủ Hà Lan đã được đẩy mạnh nhằm nỗ lực chuyển đổi từ chất thải chăn nuôi thành nguồn năng lượng bền vững cho các hộ dân nông thôn. Mục tiêu xây dựng là 165.000 công trình khí sinh học vào cuối năm 2012 tại 58 tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, nhiều dự án nhỏ khác về khí sinh học đã được triển khai như phong trào xây dựng hầm biogas VACVINA do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) đã phối hợp với Hội Làm vườn Thanh Hóa thực hiện…

Trung bình mỗi công trình khí sinh học góp phần giảm thải hơn 2 tấn CO2/năm, góp phần thiết thực vào việc chống biến đổi khí hậu./.

(Hà Chính/Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất